Cổ phiếu ngân hàng 'dậy sóng' do đâu?

Gần đây, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tăng mạnh sau thời gian dài mất bóng. Nhiều cổ phiếu tăng giá gấp đôi sau một thời gian ngắn và vượt đỉnh 1 năm, mang lại kỳ vọng rất lớn cho các nhà đầu tư.

“Cổ phiếu vua” trở lại

Ảnh minh họa.

Thống kê trên thị trường từ đầu tháng 5 tới nay, cổ phiếu STB đã tăng 18,5%; MBB tăng 18%; BIDV tăng 15%; CTG tăng 11,4%; EIB tăng gần 10%; ACB tăng 9,2%; VCB tăng 8%... Kỷ lục thuộc về NVB với mức tăng tới 80%, tất nhiên cổ phiếu này có yếu tố “đặc biệt” là thanh khoản rất thấp.

Trên sàn OTC, mức tăng các cổ phiếu ngân hàng còn ấn tượng hơn nhiều so với sàn niêm yết. VPBank, trở lại phong độ cách đây 10 năm khi có mức giá ấn tượng trên 40.000 đồng/CP, cao hơn cả ngân hàng vốn được coi là tốt nhất hiện tại kể cả về chất lượng tài sản và quy mô là Vietcombank (giá 38.350 đồng/CP ghi nhận ngày 12/6). Techcombank, LienVietPostBank… đều ghi nhận mức giá tăng khá lớn dù việc tìm mua không dễ.

Một điểm đáng ghi nhận là hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang hấp dẫn thị trường và hút một dòng tiền đổ vào rất mạnh, thanh khoản tăng vọt.

Trong một phân tích của mình, Công ty Chứng khoán HSC cho biết, cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại trong những phiên vừa qua bởi có dấu hiệu cho thấy vấn đề còn tồn tại đối với quá trình xử lý nợ xấu sẽ được cởi bỏ thông qua thị trường mua bán nợ thứ cấp và điều này đã giúp cải thiện tâm lý. Thông tin IPO các ngân hàng chưa niêm yết với mức định giá cao cũng khiến cho cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết được định giá lại.

Gần đây, một loạt ngân hàng báo lãi lớn. BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3,2 ngàn tỷ trong 5 tháng, hoàn thành hơn 40% kế hoạch. Lienvietpostbank lợi nhuận trước thuế đến hết tháng 5 đạt 730 tỷ đồng, sau khi đạt 470 tỷ trong quý 1. Trước đó trong năm 2016 ngân hàng đã có lợi nhuận hơn 1.000 tỷ. Sacombank đạt hơn 400 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch. TPBank có lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng trong 6 tháng, đạt 64% năm. Lienvietpostbank.

Ngoài kết quả kinh doanh khá tốt, các nhà đầu tư còn kỳ vọng vào cơ chế mới có thể sắp được thông qua. Hiện Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu và Nghị định 61/2017/NĐ-CP về định giá nợ xấu dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7 tới.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dung cao cùng với kế hoạch thúc tăng trưởng kinh tế và triển vọng của ngành thời gian tới cũng giúp cổ phiếu ngân hàng đang lấy lại vị thế “cổ phiếu vua” một thời.

Ngoài ra, các ngân hàng VPBank, HDBank, Techcombank và OCB cũng dự kiến sẽ niêm yết trong 6-12 tháng tới. Tính thanh khoản tăng cao và quy mô thị trường mở rộng cùng với tính minh bạch được cải thiện sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn.

Nhiều khả năng nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ được thông qua

Theo kế hoạch của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, vào ngày mai (21/6), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo quan sát, qua hai phiên thảo luận tại hội trường và một phiên thảo luận ở tổ cùng những tiếp thu ý kiến từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo là NHNN, đến nay chỉ còn một vấn đề chưa thống nhất được đó là về phạm vi nợ xấu để xử lý. Vẫn còn tồn tại hai quan điểm: một là chỉ xử lý nợ xấu từ 31/12/2016 trở về trước và hai là áp dụng cho cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Còn lại các vấn đề cơ bản của nghị quyết đã được đồng thuận, trong đó có những điểm đáng chú ý như không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu; trao quyền xử lý tài sản đảm bảo (những tài sản không có tranh chấp, không nằm trong các vụ án) cho các tổ chức tín dụng...

Với khả năng cao là nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ duy trì tiếp đà tăng trong một hai phiên nữa. Qua đó, diễn biến của chỉ số chung nhiều khả năng cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể.

Theo Châu Huệ/Diễn đàn DN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/co-phieu-ngan-hang-day-song-do-dau-190899/