Có nên quy định đường cao tốc tối thiểu phải là bốn làn đường và làn dừng khẩn cấp?

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật Đường bộ quy định đường cao tốc tối thiểu phải là bốn làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.

Chiều 15-3, tiếp tục phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay có ý kiến đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải là bốn làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, ông Tới nói “ý kiến nêu trên là xác đáng”.

Theo báo cáo, thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến đường cao tốc gây chú ý trong dư luận, trong đó có đường cao tốc chỉ bố trí hai làn xe (một làn xe chạy mỗi chiều), không có dải phân cách cứng.

Báo cáo cũng nêu thực tế vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô hai làn xe nhằm bảo đảm kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ hai làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn, bất cập nhất định.

Từ năm 2023, Thủ tướng đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ hai làn xe, nhưng việc triển khai theo định hướng này rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.

“Đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực. Mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết” - ông Lê Tấn Tới nêu lý do Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo luật.

Cao tốc do Nhà nước đầu tư: Không thu “phí chồng phí”

Liên quan đến việc thu phí sử dụng trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, ông Lê Tấn Tới cho hay có ý kiến đại biểu đề nghị “đánh giá sự cần thiết”.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết để thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ GTVT đã triển khai nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do ngân sách đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí.

Kết quả cho thấy các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn.

Tuy nhiên, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại rõ đường bộ thông thường với đường bộ cao tốc, vốn nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đồng tình với dự thảo là để Chính phủ quy định cụ thể, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phí và lệ phí, làm sao việc thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách không bị "phí chồng phí".

Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng đầu tư, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí hiện hành chưa có quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp này.

Vì vậy, để có cơ sở thực hiện phân chia nguồn thu từ phí phù hợp với các dự án đầu tư xây dựng theo phương thức này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cho bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc và sửa đổi, bổ sung Luật Phí và lệ phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở đề án “đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” được phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định trên, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng Quyết định số 165 chưa xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án.

“Nếu quy định đây là nội dung bắt buộc trong đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống đường cao tốc” - ông Lê Tấn Tới nói.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đề nghị Chính phủ đánh giá tác động bổ sung đối với chính sách này.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-quy-dinh-duong-cao-toc-toi-thieu-phai-la-bon-lan-duong-va-lan-dung-khan-cap-post780589.html