Cổ phiếu của BAF Việt Nam 'tím lịm', doanh nghiệp làm ăn ra sao?

Ngay đầu phiên 17/5, các cổ phiếu nhóm chăn nuôi đã đồng loạt tăng bốc đầu. Trong đó, cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam tăng kịch trần 'trắng bên bán'. Chốt phiên, cổ phiếu này vẫn dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị. Với mức giá 22.100 đồng/cp, thị giá BAF đang ở đỉnh 21 tháng.

Việc cổ phiếu chăn nuôi nói chung, cổ phiếu BAF nói riêng tăng “nóng” được cho là hiệu ứng tích cực từ giá heo.

Phiên 17/5, cổ phiếu BAF tăng kịch trần lên mức 22.100 đồng/cp.

Phiên 17/5, cổ phiếu BAF tăng kịch trần lên mức 22.100 đồng/cp.

Thời gian gần đây, giá heo hơi liên tục tăng "nóng" trên diện rộng, ở nhiều nơi lên mức 67.000 đồng/kg, tương đương mức giá đỉnh vào đầu tháng 7/2023.

Tại miền Bắc, giá heo hơi tăng thêm 2.000 đồng/kg so với hôm qua, lên 66.000-67.000 đồng/kg. Trong khi đó tại miền Trung và Tây Nguyên, giá cũng tăng lên 62.000-65.000 đồng/kg. Tại miền Nam, heo hơi ở Đồng Nai, TP HCM đang được bán với giá 68.000-68.500 đồng/kg. Trong khi tại An Giang, Cần Thơ, Long An, giá tăng thêm 1.000 đồng, dao động 62.000-65.000 đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 58,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 118,65 tỷ đồng, tăng 29,3 lần. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 7,8% lên 13,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 170,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 108,3 tỷ đồng, lên 171,8 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng đột biến 12,8 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 6,4 tỷ đồng, lên 6,9 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 110,3%, tương ứng tăng thêm 24,6 tỷ đồng, lên 46,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 5,6%, tương ứng tăng thêm 2,5 tỷ đồng, lên 47,2 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 681,2%, tương ứng tăng thêm 47 tỷ đồng, lên 53,9 tỷ đồng.

Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2024, bên cạnh lợi nhuận gộp cải thiện, BaF Việt Nam còn ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến và lợi nhuận khác tăng mạnh so với cùng kỳ.

Với kết quả đạt được trong quý I/2024, BaF Việt Nam đã hoàn thành 38,8% so với kế hoạch cả năm lãi 305,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét về dòng tiền, mặc dù lãi tăng mạnh trở lại nhưng công ty vẫn duy trì mô hình thâm hụt vốn. Trong đó, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 36,97 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 136,4 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 176,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 163,2 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, BaF Việt Nam đã trải qua 2 năm thâm hụt vốn liên tiếp khi năm 2022 ghi nhận âm 269,4 tỷ đồng và năm 2023 ghi nhận âm 419,7 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2024, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi của BaF Việt Nam đã tăng 7,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 168,5 tỷ đồng, lên 2.480,8 tỷ đồng và bằng 122,4% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 853 tỷ đồng; nợ vay dài hạn và trái phiếu chuyển đổi là 1.627,8 tỷ đồng.

Trên một diễn biến khác, BaF Việt Nam vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng phát hành thêm 7.176.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp và triển khai trong quý II/2024. Cổ phiếu ESOP được phát hành cho thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, nhân sự chủ chốt và cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày phát hành.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-cua-baf-viet-nam-tim-lim-doanh-nghiep-lam-an-ra-sao-1099841.html