Có nguồn mà vẫn thiếu điện

Hàng loạt công trình lưới điện có khả năng không kịp hoàn thành đồng bộ với tiến độ đưa vào hoạt động các nguồn điện mới, đang cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong năm 2010 và các năm tiếp theo.

Các công trình nguồn do ngành điện thi công nếu chậm trễ sẽ gây tổn thất lớn. Ảnh minh họa. (LĐ) - Đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề, song những bất cập về giải phóng mặt bằng, thỏa thuận tuyến đường dây đi qua... vẫn "rối như canh hẹ". Nước xa không cứu được lửa gần Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của HN mở rộng giai đoạn 2009-2015, đặc biệt năm 2010 với sự kiện đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, phương án cấp điện cho HN đã được lên kế hoạch với việc đóng điện 5 trạm biến áp (TBA) 220kV, 1 TBA 500kV Thường Tín, 3 đường dây (ĐD) 220kV là Vân Trì- Chèm, Vân Trì- Sóc Sơn và Hà Đông- Thành Công; ĐD 500kV Hiệp Hòa- Phố Nối... Đặc biệt để tăng nhanh năng lực cung ứng điện, TCty Truyền tải điện quốc gia - NPT (thuộc EVN) đã lên phương án đầu tư nâng công suất 3 TBA 220kV hiện hữu là Chèm, Hà Đông và Mai Động, mỗi trạm thêm 250MVA, tổng công suất mỗi trạm sau khi đầu tư lên 750MVA, dự kiến đóng điện vào quý I và quý II/2010. Các TBA dự kiến đóng điện trong năm 2010 là trạm 500kV Thường Tín; hai trạm 220kV Thành Công, Vân Trì và 3 ĐD 220kV kể trên. Tuy nhiên, đến nay tiến độ một số dự án đã có nguy cơ chậm trễ. Nhiều phần việc liên quan đến thỏa thuận tuyến đã bị vướng mắc về đền bù, GPMB như đường dây 220kV Vân Trì- Sóc Sơn, Ban Quản lý dự án điện Miền Bắc (Ban AMB) ký hợp đồng với nhà thầu thi công từ tháng 8.2008, nhưng đến nay, sau hơn 1 năm vẫn không bàn giao được mặt bằng do thành phố yêu cầu điều chỉnh một số đoạn, tuyến không theo thiết kế cũ. ĐD Hà Đông - Thành Công cũng phải dừng lại do yêu cầu của TP đề nghị hạ ngầm đoạn đường dây từ ranh giới HN - Hà Tây đến vị trí cột số 41, sau đó lại quyết định đi nổi. Quá trình thực hiện dự án, do yêu cầu phải phối hợp với các dự án khác như dự án làm đường xe điện trên cao, dự án đường Láng Hạ - Thanh Xuân kéo dài, đường Lê Văn Lương kéo dài, dự án đường quy hoạch 40m Nam Thăng Long, đường vành đai 4... trong khi tiến độ các dự án là khác nhau, thậm chí có dự án còn chưa có kế hoạch thực hiện, khiến dự án nọ "níu chân" dự án kia... chậm cả làng. Ông Phan Lương Thiện - GĐ Ban QLDA công trình điện Miền Bắc - lo ngại nhất là tiến độ đền bù, GPMB. "ĐD Vân Trì- Sóc Sơn, đoạn tuyến đi qua huyện Mê Linh đã có quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường từ năm 2007, nhưng sau khi Mê Linh sáp nhập về HN, người dân đã nhất loạt không nhận tiền đền bù mà đòi cơ chế mới" - ông nói. Ngay cả với ĐD 500kV Quảng Ninh - Thường Tín đã thi công hơn 4 năm nay, theo tiến độ phải đóng điện hồi tháng 5.2009, nhưng hiện vướng một số hộ dân không nhận tiền đền bù đoạn tuyến đi qua tỉnh Hưng Yên. Lo ngại hơn cả, NĐ 69 mới đây về bồi thường đất đai, quy định giá đất bồi thường gấp 3 lần mức cũ, nếu các hộ dân phản ứng, ngành điện cũng chưa biết xử lý ra sao... Có nguồn, vẫn thiếu điện Trong khi các nguồn điện trong tổng sơ đồ điện 6 (TSĐ 6) đang được các chủ đầu tư triển khai ráo riết để kịp tiến độ đi vào vận hành, thì các công trình nguồn do ngành điện thi công nếu chậm trễ sẽ gây tổn thất lớn. "Đó là việc có nguồn mà vẫn thiếu điện vì không có lưới truyền tải"- ông Đậu Đức Khởi - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - thừa nhận điều này. Ông cho biết, đây là tình trạng chung của hầu hết các công trình lưới điện trải dài từ Bắc vào Nam. Tại miền Bắc, sau khi một loạt các trung tâm nhiệt điện lớn (Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Sơn Động, Cẩm Phả...) sẽ lần lượt phát điện khoảng giữa năm sau, thì đường dây truyền tải quan trọng nhất là ĐD 500kV Quảng Ninh - Thường Tín vẫn chưa hoàn thành (theo tiến độ phải vào trong quý I/2009). Tương tự, khu vực phía nam, theo ông Khởi cũng khá nan giải với ĐD 500kV Ô Môn - Nhà Bè để chuyển tải điện từ cụm các Nhà máy điện Cà Mau 1-2 (tổng công suất 1.500MW), các ĐD 220kV Nhơn Trạch- Nhà Bè, Nhơn Trạch - Cát Lái chuyển tải điện từ cụm NMĐ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về TPHCM. Các dự án này theo kế hoạch đều phải hoàn thành trong năm nay, nhưng đến nay, nhiều hộ dân vẫn còn nằm trong hành lang tuyến, vướng mắc về đơn giá đền bù, khiến các hộ dân không chịu di dời. Trong năm 2009, EVN dự kiến đưa vào vận hành 49 công trình lưới điện, trong đó có 5 đường dây 500kV, còn lại là 220kV; khởi công 32 công trình lưới truyền tải các cấp điện áp. Tuy nhiên, đến hết 9 tháng đầu năm, tập đoàn này mới khởi công được 19 công trình và đóng điện 28 công trình lưới truyền tải. Hồng Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/co-nguon-ma-van-thieu-dien/200910/160150.laodong