Cổ phần hóa DNNN: Không phải chỉ để thu tiền

(Baodautu.vn) Mối lo về khả năng hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đúng tiến độ đang bị thay dần bằng nỗi lo chệch hướng.

TIN LIÊN QUAN

MobiFone: Gái đẹp giàu có trong mắt đại gia ngoại

Lo cổ phần hóa DNNN không đúng hướng

Chậm cổ phần hóa sẽ thay người đứng đầu

Vietnam Airlines chọn nhà đầu tư chiến lược như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với Bộ Công thương cuối tuần qua một lần nữa đã phải nhắc lại mục tiêu CPH là không phải bán cổ phần để Nhà nước thu bao nhiều tiền về, mà quan trọng là có những doanh nghiệp hiệu quả hơn. Đây không phải là lần đầu, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến yêu cầu này.

CPH không phải để Nhà nước thu về bao nhiều tiền bán cổ phần, mà quan trọng là có những DN hiệu quả hơn

Song nhìn vào các báo cáo về tiến độ thực hiện CPH của nhiều doanh nghiệp, dường như đây là nội dung ít được nhắc tới nhất. Ngay trong các báo cáo của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong ngành công thương gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp này, đa phần nội dung là đã thoái được bao nhiêu, còn lại bao nhiều phần vốn cần thoái, lỗ lãi ra sao…?

Trong khi đó, đích đến của hoạt động này là đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới tổ chức quản lý, tăng cường quản trị nội bộ, tái cơ cấu thị trường (theo những nội dung chủ yếu về tái cơ cấu DNNN trong Đề án đã được phê duyệt) rất ít được phân tích. Chính điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế sốt ruột với tiến độ CPH DNNN hiện tại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn , ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đang có nhiều đánh giá rất khác nhau về tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN.

“Có người nói chậm, khi so với những năm trước đó, có những năm CPH vài trăm doanh nghiệp, tuy là doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn hiện tại. Tuy nhiên, số lượng mới chỉ là một phần, quan trọng là chất lượng, hay nói rõ hơn là tỷ lệ sở hữu nhà nước thay đổi thế nào, có bao nhiêu cổ đông chiến lược sau CPH, những điều kiện tiên quyết để quản trị DNNN chuyến sang khung quản trị hiện đại, theo thông lệ thị trường”, ông Cung bày tỏ quan điểm.

Nếu nhìn ở góc độ này, theo ông Cung, tiến độ CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang chậm, thậm chí còn chưa làm được gì.

“Quản trị DNNN vẫn chưa có khung thống nhất theo thông lệ. Quy định về công khai, minh bạch hóa thông tin như công ty niêm yết có, nhưng chưa rõ công khai gì, có đầy đủ, kịp thời hay không. Yêu cầu thực hiện có hiệu lực quyền chủ sở hữu nhà nước, tách quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh, chủ sở hữu và điều tiết thị trường chưa thực hiện được, ngay cả khi thông qua Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp”, ông Cung phân tích.

Cùng với đó, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, theo ông Cung, mặc dù đã được 1/3 số vốn cần thoái, nhưng đa phần vẫn là chuyển giao trong nội bộ khu vực DNNN. “Đối với chuyển giao nội bộ, khó có thể gọi là thoái vốn”, ông Cung bình luận.

Đây là lý do ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải đặt rõ yêu cầu về cấu trúc quản trị trong doanh nghiệp sau CPH. “Nếu cứ giữ 51% cổ phần nhà nước trong nhiều doanh nghiệp khi CPH, thì người mua sẽ không thể xác định được quyền lực của họ khi tham gia cuộc chơi này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ tốc độ, mà cả chất lượng hoạt động. Phải thay đổi cách tiếp cận để tạo ra nguồn lực mới”, ông Thiên khuyến nghị.

Cũng phải nói thêm, trong Diễn đàn Kinh tế mùa Thu năm 2014, ông Thiên và cộng sự của mình đã bài tham luận 13 trang về tái cơ cấu DNNN: các điểm nghẽn và giải pháp khắc phục. Trong tham luận này, các chuyên gia tiếp tục quan điểm quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN từ năm 2011 tới nay hầu như vẫn giậm chân tại chỗ, số đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN vẫn không thay đổi, các cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiêm nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước.

“Trở ngại chính cho việc cải tiến mô hình quản trị DNNN theo hướng hiện đại có lẽ là nỗi e sợ mất công cụ kiểm soát ngành hoặc thị trường khi các bộ từ bỏ chức năng bộ chủ quản. Với các địa phương, việc trả các DNNN về cho Trung ương có thể dẫn đến việc mất nguồn đóng góp cho ngân sách địa phương cũng như mất đi công cụ và nguồn tài chính để thực hiện một số chính sách phát triển kinh tế và xã hội tại địa phương”, ông Thiên phân tích và cũng tiếp tục khuyến nghị Chính phủ phải rõ ràng được chức năng quản giám của những người đại diện trực tiếp vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý của những người điều hành DNNN.

“Tôi cho rằng, điểm đột phá về phía Nhà nước trong hoạt động này chính là hệ thống phân công chức năng và có trách nhiệm cá nhân”, ông Thiên khẳng định.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/co-phan-hoa-dnnn-khong-phai-chi-de-thu-tien.html