Cơ hội cho du lịch Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Ba tháng đầu năm Mỹ Sơn đón hơn 107 nghìn lượt khách, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2016, tiếp tục khẳng định sức hút của một điểm đến đầy hấp dẫn.

Ba tháng đầu năm Mỹ Sơn đón hơn 107 nghìn lượt khách, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2016, tiếp tục khẳng định sức hút của một điểm đến đầy hấp dẫn.

Khách đến Mỹ Sơn tăng cao và dự đoán sẽ tăng hơn nữa khi các công trình hạ tầng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Vĩnh Lộc

Cải thiện chất lượng dịch vụ

Thống kê từ Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, bình quân mỗi ngày Mỹ Sơn đón 1.000 - 1.500 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. Trong số 107 nghìn khách đến Mỹ Sơn 3 tháng đầu năm 2017, khách nước ngoài chiếm khoảng 95 nghìn lượt. Ngoài sức hút của một di sản văn hóa thế giới thì nguyên do khiến khách tăng cao chính là việc hoàn thiện hạ tầng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp như cải tiến phương án bán vé, soát vé; nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm; đưa hệ thống xe điện vào phục vụ chuyên chở khách… Đặc biệt, công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng cảnh quan trong di tích như lối đi, đặt ghế ngồi, xây dựng điểm dừng chân, trồng thêm cây xanh hay đưa vào khai thác tham quan các nhóm tháp G, E vừa trùng tu… đã góp phần tạo điểm nhấn mới cho Mỹ Sơn, mang tới sự hài lòng cho du khách và doanh nghiệp lữ hành.

Nhiều du khách cho rằng, tham quan Mỹ Sơn không chỉ là khám phá đền tháp Chăm cổ kính mà còn là trải nghiệm các giá trị thiên nhiên, sinh thái trong lành. Đó là màu xanh của rừng, sự hoang sơ của hệ động thực vật đã được phục hồi phát triển tốt. Điều này dễ dàng cảm nhận khi giữa trưa nắng đi trên những con đường bên trong di tích vẫn cảm giác được sự mát mẻ thoáng đãng. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Điều hành tour Công ty TNHH Du lịch An Phú (Hội An), đơn vị thường xuyên đưa khách lên Mỹ Sơn, du khách quốc tế quan tâm đến Mỹ Sơn, ngoài các giá trị kiến trúc thì môi trường sinh thái và chất lượng dịch vụ là điều rất quan trọng. “Có 4 vấn đề Mỹ Sơn làm tốt là dịch vụ tốt, quản lý tốt, đầu tư tốt và vệ sinh tốt. Tất nhiên, vẫn còn một số bất cập như việc lợp tôn tại tháp D1, D2, F1 cũng như công tác quảng bá tại Hội An hay việc lắp ráp bảng quảng cáo 2 bên đường từ Hội An lên Mỹ Sơn còn ít… nhưng nhiều khách hàng của công ty vẫn mong muốn được đến Mỹ Sơn. Bình quân mỗi này Công ty An Phú đưa khoảng 100 khách lên Mỹ Sơn” - ông Dũng cho biết.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nói, có 2 điều lý giải khách đến Mỹ Sơn tăng thời gian qua gồm: xu thế khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao và chất lượng hạ tầng dịch vụ Mỹ Sơn được cải thiện. Trong đó, việc hoàn thiện các tuyến đường nội bộ di tích như lót đá quanh nhóm tháp E, F và sau lưng nhóm tháp C, D đã mang đến sự thích thú cho du khách vì giúp tạo được không gian và tầm nhìn bao quát khi tham quan các nhóm tháp này.“Nếu trước đây khách tham quan Mỹ Sơn chỉ dạo quanh ngắm một số tháp chính như B, C, D thì nay sẽ có nhiều lựa chọn hơn, kể cả việc xem công nhân trùng tu tại các nhóm tháp K, H” - ông Hộ nói.

Mở rộng hơn nữa không gian

Dù có những chuyển biến tích cực, song phải thừa nhận rằng không gian du lịch Mỹ Sơn vẫn chủ yếu bó hẹp trong phạm vi di tích; trong khi các vùng phụ cận có nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác và kết nối, do yếu kém về hạ tầng giao thông. Tuy vậy, những hạn chế trên đang hứa hẹn được khắc phục khi cầu Giao Thủy đã hoàn thành. Đây được xem là bước ngoặt mang tính đột phá không chỉ về mặt dân sinh khi kết nối 2 vùng đất Duy Xuyên và Đại Lộc lại với nhau mà còn giúp mở ra một hướng tiếp cận mới của du khách đến Mỹ Sơn, nhất là thị trường khách từ Đà Nẵng, Huế. Theo ông Phan Hộ, kỳ vọng về sự tăng trưởng khách là có cơ sở. Bởi từ trước tới nay khách đến Mỹ Sơn chủ yếu theo tuyến ĐT610 từ Nam Phước lên sau đó lại quay về chính con đường này, điều đó vừa tạo nên áp lực giao thông vừa gây sự nhàm chán. “Hiện tại, khoảng 85% số khách đến Mỹ Sơn là người nước ngoài, khách nội địa đang có dấu hiệu giảm, nên việc khai thông cầu Giao Thủy hay nối dài tuyến ĐT610 qua Nông Sơn… sẽ tạo điều kiện đa dạng thị trường khách vì không gian du lịch Mỹ Sơn cũng được kết nối rộng hơn” - ông Hộ nhận định.

Đón đầu cơ hội này, bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ tại chỗ, một số sản phẩm mới cũng được Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn xây dựng đưa vào phục vụ khách như cho thuê đồ Chăm, chụp và in hình khách lên sản phẩm lưu niệm… Ngoài ra, Ban quản lý di tích cũng đang triển khai xây dựng con đường phía tây di sản dọc theo dòng Khe Thẻ dài khoảng 500m, bê tông màu gạch. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ được trồng cây xanh và bố trí các gian hàng dịch vụ, lưu niệm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch hướng về cộng đồng. Đặc biệt, cuối tháng 4 này một chương trình khảo sát thử nghiệm tour du lịch Mỹ Sơn - hồ Thạch Bàn - đèo Phường Rạnh - Nông Sơn với sự tham dự của một số doanh nghiệp lữ hành sẽ được triển khai. Theo đó, khách sau khi tham quan Mỹ Sơn sẽ đi thuyền khám phá hồ Thạch Bàn và một số đảo nơi đây. Tiếp đến, khách sẽ đi xe đạp qua đèo Phường Rạnh vào Nông Sơn thăm lăng bà Thu Bồn (xã Quế Trung), trải nghiệm vườn trái cây Đại Bình trước khi xuống sông đi thuyền hoặc đi xe quay về. “Mục đích của tour này bên cạnh mở rộng không gian di sản còn giúp thúc đẩy khai phá tiềm năng du lịch các vùng phụ cận Mỹ Sơn, những nơi được đánh giá có điều kiện để phát triển du lịch nhưng vì một số lý do hạn chế mà từ trước đến nay du khách chưa thể tiếp cận được. Đặc biệt, đây cũng là mục tiêu chủ đạo của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn hiện nay khi đưa du lịch hướng ra cộng đồng, để cộng đồng cùng hưởng lợi” - ông Hộ nói./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=35136