Cổ phần hóa chậm do bị trì hoãn, lợi ích cá nhân

"Quan hệ thân hữu, lợi ích hiện nay đã được chính thức thừa nhận là nguyên nhân gây trì hoãn đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”. Đó là ý kiến của ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Đổi mới doanh nghiệp (thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM) tại hội nghị cơ cấu lại DNNN hiệu quả tổ chức ngày 28/6.

Theo ông Trung, lợi ích của việc được giao quyền quản lý tài sản nhà nước và DNNN là quá lớn, có cơ hội để trục lợi. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân không muốn thay đổi, trì hoãn quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị. Điển hình là việc thực hiện chủ trương tách chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi các bộ ngành, ủy ban nhân dân. Hệ quả của việc trì hoãn này là tiến trình cổ phần hóa chậm, trong 5 tháng đầu năm 2017, chỉ cổ phần hóa được 15 DN.

“Tôi nghĩ việc cổ phần hóa DNNN nói đủ rồi, giờ hãy hành động và hành động bằng các giải pháp hành chính và thị trường. Ví dụ như việc cổ phần hóa 2 tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn cần làm ngay và có nhiều người sẵn sàng mua. Hãy để thị trường quyết định, nhà nước không nên can thiệp vào thị trường”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM kiến nghị.

Theo CIEM, khi DNNN gặp khó khăn vẫn nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ. Việc xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường thực hiện chưa có kết quả rõ nét. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao nhưng không bị xử lý.

Một thực trạng khác là việc chuyển doanh nghiệp nhà nước về Tổng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vấn đề thực hiện kỷ luật thực thi ngân sách. Thậm chí có trường hợp, cơ quan quản lý có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn dưới luật tạo ra ngoại lệ cho DNNN ưu đãi tiếp cận nguồn lực như đất đai, tài chính…

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/co-phan-hoa-cham-do-bi-tri-hoan-loi-ich-ca-nhan-1162791.tpo