Cô giáo ở xóm ngụ cư

Ở ấp Bà Phái (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), cư dân vẫn nói với nhau rằng nhờ lớp học tình thương của cô Lê Thị Tô Điểm mà những đứa trẻ vô gia cư, không giấy tờ tùy thân trong ấp được xóa mù chữ.

Cô nắn nót từng nét chữ cho học trò

Cô nắn nót từng nét chữ cho học trò

Không chỉ là người dìu dắt các em trên con đường tri thức, cô Điểm còn quan tâm đến cuộc sống của từng gia đình.

“Gom” trò về nhà

Yêu thích các hoạt động xã hội, nên từ năm 2009 cô Điểm nhận dạy kèm miễn phí cho các bé cấp 1 trong xóm. Ban đầu chỉ là những giờ kèm Toán, Tiếng Việt vào cuối tuần, sau đó nhiều người tìm đến nhà xin gửi con. Giảng dạy không phải là chuyên môn, nhưng cô vẫn tự tin nhận dạy các bé vì lòng yêu trẻ và thích dạy học.

Lớp học ngày càng đông, có những gương mặt rất lạ, thậm chí nhà ở đâu cô cũng không rõ. Hỏi thăm, cô lần đầu nghe đến xóm Việt kiều Campuchia sống cùng ấp. Họ là những người Campuchia gốc Việt đã sống nhiều đời ở Biển Hồ (Campuchia), cuộc mưu sinh đưa họ trôi dạt nhiều nơi rồi cuối cùng dìu dắt nhau về ấp Bà Phái (huyện Bàu Bàng) xin đất ở nhờ và thành xóm ngụ cư nằm khuất sâu trong rừng cao su. Những đứa trẻ lớn lên không có giấy tờ tùy thân nào, cả xóm nghèo, đói ăn, đói mặc và đói cả con chữ.

Cô Điểm tìm đến tận xóm, ngỡ ngàng vì mình làm công tác hội bấy lâu nay nhưng chưa từng biết đến sự hiện diện của những nhân khẩu này. Dạo một vòng hỏi thăm, cô ghi chép vào cuốn sổ tay họ tên của từng người, rồi mang lên xã trình báo. Thương những đứa trẻ đã lên 7, lên 8 mà vẫn chưa biết chữ, cô về nhà mở lớp dạy học. Thay vì dạy 5 buổi/ tuần như thời khóa biểu ở trường chính quy, cô nhận dạy luôn cả thứ bảy, chủ nhật, vì thương tụi nhỏ không có ai trông coi. Dù kinh tế khá chật vật nhưng cô vẫn trích ra chút tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập cho học trò.

Một mình đứng lớp với hơn 20 học trò, biết bao khó khăn, trở ngại khi vừa chỉ đứa nhỏ tập viết đến mỏi rã tay, lại phải giải thích bài toán sao cho đứa lớn dễ hiểu nhất. Những đứa trẻ sinh ra ở rừng, không dễ dạy bảo. Không ít lần mệt mỏi, tức giận, cô muốn trả chúng về nhà, nhưng thoáng chốc, nghĩ đến căn chòi xập xệ, sống lay lắt từng ngày ở xóm ngụ cư 3 không (không hộ khẩu, không việc làm, không biết chữ), cô quyết tâm “lôi” tụi nhỏ ra khỏi mảng đen u tịch đã bủa vây cuộc đời chúng từ lúc mới lọt lòng, bằng con đường tìm đến tri thức.

Lâu dần, lớp học đi vào nề nếp, cô có nhiều kinh nghiệm dạy. Năm 2014, một mạnh thường quân có thiện ý xây tặng 2 lớp học tình thương cho các em. Được sự đồng thuận của chồng, cô Điểm dành một phần đất bên hông nhà để xây lớp. Từ đó, cô và trò không còn phải dạy và học trong căn phòng chật chội ở nhà cô nữa, mà thay vào đó là lớp học khang trang với đầy đủ dụng cụ, đồ dùng học tập. Cùng thời điểm, người chị ruột ở quận Thủ Đức (TPHCM) là giáo viên vừa nghỉ hưu chuyển về sống cạnh nhà, cũng phụ cô dạy học. Được sự hỗ trợ và có thêm người đồng hành, việc dạy học của cô Điểm đỡ vất vả hơn.

Mặc dù lớp học có nội quy gắt, nhưng nhiều trường hợp cô Điểm cũng phải xí xóa cho qua với cái lý của trẻ: đau đầu, nghỉ; đi mót mủ, nghỉ; ở nhà chăm em, nghỉ. Hoặc với vô số buổi học, bất ngờ có đứa tất tả chạy vào, trần tình vì đi trễ: “Con ráng bán hết xấp vé số”. “Tiên học lễ” là điều cô quan tâm đặc biệt để uốn nắn tính cách cho tụi nhỏ. Từ việc nghe một người than phiền tật ăn trộm trái cây của một bé, cô nghiêm khắc chỉ ra cái sai rồi nhẹ nhàng dặn dò: “Một đứa trẻ ngoan sẽ không bao giờ ăn cắp, nha các con!”. Hoặc qua những bài hát, câu chuyện có ý nghĩa, cô cũng đưa vào giờ học đạo đức để tụi nhỏ dễ tiếp thu.

Quyết tâm không để các em mù chữ

Mỗi năm, nghe có đợt khám sức khỏe hay thông báo uống vitamin cho các bé, cô lập danh sách xin cho học trò mình được tham gia, bởi các hộ dân không có giấy tờ tùy thân, rất khó được nhận. Cô cũng tiết kiệm, dành một khoản tiền để mua thêm đồ dùng học tập cho lớp. Ngoài môn học chính là Toán và Tiếng Việt, tụi nhỏ còn được học vẽ, tô màu. Giờ ra chơi có cờ vua, cầu lông để đánh, hay trái cây trong vườn để ăn. Cây ổi trước lớp học chưa kịp chín đã trụi sạch. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nhiều lúc cô phiền, nhưng vẫn hiểu để thương. Có lần nhìn một vòng cả lớp, thấy đứa nào đầu tóc cũng bù xù, cô dặn về cắt, thế nhưng cả tháng trời vẫn y nguyên. Khi nghe chúng lí nhí: “Tụi con không có tiền cắt tóc”, cô đành làm thợ cắt tóc bất đắc dĩ. Cắt xong nhìn thấy đầu đứa nào cũng so le, cô chạy xe ra đầu ngõ nhờ thợ cắt tóc đến tận nhà cắt lại cho tụi nhỏ thêm lần nữa.

Cô làm nghề may, chú làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh, có lúc thiếu trước hụt sau, nhưng đều đặn mỗi năm, cô chú đều trích tiền mua đồ dùng học tập mới cho lớp học. Đến nay, chỉ 16 em còn theo học, một số đã lớn, một số bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đi làm ăn xa. Trong số 16 em này, có em theo học cô hơn 7 năm nay mà vẫn chưa lên được lớp 5, do thường xuyên dở dang việc học vì câu chuyện cơm áo gạo tiền. Cô tâm sự: “Ngày nào còn sức, vợ chồng tôi sẽ còn tạo mọi điều kiện cho tụi nhỏ đến trường”.
Không dám nói trước tương lai về con đường học vấn của bọn trẻ, vì hầu như tất cả đều không có giấy tờ tùy thân. Nhưng chỉ cần đứa trẻ nào được sinh ra ở xóm ngụ cư ấy, cô sẵn sàng đón nhận và quyết tâm không để chúng mù chữ.

KIM LIÊN

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/co-giao-o-xom-ngu-cu-451212.html