Có nên sáp nhập đơn vị hành chính?

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với quận Bình Tân vào cuối tuần qua, Phó GĐ Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo đã đề xuất thành phố nên xem xét sáp nhập một số quận, phường trên địa bàn, nhằm góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm cơ sở vật chất, giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước…Và đề xuất này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

TPHCM đề xuất sáp nhập một số quận, phường trên địa bàn.

Đề xuất sáp nhập một số quận, phường tại TPHCM

Để minh họa cho đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính của mình, ông Đỗ Văn Đạo nêu lên một ví dụ bất cập hiện nay như quận 4 có diện tích chỉ 4km2 (nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hòa A thuộc Q.Bình Tân), dân số của quận 4 cũng chỉ khoảng hơn 200.000 người (chưa gấp đôi dân số phường Bình Hưng Hòa A); thế nhưng quận 4 vẫn phải duy trì cả bộ máy hành chính cấp quận cộng với 15 bộ máy cấp phường. Qua một cuộc khảo sát mới đây của Ban tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ TPHCM thì tại phường Bình Hưng Hòa A, dù có dân số đến 115.000 người nhưng chủ tịch phường vẫn khẳng định, chỉ với biên chế quy định của cấp phường hiện có vẫn điều hành tốt. “Vì vậy nếu cho sáp nhập quận 4 với một quận khác thì sẽ tiết kiệm rất nhiều về biên chế, cơ sở vật chất, ngân sách...” - ông Đỗ Văn Đạo đề xuất. Với trình độ cán bộ đã được nâng lên rõ rệt, khoa học kỹ thuật cũng được nâng lên thì việc tiến tới sáp nhập một số đơn vị hành chính sẽ tinh giản được biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất…
Với đề xuất trên, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra đồng tình, bởi việc sáp nhập sẽ giúp tiết kiệm ngân sách chi cho quỹ lương, quỹ đất cũng dư ra và tổ chức lại bộ máy để quản lý tốt hơn, tạo thuận lợi trong phát triển về kinh tế xã hội. Theo Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM), không riêng quận 4, mà hiện nay một số quận – huyện trên địa bàn TPHCM có phường – xã diện tích, dân số nhỏ, song vẫn có đầy đủ một bộ máy phường – xã. Điều này khiến bộ máy nhân sự cồng kềnh, quỹ lương tăng lên, đặc biệt do có đủ bộ máy phường - xã nên đòi hỏi phải tốn thêm cơ sở hạ tầng, quỹ đất để đầu tư xây dựng trụ sở khu Đảng, chính quyền, các tổ chức mặt trận đoàn thể… “Nếu thành phố khảo sát, sáp nhập được một số phường – xã có quy nhỏ hiện nay lại với nhau sẽ giúp giảm được nhân sự cồng kềnh, tiết kiệm được quỹ lương, tiết kiệm được quỹ đất làm trụ sở để sử dụng vào việc khác đang cần thiết như: xây trường học, khu thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động, công trình văn hóa – thể thao công cộng…” – luật sư Trần Quốc Minh phân tích. Tương tự, kiến trúc sư xây dựng Nguyễn Văn Vương cũng ủng hộ phương án sáp nhập một số đơn vị hành chính không chỉ riêng TPHCM mà cần nghiên cứu, khảo sát thực hiện trên cả nước. Theo vị kiến trúc sư này thì hiện chúng ta đang chia quá nhỏ trong quản lý hành chính nên tạo ra một bộ máy cồng kềnh, ảnh hưởng lớn đến quỹ lương, cơ sở hạ tầng. Vì vậy, xu hướng sắp tới nên có những đề án cụ thể để xem xét sáp nhập một số quận – huyện hoặc phường - xã lại với nhau nhằm giảm bớt bộ máy. Và chuyện sáp nhập không chỉ ở một phường, một quận nào mà nên làm trên cả nước. “Dĩ nhiên không phải quận nào, phường nào cũng sáp nhập, mà cần có khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các điều kiện, nếu hội đủ điều kiện sáp nhập tốt hơn cho việc quản lý, cho dân thì thực hiện” – kiến trúc sư Vương nói.

Quận 4 nằm cách quận 1 một con kênh đang được đề nghị sáp nhập vào một quận khác.

Sáp nhập phải đi đôi với cải cách hành chính

Một số vấn đề khiến dư luận băn khoăn nếu thực hiện sáp nhập một số quận, phường, đó là việc sắp xếp lại bộ máy dôi dư như thế nào? Rồi liệu bộ máy mới được tinh giản có trở nên quá tải không sau khi sáp nhập…
Nói về việc sắp xếp nhân sự, luật sư Trần Quốc Minh cho rằng, nếu sáp nhập một số đơn vị hành chính nhằm giảm nhân sự thì chắc chắn quyền lợi một số cán bộ hành chính của quận, phường sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, không cách nào khác chúng ta phải đánh giá, phân loại lại cán bộ. Những cán bộ có năng lực, phẩm chất, làm việc tốt, tận tụy phục vụ nhân dân thì giữ lại để bố trí những vị trí phù hợp; hoặc điều động, bố trí phù hợp tới những cơ quan đơn vị khác có nhu cầu; trường hợp cán bộ không đáp ứng được năng lực, yêu cầu thì tạo điều kiện để họ tìm công việc mới…
Riêng về vấn đề bộ máy mới sau khi sáp nhập liệu có quả tải không? Luật sư Minh cũng phân tích: “Việc sáp nhập một số đơn vị hành chính đòi hỏi phải đi đôi với cải cách thủ tục hành chính theo xu hướng chính quyền điện tử. Tôi nghĩ vấn đề này thì không quá lo lắng, bởi hiện nay, TPHCM đang đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chẳng hạn như triển khai dịch vụ hành chính qua mạng. Dần dần việc quản lý hành chính sẽ được điện tử hóa bằng những phần mềm nên không cần quá nhiều người (kiểu quản lý thủ công như trước đây), nhưng vẫn quản lý tốt”.

Trả lời trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng ủng hộ ý kiến đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính của Sở Nội vụ TP HCM. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc này góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, giảm số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp phường; giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước; thúc đẩy tinh giản biên chế. Người dân không nên lo lắng sẽ gặp khó khăn trong giải quyết giấy tờ khi các quận, huyện sáp nhập với nhau. Không riêng TP HCM mà nhiều địa phương khác đều đang thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, tổ chức trung tâm hành chính công để phục vụ người dân và doanh nghiệp, giải quyết thủ tục nhanh chóng và thuận lợi. Cùng với tinh gọn bộ máy, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức để hoạt động của đội ngũ công chức đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ đề xuất sáp nhập một số quận, phường thì cũng không ít ý kiến cho rằng, thành phố cần phải cân nhắc kỹ, bởi vì mỗi lần chia tách hay sáp nhập đơn vị hành chính thì sẽ làm xáo trộn đến cuộc sống của người dân về những thay đổi trên sổ sách, giấy tờ hành chính như: Giấy tờ nhà, đất, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, bằng lái...

Huyền Trân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/co-nen-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-625198.bld