Có một chuyện tình như thế...

(Cadn.com.vn) - Tôi bị chuyện tình của họ cuốn hút. Thêm một tư liệu sống cho tôi hiểu về sức mạnh và sự kỳ diệu của tình yêu. Đó là chuyện tình của ông Đào Ngọc Ba và bà Ngô Thị Thương, trú P. Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng)...

Là con trai duy nhất của liệt sỹ Đào Ngọc Chua, 11 tuổi Đào Ngọc Ba đã tham gia làm giao liên ở Hòa Liên (quê ngoại), thường xuyên được ông Năm Dừa giao nhiệm vụ mang tài liệu đến các cơ sở cách mạng. Tết Mậu Thân 1968, cậu bé Ba cùng nhân dân Hòa Liên kéo xuống Nam Ô (Liên Chiểu) biểu tình rồi bị thương tại đây. Sau nhiều lần phẫu thuật không thành công bởi mảnh đạn nằm ở gần vùng trung tâm, gắp ra nguy hiểm đến tính mạng, thị lực ông chỉ còn 1/10. Đến năm 1969, ông được đưa ra Bắc điều trị. Trên đường ra Bắc, ông bị sốt rét ác tính, cộng thêm bệnh cũ tái phát, thường xuyên lên cơn co giật, tính mạng nguy kịch... Đã có lúc mọi người nghĩ đến việc tìm nơi chôn cất cho ông. Nhưng, thấy ông là con trai duy nhất của liệt sĩ, mọi người tìm mọi cách cứu bằng được... Khi đến được thủ đô, ông được đưa về học tại trường HS Miền Nam ở Đông Triều 1 năm thì bệnh cũ tái phát, không thể theo học được. Kể từ đó cho đến ngày đất nước thống nhất là chuỗi ngày ông được đưa đi điều trị bệnh và an dưỡng...

Sau Giải phóng, trở về địa phương, ông tham gia vào công tác ở xã Hòa Liên được một thời gian thì nghỉ việc do vết thương cũ tái phát, hành hạ. Cũng trong giai đoạn này, giữa ông và bà Ngô Thị Thương nảy nở một chuyện tình. Nhớ lại, bà Thương vẫn bồi hồi: "Hồi đó, nhà tui ở Hòa Phú (Hòa Minh). Ảnh theo người anh con thúc bá xuống quê nội Thanh Khê chơi. Người anh này cũng là bà con phía bên tui, tui gọi bằng dượng. Người này đã giới thiệu tui cho ảnh. Tui còn nhớ lúc gặp ảnh, tui mới 21 tuổi. Ảnh bằng tuổi tui hay nhỏ hơn 1 tuổi gì đó, đẹp trai, cao lớn, trắng trẻo và hiền ơi là hiền...".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương thăm vợ chồng ông Đào Ngọc Ba nhân ngày TBLS.

Tính tình hiền lành và vẻ đẹp của ông đã..."đánh gục" cô gái chuyên bán chè xanh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi ấy, cô không biết mắt ông có vấn đề. Đến khi yêu nhau, mới biết, nhưng không vì thế mà cô thôi yêu ông. Hồi tưởng những tháng ngày say đắm, bà Thương cười hiền: "Có lẽ, đó là duyên phận. Ngó rứa, chớ ảnh tự trọng lắm. Quen nhau được một năm, tự dưng ảnh xuống nhà, nói là trả tự do cho tui vì không muốn tui khổ. Tui nói, tui chỉ yêu có ảnh thôi. Nếu không đến được với nhau thì... tui ở vậy. Vậy mà, phải đến hơn 1 năm sau, giữa năm 1977, ảnh mới tính chuyện hỏi cưới...". Nghe vợ kể vậy, ông Ba giải thích: "Tui nghĩ đến tương lai của cổ. Mình bị vậy rồi, lại không có chế độ chi ngoài bảo hiểm xã hội. Lấy nhau về rồi đến lúc sinh con lấy chi nuôi? Chi bằng mình để cổ đi tìm hạnh phúc, kẻo tội cổ...".

Tình yêu dành cho bà Thương sâu đậm, nhưng nhân tố quan trọng để ông có quyết định "lịch sử" trong cuộc đời mình đến từ một quyết định khấc. Ông Ba nhớ lại: "Là vì chế độ chính sách của tui được thay đổi. Năm 1977, tui được hưởng chế độ như thương bệnh binh (1/4). Làm chế độ ni cũng nhờ xã, nhờ ông Năm Dừa xác nhận. Tui được truy lĩnh 10 tháng chế độ, được 350 đồng. Lúc đó mới dám tính chuyện hỏi cưới cổ...".

Vợ chồng ông Ba trong khu vườn nhà. Ảnh: P.T

Rồi cô theo ông về làm dâu ở Hòa Liên. Sáng sớm đạp xe đi gom chè xanh xuống Liên Chiểu bỏ mối cho các tiểu thương, chiều về ra đồng làm ruộng. Ông không hề ỷ lại chuyện mình là con liệt sĩ, có chế độ như thương bệnh binh, vẫn cần cù làm nông, nuôi heo. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, kể sao cho xuể nỗi vất vả mà vợ chồng ông đã trải qua. Nhớ đến hồi sinh người con út, bà Thương rưng rưng: "Hôm ấy, đang xuống Liên Chiểu bỏ chè lá cho tiểu thương các chợ, tự dưng trở dạ, tui phải lên Xuân Thiều sinh rồi nhờ người nhắn lên Hòa Liên nói ảnh đem đồ xuống...". Nghe vợ kể, ông ngậm ngùi: "Thời đó khó khăn quá, nên tui đem đồ xuống cho cổ, rồi lại lên quê lo 2 sắp nhỏ. Đến ngày ra viện, mới nhờ người đem võng xuống khiêng cổ lên, chứ có chăm được gì đâu!".

Nhờ tình yêu bền chặt ấy, vợ chồng ông cùng 3 đứa con đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời... Năm 1984, khi chuyển nhà xuống Hòa Khánh Nam, hàng ngày, 4 giờ sáng, họ ăn vội bữa cơm do con trai đầu nấu sớm rồi đèo nhau trên chiếc xe đạp lên Hòa Sơn, Hòa Ninh... để gom chè đem về bỏ các chợ. Do mắt ông yếu, nên bà phải chở ông đi. Chuyện nhà, giao hết cho người con trai đầu quản từ việc lo cho hai em đến việc về cảng cá Thuận Phước chở đầu cá về cho heo ăn. Nhớ lại giai đoạn cực khổ này, bà rưng rưng: "Tất cả là nhờ thằng đầu. Thương cha mẹ cực khổ, nên dù còn nhỏ nhưng sáng nào nó cũng dậy sớm nấu cơm cho ba mẹ ăn để còn đi gom chè. Ở nhà nó lo cho em, cho heo ăn rồi mới đi học. Có hôm, vợ chồng tui đi bán chè về thấy thằng út nằm sốt hôn mê, lòng đau như có ai cắt...". Nhìn ngôi nhà khang trang của vợ chồng ông nằm trên con đường Trần Văn Kỷ (Liên Chiểu), khó ai có thể biết, có một thời, vì khó khăn quá, ông bà đã từng khuyên đứa con thứ nhì thi đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn nên thôi học để về trường Nguyễn Trãi học cho gần nhà... Ngoài đứa con thứ 2 đỗ ĐH hệ chính quy, người con trai đầu học xong lớp 12 phải đi làm ngay để phụ giúp cha mẹ, sau đó mới được đơn vị cho đi học tiếp. Người con út học trung cấp ngành CA ra trường về làm cơ yếu ở CATP rồi sang Sở CSPCCC. Mãi đến khi dự án trục đường 60 khởi động, nhà vợ chồng ông giải tỏa, được bố trí đất ở đường Trần Văn Kỷ. Vợ chồng ông bán lô đất phụ để xây nhà... Trong suốt thời gian sinh sống tại Hòa Khánh, gia đình ông luôn được bình bầu gia đình văn hóa. Ông từng được nhận danh hiệu "Người công dân kiểu mẫu của TP". Hiện ông là Chi hội trưởng Hội người mù P.Hòa Khánh Nam...

Chia tay vợ chồng ông Ba trong nắng chiều nhạt nhòa, tôi mang theo nụ cười hạnh phúc cùng câu nói giản dị của ông quan niệm về hạnh phúc: "Không may tui bị trúng đạn khi còn quá nhỏ nên không thể cống hiến cho cách mạng thêm được nữa. Thôi thì không làm được việc chi cho quê hương thì cố sao đừng làm gánh nặng cho ai trong gia đình. Ráng là người sống có ích để người cha liệt sĩ nơi suối vàng được vui. Hơn nữa, để không phụ lòng chế độ chính sách đã dành cho mình...".

Ghi chép: P.Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/new/64_100474_co-mo-t-chuye-n-ti-nh-nhu-the-.aspx