Cơ hội việc làm tăng, thu nhập vẫn... thấp

(VietNamNet) - Gia nhập WTO, LĐ nữ nông thôn Việt Nam có thêm nhiều việc làm, nhưng thu nhập vẫn thấp...

- Gia nhập WTO, lao động nữ nông thôn Việt Nam có thêm nhiều việc làm nhưng thu nhập thấp do trình độ thấp và trung bình. Đây là một trong những nội dung cơ bản vừa được Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB-XH) công bố. Nhiều cơ hội việc làm Nghiên cứu bao gồm các cuộc phỏng vấn định tính với 250 phụ nữ tại hai tỉnh Hải Dương và Đồng Tháp đều cho thấy, phụ nữ nông thôn đã được đón nhận và hưởng lợi từ những cơ hội tham gia thị trường lao động do việc gia nhập WTO đem lại. Điều này làm tăng cơ hội việc làm và thu nhập, đặc biệt là trong mối tương quan với việc làm trong nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lao động nữ và giới (RCFLG) thuộc Viện Khoa học lao động và xã hội, việc lựa chọn nghiên cứu ở hai tỉnh này là nhằm đại diện cho các tỉnh nông thôn phía Bắc và phía Nam, đồng thời có thể so sánh nhờ những điểm tương đồng về dân số và những chỉ số kinh tế. Theo báo cáo, sau hai năm vào WTO, việc mở rộng các KCN trên địa bàn hai tỉnh này đem lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ hơn lao động nam. Bởi, phần lớn các doanh nghiệp, nhà máy thuộc các ngành nghề dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản, chế biến lương thực phẩm là ngành sử dụng nhiều lao động nữ (80-90%). Báo cáo cũng nhấn mạnh, việc làm mới trong các KCN cũng thu hút dòng lao động nữ di cư khá lớn từ các địa phương lân cận. Lao động nữ di cư ở nhóm tuổi 17-25 chiếm trên 80% tổng số lao động di cư. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có nhiều cơ hội mới cho lao động nữ hơn lao động nam. Trên thực tế, việc di cư ra thành thị tìm việc làm với mức thu nhập cao hơn là cơ hội thoát nghèo cho phụ nữ nông thôn. Ở Hải Dương và Đồng Tháp, dòng lao động nữ nông thôn di cư vào làm việc trong các KCN, nhà máy đã tăng khá nhanh từ khi gia nhập WTO, nhất ở ở Hải Dương. Kết quả thảo luận nhóm ở cả hai tỉnh cho thấy, có đến 90% số người tham gia thảo luận nhóm di cư cho rằng thu nhập của họ tăng lên đáng kể từ khi di cư tìm việc làm, 10% còn lại đang tìm việc làm. Công việc giản đơn nên… thu nhập thấp Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, khi gia nhập WTO cơ hội việc làm mới của phụ nữ nông thôn Việt Nam có chất lượng thấp hoặc trung bình. Bởi vì, việc làm mà lao động nữ tiếp cận được thường là công việc giản đơn, phổ thông. Cụ thể, ngành điện tử có thu nhập cao nhất cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng; ngành dệt may, da – giày, chế biến thủy sản có thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Theo bà Thủy, mức thu nhập này tuy cao gấp đôi, gấp ba so với thu nhập từ nông nghiệp nhưng sau khi trừ các chi phí như thuê nhà, sinh hoạt, mức tiết kiệm của lao động nữ chỉ được từ 200 – 400 nghìn đồng/tháng. Chưa kể điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp, xí nghiệp phần lớn là không đảm bảo. Công việc đơn điệu, thời gian kéo dài trên 10 giờ/ngày gây mệt mỏi, nhàm chán…. Trong 2 năm gần đây, phụ nữ nông thôn có nhiều cơ hội hơn trước trong tiếp cận với đào tạo nghề, nhưng hiệu quả đào tạo còn hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu của báo cáo, nhóm phụ nữ trẻ, đã tốt nghiệp THCS, THPT có ưu thế trong tiếp cận học các nghề dễ tìm việc làm, thu nhập ổn định như may công nghiệp, may gia dụng, uốn tóc. Nhưng nhóm phụ nữ lớn tuổi (trên 35 tuổi), có trình độ học vấn thấp (tiểu học trở xuống, mù chữ) chỉ có thể học được một số nghề đơn giản như đan mây tre, đan lục bình, dệt chiếu, thắt võng. Các nghề này có tiền công lao động thấp, chỉ từ 5 nghìn đến 20 nghìn đồng/ngày, đầu ra sản phẩm lại bấp bênh, không ổn định. Đối với những phụ nữ di cư, phần lớn sống trong điều kiện nghèo nàn như ở chung trong những khu nhà trọ chật chội, nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội; nhiều trường hợp bị cộng đồng địa phương kỳ thị… Đối với nhóm lao động nữ yếu thế thì hầu hết đều ít có khả năng hòa nhập vào thị trường lao động được cấu trúc lại và ít có khả năng tiếp cận các cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại. Họ có nguy cơ rơi vào nghèo khổ nếu không được hỗ trợ phù hợp. Dựa trên phân tích kết quả nghiên cứu, báo cáo đề xuất 18 khuyến nghị cho nhà chức trách cấp tỉnh, cấp quốc gia và các tổ chức xã hội chính trị, truyền thông nhằm lồng ghép giới vào chính sách, kế hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia. Gia Văn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/laodong/200910/Co-hoi-viec-lam-tang-thu-nhap-van-thap-874708/