Cổ phiếu “bèo” vẫn có đất sống

Cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVX-Hnx) đã có năm phiên tăng trần tính đến ngày 6-9-2016 sau khi chạm mức thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp này 1.800 đồng/cổ phiếu. Lý do theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, lợi nhuận sau thuế của PVX tăng thêm 116 tỉ đồng, gấp 5,5 lần số liệu chưa soát xét, do thu hồi được một số khoản nợ đã trích lập dự phòng trước đây.

Các nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán. Ảnh: TL

Sau những năm dài thua lỗ, đặc biệt dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh lỗ tới 3.200 tỉ đồng những năm 2012-2013, từ năm ngoái PVX đã có lãi chút đỉnh trở lại ở mức vài chục tỉ đồng/năm trên vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng. Tập đoàn Dầu khí đã giao cho PVX những công trình trọng điểm để thi công như Nhiệt điện Thái Bình 2, khu liên hiệp lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, Viện Dầu khí phía Nam...

Tuy nhiên, PVX vẫn còn phải đi một đoạn đường vô cùng khúc khuỷu để giải quyết hết phần âm vốn chủ sở hữu. Và sự hồi sinh của PVX cần nhiều thời gian vì giá dầu thô vẫn đang dưới 50 đô la Mỹ/thùng. Chừng nào giá dầu còn thấp, lợi nhuận, doanh thu của PetroVietnam còn ở xa thời hoàng kim, nguồn vốn đầu tư sẽ chưa thể dồi dào như trước đây và việc tìm công trình cho PVX sẽ còn hạn chế.

Dẫu sao PVX và một số cổ phiếu giá rẻ dưới 2.000 đồng đây đó vẫn còn những thời điểm biến động, tạo nên những con sóng nhỏ cho nhà đầu tư. So với các blue-chips, nhóm cổ phiếu thị giá “bèo” này chẳng có nhiều ý nghĩa, nhưng một bộ phận nhà đầu tư vẫn gắn bó với chúng. Với số vốn khiêm tốn, vài chục hoặc trăm triệu đồng, họ vẫn có thể sở hữu số lượng cổ phiếu từ vài ngàn đến vài chục ngàn đơn vị. Giả sử đầu tư lâu dài, may mắn doanh nghiệp phục hồi, giá cổ phiếu tăng, họ sẽ có lợi nhuận tính bằng lần. Do đó luôn có những nhà đầu tư cần mẫn, cặm cụi hàng ngày nghiên cứu các cổ phiếu 1.000-2.000 đồng và mua chúng. Thanh khoản loại này cũng muôn hình vạn trạng. Có cổ phiếu chỉ khớp lệnh vài ngàn đơn vị/ngày, có cổ phiếu thanh khoản cao vọt. Như PVX có ngày khớp gần 12 triệu đơn vị. Còn những phiên thanh khoản vài triệu đơn vị không hiếm. Hay như AGR, BGM, VOS, PTL, OGC... thanh khoản thấp cũng vài trăm ngàn đơn vị/ngày.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ, một thời đã từng làm mưa làm gió trên thị trường VHG, TSC, FLC... thị giá giờ chỉ còn 3.000-5.000 đồng. Thanh khoản vẫn ở mức cao, nhưng chúng không còn sức hút đối với thị trường.
Bên cạnh đó, trên thị trường có những cổ phiếu cả năm nay “bình chân như vại”, giá không hề lên cũng chẳng xuống như CMG, REE. Có cổ phiếu lẳng lặng đi xuống mỗi ngày một chút, góp gió thành bão khiến không ít nhà đầu tư “thủng túi” và họ đặt cho chúng cái tên “cái chết êm dịu” như HAP, HAR... Một số các cổ phiếu này thực tế kết quả kinh doanh không tồi, thậm chí có cổ phiếu còn tăng trưởng, song hoặc chúng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông lớn mà sự mua vào hay bán ra của họ đều nhằm đạt một mục đích tăng/giảm tỷ trọng cổ phần để giữ quyền kiểm soát công ty, hoặc chúng ở trong tình trạng in giấy, tức phát hành tăng vốn nhiều.

Trong khi các blue-chips vốn hóa lớn, các cổ phiếu sắt thép, một số doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng... nằm trong tâm điểm của dòng tiền, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, vận tải biển, chế biến thủy hải sản, điện nước, trồng và khai thác cao su tự nhiên... vẫn đang chật vật để giữ giá. Cũng thuộc nhóm vật liệu xây dựng, cổ phiếu xi măng không được ưu ái như sắt thép. Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu Eximbank vừa bị Hose giữ nguyên tình trạng cảnh báo và ngay lập tức đầu tuần này EIB giảm sàn, thị giá đang gần mệnh giá. Trên Hnx, thị giá cổ phiếu SHB đang xoay quanh 5.000 đồng , mức gần thấp nhất trong lịch sử của nó. BID đã lùi về mức 16.000 đồng, xấp xỉ mức đáy của 12 tháng gần đây. Việc BID vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài và việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng đang khiến nhà đầu tư lắng lại, nghe ngóng trước khi quyết định có nên giải ngân bất chấp giá cổ phiếu này đang ở mức tương đối hấp dẫn cho đầu tư lâu dài.

Còn khoảng một tháng nữa, Việt Nam sẽ có chỉ số Index chung và sau đó là kết quả kinh doanh quí 3 cũng như chín tháng đầu năm của các công ty niêm yết được hé lộ. Một số công ty được dự báo lợi nhuận tốt đã được nhắc đến đây đó qua kết quả kinh doanh tám tháng. Trước mắt là đợt cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETFs, theo đó một số cổ phiếu như VNM, HSG được thêm vào và một số cổ phiếu khác bị bán ra theo một tỷ lệ nhất định. Các đợt cơ cấu định kỳ của ETFs thường gây xáo trộn thanh khoản thị trường và gần đây không còn được nhà đầu tư nội chú ý nhiều do việc tìm kiếm lợi nhuận nhờ “ăn theo” ETFs ngày một khó khăn hơn.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151078/co-phieu-beo-van-co-dat-song.html/