Có một Hà Nội trên cao nguyên Lang Bian

VH- Nhịp sống sôi động và khí thế của 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã mang đến cho vùng kinh tế mới ở Nam Tây Nguyên hùng vĩ một sinh khí mới. Cái tình, cái nghĩa của người Hà Nội đã được hòa quyện trong dòng chảy văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa nơi đây.

Vùng kinh tế mới của người Hà Nội Ngày 10.10.1975, trong khi người dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô, thì đoàn cán bộ Hà Nội đã lên đường vào Lâm Đồng khảo sát vùng đất mới, định hướng cho việc khai hoang mở đất. Năm 1976, cùng với sự tiếp bước của hơn 2.000 người con của Thủ đô, mang trong lòng khí thế hừng hực của tuổi trẻ thanh niên xung kích đã vượt qua gian nan, biến vùng đất hoang sơ nơi đây trở thành vùng đất giàu tiềm năng, trù phú và phát triển – đó là vùng kinh tế mới của người Hà Nội trên cao nguyên Lâm Viên thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng hôm nay. Mặc dù 34 năm đã qua đi, kể từ cái ngày ông Nguyễn Viết Thái, 75 tuổi, ở xã Hà Nam, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng rời đất Thủ đô yêu dấu đến vùng đất xa xôi tỉnh Lâm Đồng để thực hiện khai hoang vùng đất mới theo chủ trương của Đảng, thế nhưng, với ông, hồi ức về ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất hoang vắng này vẫn còn tươi rói. Ngày ấy là những chuỗi ngày đầy gian khổ, thiếu cơm, nhạt muối, sốt rét rừng hoành hành... nhưng vẫn không làm nản lòng những người con của Thủ đô trong đó có ông. Một cuộc chiến đấu thật sự với thiên nhiên, với kẻ thù và với chính bản thân mỗi người để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, lập nền móng cho hàng chục điểm dân cư trên một vùng đất đỏ bazan trải dài trên 5 vạn ha. Để rồi giờ đây, đời sống của người dân trên vùng đất mới đã được ổn định và phát triển. “Hiện không có cái gì còn khó khăn nữa cả. Giờ đây chúng tôi đã có đất, có vườn cho nên về đời sống kinh tế thì chúng tôi không phải lo lắng nữa. Giờ đây tuy sức yếu nhưng tôi phải luôn sống mẫu mực về tư tưởng để lớp trẻ noi theo, động viên con cháu không làm gì vi phạm pháp luật... Đồng thời, cùng các anh em lớp trẻ chú tâm xây dựng quê mới, luôn giữ được tình đoàn kết, tình gắn bó với những người có điều kiện và chia sẻ với những người còn gặp sự rủi ro”, ông Thái nói. Cái nghĩa, cái tình của người Hà Nội Chính nhịp sống sôi động và khí thế của 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã mang đến cho vùng kinh tế mới ở Nam Tây Nguyên hùng vĩ một sinh khí mới. Cái tình, cái nghĩa của người Hà Nội đã được hòa quyện trong dòng chảy văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên. Điều đó thể hiện qua sự chia sẻ khó khăn với những tấn ngô, tạ muối, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nếp sống và cách nghĩ cách làm... tạo nên đoàn kết gắn bó trong cộng đồng xã hội, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng. Qua 11 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội, 23 năm hình thành và phát triển, huyện Lâm Hà hôm nay đã tạo cho mình những bước đi và thế đứng vững chắc, trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, huyện Lâm Hà đã hình thành nền kinh tế chủ đạo tập trung tại 3 cụm xã Nam Ban, Đinh Văn và Tân Hà, cùng với một nền sản xuất nông nghiệp đã đi vào ổn định vùng chuyên canh 3 loại cây trồng chủ lực là cà phê, chè và dâu tằm. Năm 1998, tổng thu nhập bình quân đầu người của huyện Lâm Hà chỉ đạt 150 nghìn đồng/người/năm thì đến năm 2002 đã tăng lên 2 triệu 600 nghìn đồng, năm 2007 đạt trên 10 triệu đồng và đến nay đã đạt hơn 16,5 triệu đồng/người/năm. Các hệ thống điện, đường, trường, trạm đã có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn dưới 9%... Để có được những thành quả hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của cán bộ và nhân dân trên vùng kinh tế mới, là một minh chứng cụ thể về bản lĩnh và ý chí quyết tâm của người Hà Nội, là sự khẳng định những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Trung ương và Thủ đô trong việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng đất này. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, kết quả đó là cả một quá trình không ngừng đầu tư của Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, sự quan tâm, hỗ trợ và sẻ chia của các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là UBND thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Ông Tài cho biết: “Dân số của huyện Lâm Hà hiện nay đối với người Hà Nội trên đất Lâm Đồng chiếm khoảng 60% trên 140 nghìn dân. Và phải nói rằng đồng bào Thủ đô khi đi vào xây dựng vùng kinh tế mới giai đoạn đầu hết sức khó khăn, tưởng chừng như không trụ nổi, nhưng được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự động viên của mặt trận, các đoàn thể, cùng với sự giúp đỡ tận tình, chu đáo, đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại chỗ... cho đến hôm nay, đời sống của bà con đồng bào kinh tế mới nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Lâm Hà nói chung là có sự phát triển vượt bậc”. Đã qua đi những ngày tháng lau sậy ngập đầu, đối mặt với ruồi vàng vắt xanh, thú dữ và hiểm nguy rình rập từ những quả mìn còn sót lại, vùng kinh tế mới Hà Nội hôm nay đã trở thành một vùng đất đầy tiềm năng, trù phú và phát triển, ví như một Thủ đô trên cao nguyên Lang Bian có các địa danh: Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàn Kiếm... được đặt cho những tên làng, tên xã. “Cây có cội, nước có nguồn”, dẫu đời sống kinh tế có khó khăn vất vả hay giàu có sung túc, trong tâm tưởng của người Hà Nội trên cao nguyên xanh này lúc nào cũng luôn hướng về Thủ đô. “Tôi là một người con của Thủ đô Hà Nội vào lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, tuy xa Hà Nội nhưng gia đình chúng tôi lúc nào cũng hướng về Hà Nội. Thường ngồi bên nhau nhắc về những kỷ niệm của đời mình, những công việc ở Hà Nội mà tôi vẫn thường làm. Và nhắc nhở con cháu thường xuyên tìm hiểu, tìm đọc về Hà Nội, về quá khứ của ông cha", ông Nguyễn Tám ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đã tâm tình như thế. Cái tên Lâm Hà... Hướng tới chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những người con Hà Nội trên cao nguyên Lang Bian đang có những hoạt động thiết thực, ra sức thi đua lao động sản xuất để lập thành tích chào mừng những sự kiện trọng đại này. Qua đó, răn dạy con cháu sẽ mãi ghi nhớ đến cái tình, cái nghĩa, sự tri ân lớp người đi trước để phấn đấu xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp hơn. Bởi ngay cả cái tên Lâm Hà đã là sự kết hợp hoàn hảo khăng khít tình người giữa hai địa phương Lâm Đồng và Hà Nội trên mảnh đất cao nguyên Lang Bian này. Hà Quang Sáng

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/phongsughichep/26465.vho