Cơ hội vẫn còn

Sức ép từ các nhà bán lẻ lẫn hàng nhập ngoại đang khiến các nhà sản xuất Việt Nam vô cùng vất vả để cạnh tranh. Nhưng, cơ hội tồn tại và phát triển vẫn còn. Vấn đề là phải thay đổi.

Cơ hội của các nhà sản xuất trong nước vẫn còn rất lớn, đó là phục vụ cho số đông người tiêu dùng cũng như chinh phục các nhà bán lẻ nhờ những lợi thế vốn rất lớn của mình (như nhân công dồi dào, giá lao động thấp, hiểu người tiêu dùng...). Trong ảnh: Sản xuất thực phẩm tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Thương hiệu quốc gia...

Ông Cao Bình, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Việt Hạ Chí (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng đồng giá Hachi Hachi), đơn vị phân phối nhiều sản phẩm nhập khẩu Nhật Bản, cho biết nhu cầu của thị trường hiện rất tốt, thậm chí có những mặt hàng nguồn cung không đủ phục vụ nhu cầu. Đó là lý do hàng Nhật Bản hiện được phân phối rộng khắp, từ siêu thị, cửa hàng chuyên doanh đến cả chợ truyền thống. Các mặt hàng được ưa chuộng và phổ biến nhất hiện nay là bánh kẹo, thực phẩm. “Nó “sốt” vì lạ, ngon, an toàn dù giá cao. Người tiêu dùng chọn vì tin tưởng chất lượng”, ông Bình nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm hàng Nhật (vừa bán tại cửa hàng đồng giá Hachi Hachi, vừa phân phối tại nhiều kênh bán lẻ khác), ông Bình nhận định, hàng Nhật trong các hệ thống siêu thị có người Nhật làm chủ, ví dụ như Aeon, ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, còn có thêm nhiều hàng nhãn riêng, mang thương hiệu nhà bán lẻ nhưng nhập khẩu từ các nước chứ không chỉ gia công tại các nhà sản xuất trong nước.

Theo ông Bình, điều này là rất dễ hiểu bởi nhiều mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam không làm được trong khi các nhà bán lẻ thì hoạt động đa quốc gia, có sẵn tổng kho, hàng sản xuất số lượng lớn... Đó là lý do hàng nhập về nhiều khi giá còn rẻ hơn gia công tại Việt Nam cũng như hàng của các nhà sản xuất nội địa. Thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc... (dù sản xuất ở Trung Quốc) luôn được ưa chuộng. Doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được, về đủ mọi mặt là vì thế.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất giấy khá tên tuổi chia sẻ, sức ép đến từ mọi phía, từ đối thủ cùng ngành hàng đến hàng nhãn riêng nhập khẩu của nhà bán lẻ, vừa có cạnh tranh “ngầm”, vừa có cạnh tranh “nổi”... Tất cả khiến doanh nghiệp phải xoay xở đủ kiểu. Doanh thu và lợi nhuận năm nay không đạt chỉ tiêu đặt ra.

Chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ Nguyễn Phi Vân kể, bà từng được công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam chia sẻ rằng, 70% doanh thu của họ đến từ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, họ thuê tìm hiểu thói quen, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, đánh giá sản phẩm... Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam tìm đến chỉ với mục đích tìm hiểu xem cái TVC quảng cáo vừa tung ra có được người tiêu dùng ưa thích không. “Nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng nhà sản xuất Việt Nam phần lớn là đi bắt chước người khác, mà làm còn tệ hơn”, bà Phi Vân nói. Nhiều nhà sản xuất Việt Nam chỉ bán những gì mình có và quảng cáo chứ không phải những gì người tiêu dùng cần. Đó là lý do khi các nhà bán lẻ nước ngoài vào, doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của họ và cho rằng mình “bị ép”!

Chưa phải hẻm cụt...

Câu chuyện còn lại là tuân thủ quy trình chuẩn để làm ra một sản phẩm, từ việc tìm hiểu người tiêu dùng đang cần gì đến đối thủ cạnh tranh đang có gì, để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu khác nhau của người dùng, có bao bì, mẫu mã bắt mắt và thực hiện quảng bá, truyền thông.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đông lạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, bà đón tiếp không biết bao nhiêu đoàn tham quan, khảo sát nhà máy từ các nhà bán lẻ. Đây là điều chưa có trong những năm trước đây dù bà đã từng mời nhiều lần. Bên cạnh đó, bà cũng tham dự hai hội nghị khách hàng của hai nhà bán lẻ lớn và cảm nhận có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của họ với nhà cung cấp (từ xa cách, bề trên chuyển sang thân thiện, tôn trọng).

Theo bà, những thay đổi này có nguyên nhân từ sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà bán lẻ khi thị trường có thêm nhiều nhà đầu tư xuất hiện, không còn tình trạng độc quyền, “trăm người bán nhưng vài người mua” như thời gian qua cũng như sự đấu tranh, hợp lực của các nhà cung cấp trong ngành hàng hải sản. Với những tín hiệu này, bà tin tưởng doanh nghiệp mình sẽ tiếp tục giữ được vị trí tốt trên quầy kệ siêu thị, kênh phân phối chủ lực. Nhưng, bà cũng thừa nhận, không phải doanh nghiệp nào cũng có được cơ hội này. Doanh nghiệp bà đã đầu tư một cách... đàng hoàng suốt nhiều năm qua. “Chỉ nói riêng khâu bao bì sản phẩm, chúng tôi đã phải bỏ không biết bao nhiêu tâm sức, sẵn sàng chi tiền để làm tốt hơn chính chúng tôi thời kỳ đầu gia nhập thị trường”, bà chia sẻ.

Ông Thái Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Hương, một doanh nghiệp nhỏ ở An Giang chuyên sản xuất sản phẩm đặc sản, cho biết chuyện đưa hàng vào các kênh bán lẻ hiện đại cũng mệt mỏi vì chính sách giá, chiết khấu, giao hàng... khó khăn. Nhưng mặt hàng của ông không bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu, chỉ phải “đấu” với hàng của các cơ sở khác bán với giá chỉ bằng phân nửa ở kênh truyền thống. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản còn tìm đến ông với mong muốn đưa hàng của ông về bán cho dân bản địa. “Tôi chưa dám ký vì nguồn nguyên liệu đảm bảo của chúng tôi vẫn chưa lớn và ổn định. Tôi đang hoàn thiện công nghệ, nhà máy, vùng nguyên liệu để tự tin nhận những hợp đồng này”, ông Huy chia sẻ. Ông cho rằng, kinh doanh khó hay không khó, cơ hội hay thách thức đều phụ thuộc vào mình. Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam đi theo quán tính. Nay, với tất cả những sức ép và cả những cơ hội đang đến, thì mọi người cần phải thay đổi. Thay đổi sẽ đi liền với rủi ro. Nhưng có thể làm chậm để giảm thiểu rủi ro hoặc làm từng phần, theo sức của mình. “Phải tính đến lúc đóng gói gói đường nhỏ hơn để vào các cửa hàng 24/24 giờ khi các tiệm tạp hóa mất dần. Không tính thì sẽ không thể tồn tại”, ông Huy ví dụ.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho rằng, việc các nhà bán lẻ nhập khẩu hàng nhãn riêng về bán tại chuỗi siêu thị, cửa hàng ở Việt Nam là... thế bắt buộc, khi mà các nhà sản xuất nội địa không đáp ứng được. Tương tự, chuyện xuất hiện hàng nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng như nhiều nước khác là một tất yếu của việc mở cửa thị trường, cần phục vụ nhu cầu của những người tiêu dùng có thu nhập cao.

Vì vậy, cơ hội của các nhà sản xuất trong nước vẫn còn rất lớn, đó là phục vụ cho số đông người tiêu dùng cũng như chinh phục các nhà bán lẻ nhờ những lợi thế vốn rất lớn của mình (như nhân công dồi dào, giá lao động thấp, hiểu người tiêu dùng...). Câu chuyện còn lại là tuân thủ quy trình chuẩn để làm ra một sản phẩm, từ việc tìm hiểu người tiêu dùng đang cần gì (qua thông tin của nhà bán lẻ, khách hàng tiềm năng), đối thủ cạnh tranh đang có gì để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu khác nhau của người dùng, có bao bì, mẫu mã bắt mắt và thực hiện quảng bá, truyền thông. “Đây là tư duy và chiến lược. Nếu cái này không tốt thì có làm gì đi nữa, tạo ra giá trị gì cũng vô nghĩa. Doanh nghiệp Việt Nam phải quay lại để xây dựng nền tảng vững chắc, phải thay đổi tận gốc. Cơ hội vẫn còn!”, bà Phi Vân kết luận.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154660/co-hoi-van-con.html/