Cơ hội mang về ngoại tệ mạnh

Chăm sóc vườn nhân chồi càphê phục vụ cải tạo vườn cây già cỗi. Ảnh: Đ.Đ

Năm 2016, sản lượng tôm nước lợ cả nước ước đạt 609.300 tấn (tăng 3,3%), trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 251,7 nghìn tấn (tăng 1%), tôm thẻ chân trắng có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường nên diện tích nuôi cả nước tăng cao đạt 102,3 nghìn ha (tăng 16,3%), sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 357,6 nghìn tấn (tăng 5%).

Đối với sản phẩm càphê, năm 2016 xuất khẩu càphê đạt 1,78 triệu tấn với kim ngạch 3,34 tỉ USD, tăng 32,8% về lượng và 24,9% về trị giá so với năm 2015. Xuất khẩu càphê sang hầu hết các thị trường trong năm 2016 đều có mức tăng trưởng cao so với năm 2015.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (ảnh nhỏ). Ảnh: KH.V

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, càphê đang là cây công nghiệp thế mạnh của ngành nông nghiệp, nhưng hiện nay cây già cỗi, sản lượng thấp đang chiếm tỉ lệ khá lớn. Khi càphê được bổ sung vào sản phẩm quốc gia, ngành nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư tái cơ cấu, phát triển cây càphê như thế nào để nâng cao giá trị, vì hiện nay, sản lượng càphê được xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp, chưa tương xứng.

- Trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các vùng chuyên canh càphê lớn của Việt Nam thực hiện thâm canh vườn cây hiện có và tái canh diện tích càphê già cỗi. Năm 2016 đạt 79 ngàn ha diện tích tái canh và ghép cải tạo (đạt tỉ lệ khoảng 66% so với mục tiêu tái canh 120 ngàn ha vào năm 2020). Đã ban hành quy trình tái canh càphê; phổ biến áp dụng các quy trình sản xuất tốt có xác nhận. Diện tích càphê tái canh 3 năm cho thu bói đạt 2-2,5 tấn càphê nhân/ha, cao hơn năng suất đại trà. Hiện có khoảng 40% sản lượng càphê có xác nhận, giá trị cao. Trong thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ định hướng là ổn định khoảng 600 ngàn ha càphê trên toàn quốc, phấn đấu đưa năng suất trung bình lên 2,7 - 3,0 tấn. Đến năm 2020 tái canh càphê đạt 120 nghìn ha.

Để càphê có thể trở thành sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về chế biến, bảo quản và tiêu thụ càphê: Nâng cao chất lượng, giảm tổn thất, giảm chi phí sản xuất càphê nguyên liệu; nâng cao chất lượng càphê nhân; nâng cao tỉ lệ càphê chế biến sâu, chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm; hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm càphê chế biến sâu. Về cơ chế, chính sách: Các địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cho tái canh và ghép cải tạo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; tiếp tục triển khai một số chính sách đã ban hành; khuyến khích thành lập Quỹ xúc tiến thương mại, Quỹ bảo hiểm ngành hàng để khắc phục rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Về khoa học công nghệ: Tiếp tục đầu tư chọn tạo giống càphê tốt thích ứng biến đổi khí hậu; chuẩn bị tốt nguồn giống càphê đảm bảo chất lượng cho tái canh càphê; hoàn thiện quy trình thâm canh, tái canh càphê phù hợp với từng điều kiện cụ thể; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái càphê; công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến càphê nhân phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ càphê trong nước, dự báo thị trường ngoài nước…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, con tôm sẽ là sản phẩm vật nuôi tiền tỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Thực tế ngành chăn nuôi thủy sản của nước ta được quan tâm, đầu tư nhưng tính ổn định còn thấp do dịch bệnh, cách nuôi thả còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Cần phải có những giải pháp căn cơ nào để ngành nuôi tôm phát triển, thưa ông?

- Đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, con tôm sẽ là sản phẩm nuôi có giá trị tiền tỉ, góp phần vào tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Để đạt được điều này, Bộ NNPTNT đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương nhất là các vùng nuôi tôm nước lợ. Các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm với cơ cấu tôm sú - tôm thẻ hợp lý. Phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng. Tiếp tục phát triển nuôi tập trung tôm thẻ chân trắng, nhất là các vùng nuôi thâm canh ở ĐBSCL. Về phương thức nuôi tôm nước lợ công nghiệp, rà soát quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp, vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm công nghệ cao của cả nước, tăng năng suất nuôi tôm công nghiệp; nghiên cứu phát triển công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng sinh thái; sản xuất đủ tôm giống sạch bệnh, tăng trưởng nhanh…

Về phương thức nuôi tôm sinh thái, quảng canh, quy hoạch vùng nuôi tôm sinh thái/quảng canh vùng ĐBSCL, xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm nuôi tôm sú sinh thái; tổng kết các mô hình nuôi thành công và nhân rộng; nghiên cứu chọn tạo, gia hóa và sản xuất đủ tôm sú giống kháng bệnh, tăng trưởng nhanh; đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng liên kết; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm quảng canh, sinh thái…

- Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYỄN (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thi-truong/co-hoi-mang-ve-ngoai-te-manh-674394.bld