Cơ hội việc làm từ kỷ nguyên số

Trái ngược với những lo ngại trước đó khi cho rằng kỷ nguyên số, với những con robot, Internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo... sẽ cướp đi công việc của người lao động, nhiều nghiên cứu lại lạc quan cho rằng, công nghệ sẽ tạo ra những mô hình mới, công việc mới.

Sự thay đổi về công nghệ đã và sẽ tác động trực tiếp tới cơ cấu việc làm. Ảnh: MAI LƯƠNG

Công việc bị biến mất và công việc được sinh ra

Anh Hà Vũ Sơn (33 tuổi) cho hay trước đây anh lái xe cho một công ty xây dựng của Nhà nước, dù công việc khá nhàn hạ nhưng lương thấp, chỉ khoảng sáu triệu đồng/tháng. Mức lương này không đủ chi trả sinh hoạt hàng tháng cho gia đình bốn người. Anh Sơn đã chuyển sang chạy Grab khoảng hơn một tháng nay.

Theo anh Sơn, công việc mới thoải mái về thời gian, thu nhập tương đối khá so với mặt bằng chung, khoảng gần 20 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên, cái tôi lo lắng nhất là làm ở đây không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội. Như vậy thì giống như một lao động tự do”, anh Sơn nói.

Công việc của anh Sơn là một dạng công việc mới được tạo ra bởi sự phát triển về công nghệ, hay vẫn được nhiều người gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhưng lại có một số công việc đang dần mất đi, đặc biệt những công việc giản đơn, giá rẻ, một trong những yếu tố từng được coi là lợi thế so sánh của Việt Nam. Canon, một nhà đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam từ lâu, đã tiến hành cải tiến máy móc, công nghệ. Sau gần tám năm thay đổi, số lao động của Canon đã giảm từ 13.000 còn 8.000 người nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn giữ nguyên. Như vậy, có khoảng 5.000 lao động, chủ yếu là lao động giản đơn đã bị thay thế bởi máy móc.

Sự thay đổi về công nghệ đã tác động trực tiếp tới cơ cấu việc làm khiến các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách cũng không thể đứng yên. Mới đây, lãnh đạo các thành viên APEC đã đối thoại chính sách cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Theo chuyên gia lao động Phú Huỳnh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70% vị trí công việc của Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa, con số này thấp hơn so với Trung Quốc (hơn 75%) nhưng lại cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Singapore (35%), Thái Lan (khoảng 45%), Philippines (gần 50%).

Trong đó, theo ILO, lao động nữ và lao động giản đơn là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi tự động hóa. Ước tính, có khoảng 86% lao động trong ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học kỹ thuật.

Những cơ hội có thể thấy

Kỷ nguyên số sẽ xóa bỏ những công việc kỹ năng thấp và mang tính lặp đi lặp lại nhưng nó cũng tạo ra công việc mới. “Do đó, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cần nhìn nhận đây là một cơ hội...”.

Ông David Lamotte, Phó giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Theo ông Phú Huỳnh, sáng kiến công nghệ có thể tạo ra những công việc mới mà hiện nay chưa có. Còn đối với những công việc hiện tại thì dưới tác động của công nghệ, nhu cầu công việc hướng tới khách hàng; công việc trong lĩnh vực kỹ thuật, vận tải, cơ sở hạ tầng... sẽ tăng.

Ngoài ra, mặt tích cực của kỷ nguyên số cũng khiến thời gian lao động ít hơn, hiệu quả công việc cao hơn, tăng nhu cầu cho các ngành như dịch vụ, giải trí. Song, những công việc mới này thường có tính chất ngắn hạn, khó quản lý và nảy sinh các vấn đề về an sinh xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Kim, Giám đốc nhân sự toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam, cho hay tương lai của việc làm không nhất thiết phải là sự đánh đổi giữa con người và máy móc. Sự phát triển của công nghệ là cơ hội để các chính phủ có thể tạo nhiều việc làm mới.

“Công nghệ đang tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các mô hình mới có thể giúp giải quyết những vấn đề trong thị trường lao động hiện nay, như sự ra đời của nền kinh tế tự do “gig economic” với hàng ngàn việc làm ngắn hạn được tạo ra khi hình thành các startup công nghệ như Uber, AirBnB, Grab...”, bà Kim nói.

Dưới tác động của kỷ nguyên số, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, lại nhìn thấy cơ hội lớn phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT). Theo bà Mai, bốn năm qua, nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực IT đã tăng gấp đôi. Nếu như năm 2013, nhu cầu tuyển dụng IT chỉ khoảng 6.800 việc làm thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 15.000 việc làm. Đồng thời, mức lương trong lĩnh vực này cũng tăng đáng kể.

“Nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư IT rất lớn nhưng nguồn cung nhân lực không thể đáp ứng đủ, cả về số lượng và chất lượng. Thị trường vừa thiếu lao động, lại vừa thiếu cả những lao động giỏi về chuyên môn và giỏi ngoại ngữ”, bà Mai nói. Tiếng Anh vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng, thậm chí, do quá cần kỹ sư IT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn.

Đón đầu cơ hội

Ông David Lamotte, Phó giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho hay kỷ nguyên số sẽ xóa bỏ những công việc kỹ năng thấp và mang tính lặp đi lặp lại nhưng nó cũng tạo ra công việc mới. “Do đó, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cần nhìn nhận đây là một cơ hội. Chúng ta có thể tạo ra tương lai mà chúng ta muốn”, ông David Lamotte nói.

Để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này, một số kỹ năng mà người lao động cần phải có bao gồm giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, kỹ năng mềm.

Nhóm kỹ năng tiếp theo là các kỹ năng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Theo ILO, cần đẩy mạnh việc giảng dạy những kỹ năng đó, đặc biệt đối với các nữ thanh niên. Các bằng chứng cho thấy tỷ lệ phụ nữ học các ngành STEM ít hơn nam giới khoảng 10-15%. Và đây là một vấn đề lớn trong việc tiếp cận công việc trong tương lai.

Ông Vũ Tú Thành (Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN) cho hay cuộc cách công nghệ mạng 4.0 đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh mới (như nền kinh tế chia sẻ) nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới một số ngành. Ví dụ như ở Mỹ, hàng ngàn cửa hàng bán lẻ của các thương hiệu lớn như Walmart, Sears&Kmart, Payless... đã đóng cửa và xu hướng này cũng sẽ diễn ra ở phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Do đó, theo ông Thành, chính phủ các nước không nên chỉ đào tạo hoặc đào tạo lại cho lực lượng lao động mà còn tập trung giúp doanh nghiệp hiểu và nắm bắt được những mô hình kinh doanh mới.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160428/co-hoi-viec-lam-tu-ky-nguyen-so.html/