Cơ hội hòa bình mong manh ở Trung Đông

Ngày 30/7, phát biểu trong cuộc họp báo chung 3 bên Mỹ, Israel và Palestine sau cuộc gặp tại Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry cho biết, cả Israel và Palestine đang đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận về quy chế cuối cùng của "hai nhà nước cho hai dân tộc" ở Trung Đông trong vòng 9 tháng tới.

Dự kiến, các nhà đàm phán sẽ gặp nhau ở Israel hoặc Palestine trong 2 tuần nữa để bắt đầu các cuộc thương lượng thực chất, liên tục và kiên trì về những vấn đề cốt lõi trong quan hệ song phương nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 60 năm qua.

Ngay sau thông báo của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry, nhóm "bộ tứ" về Trung Đông gồm Liên hợp quốc, Nga, Mỹ và EU ra tuyên bố ủng hộ sáng kiến này và nhận định, dù còn có nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng hy vọng tiến trình đàm phán mới này sẽ được duy trì nhằm tiến tới giải pháp 2 nhà nước, kết thúc xung đột và đem lại hòa bình và an ninh cho cả Israel và Palestine.

Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi, do đâu sau hơn 3 năm im lặng, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry đã phải lao tâm khổ tứ tiến hành 6 chuyến thăm con thoi trong một thời gian ngắn để thuyết phục hai bên Israel và Palestin ngồi vào bàn đàm phán?

Xuất phát từ sự bế tắc của một chủ trương chiến lược lớn

Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đứng trước một nhiệm vụ đầy khó khăn là thực thi thế nào Đề án Trung Đông Lớn nhằm "bình định" một vành đai địa-chính trị cực kỳ quan trọng kéo dài từ Châu Phi, qua Trung Đông, tới Ban Căng, Trung Á và Nam Á mà Tổng thống tiền nhiệm G.W.Bush đã khởi đầu thực thi bằng hai cuộc chiến bất thành ở Afghanistan (2001) và Iraq (2003).

Rút kinh nghiệm thất bại của người tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama đã quyết định không thiên về sử dụng sức mạnh quân sự mà sử dụng "quyền lực thông minh", trong đó kết hợp "quyền lực cứng" (quân sự) và "quyền lực mềm" (ngoại giao, văn hóa, cách mạng từ Internet…).

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat (trái) và Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni.

Theo chủ trương đó, Tổng thống Barack Obama đã có một quyết định mang tính đột phá là "làm bạn" với thế giới Hồi giáo vốn chiếm ưu thế áp đảo ở khu vực Trung Đông Lớn, thể hiện trong bài diễn văn nổi tiếng trước khoảng 3.000 người tại Trường Đại học Cairo, thủ đô Ai Cập, ngày 4/6/2009.

Trong bài diễn văn này, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: "Tôi tới đây là để tìm kiếm một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo. Người Mỹ và người Hồi giáo cần chấm dứt mọi sự hoài nghi, cùng nhau chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan dưới mọi hình thức".

Đến cuối năm 2010, "một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo" đã diễn ra dưới hình thức các biến động chính trị - xã hội bùng phát ở các nước Bắc Phi và Trung Đông mang tên "Mùa xuân Arập", trong đó các lực lượng Hồi giáo được Mỹ ủng hộ, đã nổi lên làm sụp đổ chính quyền ở nhiều nước và thay vào đó là các chính phủ mới, trong đó các lực lượng Hồi giáo, thậm chí là Hồi giáo cực đoan, chiếm ưu thế và gần như kiểm soát bộ máy quyền lực mới ở Tunisia, Egypt, Libya và hiện nay đang ráo riết tiến hành cuộc chiến khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, "Mùa xuân Arập" đã không những không "chấm dứt mọi sự hoài nghi" và đưa các nước trong khu vực các nước Bắc Phi và Trung Đông "cùng nhau chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan dưới mọi hình thức" như tuyên bố của Tổng thống Barack Obama, mà trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Thế giới đang phải chứng kiến một xu hướng rất đáng lo ngại là đang diễn ra quá trình cực đoan hóa các tổ chức Hồi giáo, gây hoài nghi, bất ổn và bạo lực lan tràn.

Nhưng đáng lo ngại hơn cả là một số thế lực ở các nước phương Tây cũng như đồng minh của họ trong và ngoài khu vực Trung Đông đang công khai ủng hộ các lực lượng Hồi giáo cực đoan thực hiện các hoạt động chống phá đòi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad được bầu cử một cách dân chủ và hợp pháp. Xu hướng Hồi giáo hóa này cũng khiến Israel lo ngại.

Thế rồi, cuộc chính biến "động trời" lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi nổi lên trong "Mùa xuân Arập" ở Egypt và là một trong những thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức "Anh em Hồi giáo" đã giáng một đòn mạnh làm tiêu tan mọi hy vọng về chủ trương của Tổng thống Barack Obama cùng với thế giới Hồi giáo "tạo ra một sự khởi đầu mới".

Không những thế, chính biến ở Egypt đã bộc lộ sự rạn nứt không thể tránh khỏi của quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược của họ ở Trung Đông như Arab Saudi. Trong khi Washington đe dọa sẽ cắt khoản viện trợ gần 1,5 tỷ USD cho Egypt, thì Arab Saudi và United Arab Emirates sẵn sàng viện trợ cho Egypt 6 tỷ USD mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào ngay sau khi biết tin giới quân sự nước này phế truất ngôi vị tổng thống của ông Mohammed Morsi.

Như vậy, chủ trương chiến lược của Tổng thống Barack Obama sử dụng "quyền lực thông minh", mà biểu hiện điển hình nhất là "Mùa xuân Arập", đã rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, Washington lại tái khẳng định vai trò quan trọng và có ý nghĩa then chốt của Israel .

Cũng chính vì thế, tiến trình hòa bình Trung Đông được Washington đặc biệt chú ý sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức nhiệm kỳ 2 và chính ông đã có chuyến thăm đầu tiên tới Israel và Palestine vào ngày 20/3 sau khi bước vào Nhà Trắng. Giới phân tích chính trị quốc tế đánh giá đây là "chuyến thăm làm lành" của ông Barack Obama với chính giới ở Israel.

Nhân sự kiện này, giới phân tích ở các nước Trung Đông nhắc lại quan điểm của họ rằng, "vấn đề của mọi vấn đề" bảo đảm sự ổn định và an ninh ở khu vực này là giải quyết mâu thuẫn và xung đột giữa Israel và Palestine . Chừng nào chưa cởi được "nút thắt" này thì mọi chủ trương "bình định" Trung Đông sẽ không thể dẫn tới kết quả mong muốn.

Cơ hội hòa bình vẫn rất mong manh

Trước hết, cần nhận thấy rằng, việc Palestine và Israel chấp nhận đối thoại sau 3 năm gián đoạn là có lợi cho Israel vì theo đại diện của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, trong thời gian đàm phán, để tạo môi trường thuận lợi, có nhiều khả năng là Palestine sẽ tạm ngừng chiến dịch tìm kiếm quy chế nhà nước tại Liên hợp quốc, chưa vội đưa Israel ra Tòa án hình sự quốc tế xét xử về tội tiến hành chiến tranh xâm lược và chiếm đóng trái phép lãnh thổ của Palestine .

Còn đây lại là điều bất lợi lớn đối với Palestine vì trong tháng 9 sắp tới, kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ khai mạc và đây là cơ hội lớn để Palestine tiếp tục đấu tranh nhằm giành được quy chế là quốc gia thành viên của tổ chức này sau khi đã giành được quy chế quốc gia - quan sát viên tại kỳ họp tương tự vào tháng 9/2012.

Việc Israel quyết định giải thoát hơn 100 tù nhân bị Tel-Aviv coi là "khủng bố" ra khỏi nhà tù của họ chỉ để tránh phải đối mặt với việc thực hiện hai yêu cầu căn bản khác của Palestine là chấp nhận đường biên giới giữa hai bên tính tới ngày 4/6/1967 và ngừng mọi hoạt động xây dựng các khu định cư của người Do Thái trên vùng lãnh thổ họ chiếm đoạt trong cuộc chiến tranh năm 1967. Đây là hai điều kiện mà Israel sẽ không bao giờ đáp ứng. Cuộc đàm phán còn liên quan tới một chi tiết khác không kém quan trọng.

Đó là, thời hạn cầm quyền của Tổng thống Mahmud Abbas sắp kết thúc, còn dải Gaza vẫn thuộc quyền kiểm soát của tổ chức vũ trang HAMAS - một lực lượng đối đầu với ông Mahmud Abbas. Với những khó khăn căn bản đó, thì thời gian 9 tháng khó có thể đủ để hóa giải mâu thuẫn và xung đột kéo dài 60 năm trong bối cảnh khu vực này đang bộn bề khó khăn có liên quan tới tiến trình này, trước hết phải kể tới tình hình cực kỳ phức tạp ở Syria cũng như ở Egypt sau cuộc chính biến ngày 3/7. Tất cả đều liên quan tới cả Israel và Palestine

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2013/8/205616.cand