Có nên cho tiền người ăn xin một cách dễ dãi?

Một người phụ nữ không có tiền mua vé xe về quê lúc đêm tối, một cụ già đi lạc bị kẻ gian móc túi, một thanh niên tỉnh lẻ bất chợt hết xăng xe khi công an vừa phạt hết tiền… đó là những 'chiêu' xin tiền hiệu quả hay những khó khăn thật sự? Bạn nên cân nhắc khi cho tiền.

Cẩn thận với những người chỉ kể khổ chứ không xin tiền

Hôm ấy tôi lên chuyến xe bus số 36 đi từ bến xe Long Biên về khu đô thị Linh Đàm, đến điểm dừng gần phố Hàng Than thì một phụ nữ leo lên xe. Chị ngồi ở cái ghế trước tôi và hỏi xem chuyến xe này có dừng ở phố đi bộ Hồ Gươm không. Tôi bảo hôm nay ngày nghỉ nên xe sẽ đi đường vòng. Tuy nhiên sau khi hỏi han đường xá, chị tâm sự: “Nhà ở Thái Nguyên, xuống đây khám bệnh nhưng hết sạch tiền, mà vé xe về Thái Nguyên là 180 ngàn đồng. Có cô bạn giới thiệu cho ra cái quán phở ở chỗ Lò Sũ gần Hồ Gươm để rửa bát thuê cho đến đêm sẽ được trả 200 ngàn để mua vé xe.”.

Nhìn người phụ nữ gày gò, đêm hôm lại đi rửa bát thuê để lấy tiền đi xe về, tôi cũng chạnh lòng. Tôi bàn bạc với cô con gái 10 tuổi của tôi. Con tôi bảo: “Thôi mẹ cứ cho cô ấy 200 ngàn đi, nhỡ cô ấy nói thật thì mình cũng làm từ thiện, nếu cô ấy lừa đảo thì coi như hôm nay mẹ làm rơi tiền. Không thì khổ người ta”. Sau khi hội ý, tôi và con cái quyết định đưa cho người phụ nữ ấy 200 ngàn. Chỉ ngay sau đó một trạm đỗ, chị đã xuống xe. Người phụ xe nói với tôi: “Bà ấy sẽ lại lên chuyến tiếp theo. Một ngày kiếm được tiền triệu đấy em ạ”. Con gái tôi bảo: “Thế là bị lừa rồi mẹ ạ”. Tôi nói với con: “Không đâu, hôm nay mẹ bị rơi mất tiền thôi”.

Cho tiền không đúng cách có thể là hành động tiếp tay cho những đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. (Nguồn ảnh minh họa: Dân trí)

Cho tiền không đúng cách có thể là hành động tiếp tay cho những đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. (Nguồn ảnh minh họa: Dân trí)

Cảnh giác ở những ngã tư có cảnh sát giao thông

Hôm ấy vừa đi qua ngã tư ở đường Kim Mã, thấy hoa bằng lăng đẹp, hai mẹ con tôi dừng xe lại chụp vài kiểu ảnh. Bỗng một thanh niên còn trẻ dắt xe máy từ đâu đi tới. “Chị ơi, em quê ở Hưng Yên lên đây có việc, vừa đi qua chỗ trạm giao thông thì bị công an bắt lỗi, phạt tiền. Bây giờ xe lại hết sạch xăng chẳng còn đồng nào trong túi. Chị làm ơn cho em xin 3 chục ngàn em đổ xăng để về tới Hưng Yên. Là đàn ông mà phải đi xin tiền thế này cũng nhục lắm chị ạ, nhưng em không còn cách nào khác”.

Tôi nhìn quanh, công nhận là có trạm giao thông thật. Rồi nhìn người thanh niên với vẻ mặt ngơ ngác thất thần. Nhìn biển số xe thấy biển ngoại tỉnh. Tôi đưa cho cậu ta 50 ngàn. Cậu ta rối rít cảm ơn và quay lại ngồi lên xe… phóng vù đi mất. Con tôi lại bảo: “Hết xăng mà phóng nhanh thế mẹ nhỉ”. Biết con lại trêu chọc vì tội cả tin của mẹ, tôi chỉ biết cười méo xệch.

….Và những cụ già đi lạc

Chiều chủ nhật, hai mẹ con tôi ra Hồ Tây đi dạo. Đang đứng cho cá ăn thì thấy một ông cụ khoảng 70 đến 80 tuổi đi tới. “Con ơi cho ông xin mấy chục ngàn đi xe, ông ở xa lên thăm con cháu nhưng bị đi lạc, lại bị móc túi….”. Ông cụ chưa nói hết tôi đã rút luôn 30 ngàn đưa cho ông.

Con tôi hỏi: “Mẹ lại bị lừa rồi phải không”. Tôi bảo: “Mẹ không bị lừa, mẹ biết thừa ông cụ không nói thật nhưng mẹ vẫn cho. Dù sao họ cũng là người già, vạn bất đắc dĩ mới phải đi ăn xin kiểu đó. Không cho thì tội…”. Đó không phải là cụ già đi lạc đầu tiên hai mẹ con tôi gặp.

Cho tiền người ăn xin và bài học từ con trẻ

Một ngày, con tôi về nhà và chất vấn tôi: “Vì sao mẹ biết người ăn xin lừa mà vẫn cho”. “Vì mẹ nghĩ giúp họ cũng là một việc nên làm”. “Mẹ sai rồi, cho tiền ăn xin là hình thức nhân đạo nhưng hiện không ít những hiện tượng lừa đảo ăn xin, giả là tàn tật, bịa hoàn cảnh thậm chí có những đường dây chăn dắt trẻ em để bắt chúng đi ăn xin. Giúp người nghèo là tốt, nhưng cho tiền, giúp đỡ không đúng đối tượng, đúng cách vừa là lãng phí vừa tiếp tay cho tội ác giúp “công nghệ cái bang” có đất sống. Cho tiền người ăn xin còn khuyến khích sự lười biếng, mất tự trọng bản thân, mất mỹ quan…”.

“Ai bảo con thế?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Đấy là quan điểm của con”. Tôi biết con bé đã đọc được ở đâu đấy lý luận này, nhưng không hẳn là không có lý.

Phải chăng chúng ta nên cân nhắc kỹ trước khi đặt đồng tiền vào tay những người ăn xin?

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-nen-cho-tien-nguoi-an-xin-mot-cach-de-dai-59903.html