Có nên cấp súng cho Công an xã?

Thảo luận, cho ý kiến tại tổ Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều ngày 31/10, các đại biểu (ĐB), Quốc hội (QH) đặc biệt quan tâm đến quy định nổ súng ở Điều 21 và có nên cấp súng cho Công an xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần phải giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Công an xã

Chính quy, mới cấp vũ khí cho Công an xã

Góp ý về việc có nên mở rộng trang bị vũ khí cho công an xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đã là công an thì phải chính quy và phải có công cụ cho họ thực hiện. Vì vậy, cần phải giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Công an xã như hiện hành nhưng phải chính quy hóa lực lượng này.

"Bây giờ công an xã đang được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ rồi. Nếu giờ bằng luật này lại lấy đi thì bằng cách nào họ có thể bảo vệ an ninh trật tự địa phương ở cấp xã?", bà Nga đặt vấn đề.

Còn việc có nên trang bị vũ khí cho Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao, bà Nga cho rằng, các cơ quan điều tra khác được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ, cớ sao cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao lại không được giao.

"Một khi đã là tội phạm rồi, tính chất ở mỗi loại tội khác nhau thì khác nhau chút ít. Không thể nói rằng, hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ, công chức nhà nước nên không cần thiết phải giao vũ khí quân dụng”, bà Nga chỉ ra.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Võ Trọng Việt cũng đồng quan điểm. “Khi rõ đối tượng cấp rồi thì quy trình cấp và quản lý phải rất chặt chẽ. Vụ Yên Bái lấy được súng là do cấp cho đi công tác rồi họ lấy bắn chứ không phải do luật sơ hở”, ông Việt dẫn chứng.

Trong khi đó, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), mở rộng lực lượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ là “lợi bất cập hại”. Chỉ những lực lượng như quân đội nhân dân, cảnh sát biển, công an… mới cần trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Nổ súng hay không nổ súng - Giới hạn mong manh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, nổ súng và không được nổ là ranh giới rất mong manh. Quy định như thế nào để bảo đảm cho người thi hành công vụ được giao quyền sử dụng súng kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn hành vi xâm phạm đến công dân, bản thân và người khác, nhưng cũng phải quy định chặt chẽ để không có lạm dụng, vượt quá.

Trong Luật Hình sự có các quy định trước trường hợp loại trừ liên quan đến việc nổ súng là phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội. Theo ĐB Nga, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc đến vấn đề này.

Bà cũng băn khoăn khi khoản 1, Điều 21 quy định “khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia việc nổ súng thực hiện theo quy định của luật này và các luật khác có liên quan”. Bởi dự thảo Luật Cảnh vệ cũng quy định việc nổ súng có dẫn chiếu đến luật này.

Các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án luật

“Như tôi đã phát biểu, giữa đúng và sai giới hạn rất mong manh. Có những trường hợp rất khổ cho anh em thi hành công vụ, nhưng cũng có những trường hợp lạm dụng. Đến khi ra tòa phán nếu quy định tù mù, không rõ thì rất khó”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) lưu ý, vũ khí có rất nhiều, trong khi dự thảo luật chỉ quy định nổ súng. Cho nên, phải quy định về sử dụng vũ khí nói chung, trong đó có qu định nổ súng. Kể cả công cụ hỗ trợ cũng có khả năng gây sát thương như lựu đán khói, lựu đạn cay…

“Nếu quy định chung chung thì các lực lượng vũ trang không hành xử được hoặc hành xử xong ra tòa xử khó xác định trách nhiệm, vừa khổ cho người sử dụng vũ khí, vừa khổ nạn nhân.... Nhất là quy định lúc nào sử dụng vũ khí, lúc nào công cụ hỗ trợ, lúc nào được nổ súng chứ không nên quy định chung 1 điều về nổ súng không thôi”, ĐB Nghĩa nói.

"Vũ lực" đến mức nào thì được nổ súng?

Điều 21 quy định, “không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”

Theo ĐB Nga cần cân nhắc. “Người già quy định là từ 60 tuổi trở lên nhưng có người còn khỏe lắm. Trong các luật tôi cũng bảo vệ trẻ em, phụ nữ rất quyết liệt. Nhưng tôi quan sát và nghe những vụ khủng bố, ném bom liều chết trên thế giới trẻ em, phụ nữ mang bom rất nhiều”.

ĐB Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì đề nghị cân nhắc “những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo” là “đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác”.

“Từ “vũ lực” cần làm rõ. Vì có thể suy ra rất nhiều biểu hiện, như đấm đá hay xô đẩy, nên quy định thế này là chưa chặt chẽ. Cần làm rõ "vũ lực" đến mức độ nào thì có thể nổ súng”, ĐB Hồng cho biết.

Còn quy định trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên đối với “đối tượng đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, dẫn giải, áp giải do phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm đang chạy trốn hoặc chống lại”, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị bỏ.

Theo ĐB Tuấn, quy định này “có thể bó tay cơ quan tiến hành tố tụng” và “mình không còn cơ hội nổ súng, vì họ nổ trước rồi”.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/co-nen-cap-sung-cho-cong-an-xa_t114c67n111399