Cổ phiếu bị soát xét: Nguy cơ nhà đầu tư ngoảnh mặt

Nhà đầu tư thường dựa vào báo cáo tài chính (BCTC) để kiểm tra “sức khỏe” của DN trước khi lựa chọn.

Nhưng số liệu BCTC chênh lệch trước và sau kiểm toán cho thấy dấu hiệu kém minh bạch của DN…

Nhiều doanh nghiệp bị điểm mặt

Mới đây, Công ty CP Dược phẩm Phong Phú (Mã: PPP, sàn HNX) đã có giải trình chênh lệch giảm lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2017 (3.322. 184.095 đồng) và 6 tháng năm 2016 (4.232.578.958 đồng). Công ty Phong Phú giải thích nguyên nhân là do Công ty mở rộng dây chuyền sản xuất nên chi phí tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2017, đồng thời doanh thu cũng chưa thực hiện đủ như kế hoạch đề ra. Theo ghi nhận, lịch sử giao dịch trong 20 phiên gần nhất, PPP chỉ có 5 phiên tăng giá, còn lại 14 phiên đứng giá và 1 phiên giảm giá. Điều này cho thấy các nhà đầu tư không còn “mặn mà” PPP như trước.

Một cơ sở sản xuất của Công ty CP Dược phẩm Phong Phú.

Một trường hợp khác là Công ty Dic - Đồng Tiến (DID - HNX) cũng buộc phải làm rõ số liệu sai lệch trong BCTC với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo đó, công ty này đã phải giải trình nguyên nhân lợi nhuận trên BCTC soát xét bán niên năm 2017 chênh lệch quá 10% so với bán niên năm 2016 (14/8/2017). Trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm so với 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 729.096.684 đồng, giảm 107.102.479 đồng (tương đương 12,81%) so với cùng kỳ năm trước lãi 836.199.163 đồng.

Công ty Dic - Đồng Tiến cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận là do trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần tăng 29,20% so với cung kỳ năm 2016. Và giá vốn hàng bán tăng 31,45% do giá mua nguyên vật liệu (cát) tăng mạnh.

Ngoài ra, trong kỳ Công ty bị truy thu thuế thu nhập DN của các năm 2011 - 2015, với số tiền 267.092.163 đồng. Ngoài ra, còn nhiều công ty niêm yết vi phạm tính minh bạch BCTC với cơ quan quản lý và nhà đầu tư như: Ngân hàng TMCP Kiên Long (sàn UpCOM), Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (UpCOM), Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (UpCOM)…

Phải tuân thủ luật mới tạo được niềm tin

Theo quy định tại khoản 4 điều 11 Thông tư 155: Khi công bố thông tin các BCTC (quý, bán niên soát xét, năm), tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Lợi nhuận sau thuế thu nhập DN tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ công bố thay đổi từ 10% trở lên so với báo cáo cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo bị lỗ; hoặc chuyển từ lãi ở kỳ trước sang lỗ ở kỳ này hoặc ngược lại; Số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh lũy kế từ đầu năm tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong BCTC quý II đã công bố so với BCTC bán niên được soát xét; hoặc tại BCTC quý IV đã công bố so với BCTC năm được kiểm toán có sự chênh lệch từ 5% trở lên; hoặc chuyển từ lỗ sang lãi hoặc ngược lại; Số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên.

Theo chuyên gia Phan Thanh Hải, soát xét BCTC là việc đưa ra ý kiến kết luận là có hoặc không phát hiện ra sự kiện trọng yếu, làm cho kiểm toán viên cho rằng BCTC không được lập phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam. Soát xét BCTC không yêu cầu kế toán phải hiểu rõ về kiểm soát nội bộ, tiếp cận với rủi ro gian lận hay bất cứ một quy trình kiểm toán nào. Do đó, một báo cáo soát xét không thể cung cấp đầy đủ bằng chứng hay thông tin như một báo cáo kiểm toán.

Để tránh hạn chế thủ thuật “che lãi”, hay “giấu lỗ” hoặc “đánh bóng” số liệu thì BCTC bán niên cần thỏa mãn 2 yêu cầu. Đó là việc kiểm toán phải rà soát kỹ lưỡng những khoản mục mang tính trọng yếu trên BCTC. Tiếp đến là các công ty niêm yết cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp BCTC một cách minh bạch và rõ ràng hơn…

Đánh giá về sự minh bạch thông tin trong BCTC của các công ty niêm yết, ông Nguyễn Hoàng Thắng, một nhà đầu tư cho biết: Rất khó để xác định thông tin thật - giả. Nhưng đã chơi thì phải tuân thủ luật. Bất cứ công ty nào tìm cách “qua mặt” nhà đầu tư, nếu bị phát hiện thì khó có thể phát triển. Bởi, sự thiếu minh bạch sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông, chủ nợ, nhà cung cấp. Nguy hiểm nhất là nhà đầu tư tiềm năng sẽ ngoảnh mặt với cổ phiếu của họ ngay lập tức.

Việc soát xét sẽ ngăn chặn DN có thể tự do dồn lãi, hoặc dồn lỗ cho một thời điểm nào đó. Chẳng hạn như chênh lệch lợi nhuận giữa quý I và quý II quá lớn, cần xem xét các vấn đề như: Những năm trước đây chênh lệch này có xảy ra hay không? Trong quý I và quý II có những biến động thuận lợi hay khó khăn tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh hay không?

Chuyên gia kinh tế Phan Thanh Hải

Sông Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-phieu-bi-soat-xet-nguy-co-nha-dau-tu-ngoanh-mat-296206.html