Có nên tiếp tục trồng cao su ở Quảng Ngãi?

Việc bão số 9 cơ bản san phẳng những diện tích cây cao su mới trồng ở Quảng Ngãi đã đặt ra một vấn đề lớn: Có nên theo đuổi trồng cao su ở nơi "mặt tiền" biển Đông thường xuyên có bão mạnh đổ bộ vào như Quảng Ngãi?

Mất trắng vườn cây “Tan hoang và thê lương”- Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN Lê Minh Châu đã thốt lên với chúng tôi như vậy, khi ông tận mắt đi thị sát chứng kiến khung cảnh vườn cây đổ nát tại Cty Cao su (CTCS Quảng Ngãi) về. “Cao su gãy đổ nằm sắp lớp, bình địa như bị máy bay B52 rải thảm”, ông Châu mô tả đầy chất liệu điện ảnh. Bão số 9 đã khiến Cty Cao su Quảng Ngãi gần như mất trắng vườn cây. Bao nhiêu công sức, tiền của Cty gầy dựng gần chục năm qua đã trôi tuột xuống sông. Con số thống kế đến hôm nay cho thấy: 668/1.261 ha cao su của Cty bị bão làm gãy đổ (317 ha gãy hoàn toàn), cùng với 351 ha kiến thiết cơ bản không thể phục hồi. Số 593 ha kiến thiết cơ bản có thể phục hồi thì cũng “thương tích đầy mình”, khó có thể sinh trưởng bình thường. Ông Nguyễn Hùng, PGĐ Cty Cao su Quảng Ngãi than thở: “Giá trị tài sản của Cty là 50 tỷ, nhưng bão số 9 đã “cướp mất” 25,8 tỷ. Đau nhất là 317ha cao su chăm sóc bao năm, giờ chuẩn bị đưa vào khai thác thì đã bị bão số 9 quét sạch. Nhiều công nhân đã không cầm được nước mắt khi nhìn vườn cây gãy trắng”. Anh Nguyễn Đoàn, công nhân đội sản xuất Bình Khương, không giấu nổi vẻ lo lắng: “3 năm nay nhờ làm công nhân cao su nên cuộc sống gia đình tôi cũng tạm ổn. Bây giờ vườn cây của tôi gãy đổ hết, không biết phải tính sao đây. Căn nhà ngang mới xây cũng bị sập mất”. Ông Nguyễn Ngọc Luy – Đội trưởng Đội sản xuất Bình Khương cho biết thêm: “Tại đội SX của tôi, sau bão sẽ có 40 công nhân khai thác không có việc làm và 365 hộ nhận khoán bị ảnh hưởng công việc”. Có nên trồng lại? Bão số 9 gần như “nuốt trọn” vườn cây cao su của Cty Cao su Quảng Ngãi nên đã có ý kiến trong ngành cho rằng không nên tiếp tục đầu tư trồng cao su ở tỉnh này. Thực tế thì trước đây, một số nhà khoa học đã quan ngại khi cây cao su được trồng về hướng Đông, gần biển ở Quảng Ngãi. Qua khảo sát và nghiên cứu thì điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây cao su, nhưng với vị trí nằm ở “mặt tiền” như vậy, tần suất hứng chịu bão hằng năm là rất lớn. Trong khi đó, với sức gió giật trên cấp 12 thì không loại cây nào có thể trụ nổi, huống chi cao su là loại cây có đặc tính tán rậm, giòn, dễ đổ. Theo văn bản số 99 ngày 18/5/2009 của Tập đoàn CSVNVN về việc giao khoán tối đa suất đầu tư nông nghiệp cho cây cao su từ lúc trồng mới cho đến khai thác áp dụng cho vùng MT- TN là gần 76 triệu/ha. Như vậy, nếu trồng mới lại 600 ha cao su ở Quảng Ngải số tiền lên tới 45 tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian kiến thức cơ bản của cây cao su vùng này lên tới 7-8 năm, dài hơn hơn miền Đông Nam bộ. Mặt khác, cây cao su có đặc thù không như các loại cây hoa màu khác, là có thể điều chỉnh thời gian gieo trồng mùa vụ để “né” bão, hoặc nhanh tay thu hoạch để “chạy” bão. Cần phải khẳng định lại cao su là cây công nghiệp dài ngày, chi phí đầu tư rất lớn, chu kỳ kinh doanh trên 20 năm, nên mức độ thiệt hại mỗi lần xảy ra như vậy thông thường là khôn lường. Suất đầu tư cho cây cao su ở Cty Cao su Quảng Ngãi là 68 triệu đồng/ha. Giờ đây khi mất trắng vườn cây, nếu trồng tái canh, đặt giả thiết tiếp tục vẫn giữ ở mức 68 triệu đồng/ha, thì suất đầu tư toàn bộ chu kỳ lần này sẽ đội lên 136 triệu đồng/ha. Với suất đầu tư cao như vậy, chắc chắn sẽ lỗ. Nhưng điều đáng lo nhất là ai dám chắc bão sẽ không tiếp tục “nuốt” vườn cây? Thực tế cho thấy, khí hậu ngày càng biến đổi khó lường, tần suất bão ngày một gia tăng tăng, khả năng một “Ketsana” (bão số 9) thứ hai như vừa qua là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, bình quân mỗi năm nước ta hứng chịu hàng chục cơn bão, trong đó có đến 90% là đổ bộ vào miền Trung. Như vậy, nếu không cân nhắc kỹ mà tiền tỷ đổ xuống bị bão cuốn phăng thì quả là còn...đau hơn hoạn. Sau bão số 9, chính lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN thừa nhận sẽ có sự tính toán kỹ càng hơn trong việc phát triển cao su ở những địa bàn thường xuyên bị mưa bão tàn phá, trong đó có Quảng Ngãi.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/41194/default.aspx