Cổ phiếu Petrolimex hấp dẫn nhà đầu tư trước thềm lên sàn

Cổ phiếu PLX đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và tăng nóng trên thị trường tự do sau khi có tin Petrolimex sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 4 sắp tới.

Ngày 10/3, Sở GDCK TPHCM thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hơn 1,29 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX), tương ứng vốn điều lệ hơn 12.938 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ ngày niêm yết chính thức của cổ phiếu này nhưng các thông tin đồn đoán cho biết, PXL có khả năng lên sàn HOSE từ ngày 10 đến 12/4/2017.

Petrolimex đã chính thức IPO từ đầu năm 2012 nhưng đến năm 2016 phần vốn góp của cổ đông nhà nước mới đủ theo quy định (thông qua lợi nhuận hàng năm được chia). Đồng thời, Petrolimex đã hoàn thành việc phát hành thêm, bán cổ phần cho đối tác chiến lược là JX Nippon Oil & Energy Corporation của Nhật Bản để giảm vốn nhà nước xuống 75% theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

Lãi đậm trước khi lên sàn

Petrolimex hiện là đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 50% cả nước, hệ thống kho cảng có sức chứa 2,2 triệu m3, đường ống vận chuyển xăng dầu 570 km và là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn 150.000 DWT.

“Ông lớn” trong ngành xăng dầu hiện có 2.352 trạm xăng trên cả nước đồng thời sở hữu hệ thống khoảng 2.800 đại lý xăng dầu.

Doanh thu và lợi nhuận của Petrolimex trong thời gian 2013-2016. Đồ họa: Phương Diệp

Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy Petrolimex đạt tổng doanh thu hợp nhất là 123.097 tỷ đồng, bằng 84% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến doanh thu giảm là giá dầu thô thế giới bình quân 12 tháng năm 2015 là 48,8 USD/thùng, trong khi bình quân năm 12 tháng năm 2016 là 43,3 USD/thùng.

Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 đạt 5.165 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của công ty mẹ là 4.665 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất là 22,3%, một con số khá cao.

Với lĩnh vực kinh doanh chính là xăng dầu đóng góp tới 86% doanh thu và 75% lợi nhuận gộp hàng năm của Petrolimex. Petrolimex đã cổ phần hóa 5 năm trước và hiện tại chủ sở hữu chính là Bộ Công Thương.

Petrolimex có 41 công ty thành viên, 34 chi nhánh và xí nghiệp trực thuộc các Công ty thành viên 100% vốn Nhà nước, 23 Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tổng công ty, 3 Công ty Liên doanh với nước ngoài và 1 Chi nhánh tại Singapore. Tập đoàn có đối tác chiến lược là tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil and Energy với tỷ lệ sở hữu 8% cổ phần.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, năm 2017 tập đoàn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 10% so với kế hoạch đặt ra năm 2016. Mục tiêu của Petrolimex là tiếp tục giữ vững vị trí nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam với doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020, tỷ lệ cổ tức phấn đấu đạt mức tối thiểu 12%/năm.

Cổ đông chiến lược JX Nippon Oil & Energy là tập đoàn xăng dầu chiếm 50% thị phần của Nhật Bản với 100 năm kinh nghiệm được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành kinh doanh chính của Petrolimex trong tương lai thông qua chuyển giao công nghệ và hỗ trợ vốn giúp PLX mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Cổ phiếu tăng nóng trên thị trường tự do

Kể từ khi Petrolimex công bố kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE thì cổ phiếu PLX của đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ngày 10/3, cổ phiếu PLX trên sàn OTC có giá 49.000 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh so với mức 30.000 đồng/cổ phiếu cách đây 3 tháng.

Theo đó, mức vốn hóa thị trường của công ty là 63,3 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 2,9 tỷ USD và Petrolimex sẽ lọt vào danh sách top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Petrolimex hiện chiếm 50% thị phần xăng dầu trong nước. Ảnh minh họa: Lê Hiếu

Hiện tại, mức giá tham chiếu chính thức của PLX khi lên sàn chưa được công bố nhưng nhiều khả năng sẽ xoay quanh mức giá của PLX trên thị trường tự do.

Petrolimex sẽ niêm yết tổng cộng 1,293 tỷ cổ phiếu nhưng tỷ lệ chuyển nhượng tự do thấp do Bộ Công thương nắm giữ 75,87% cổ phần, JX Nippon Oil & Energy Corporation nắm 8,0% cổ phần (cấm chuyển nhượng trong vòng 5 năm).

Trong số 208,6 triệu cổ phần còn lại, PLX nắm giữ 155 triệu cổ phiếu là cổ phiếu quỹ. Số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực tế sau niêm yết chỉ là 53,6 triệu đơn vị, tương đương với 4,14% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Vì vậy, cổ phiếu PLX nhiều khả năng sẽ tăng mạnh khi niêm yết trên sàn do cơ cấu cổ đông khá tập trung. Năm 2016, thị trường chứng khoán đã chứng kiến việc các doanh nghiệp có Nhà nước nắm phần chi phối với tỷ lệ chuyển nhượng tự do thấp như Habeco (BHN) và Sabeco (SAB) tăng mạnh ngay khi lên sàn.

Theo lộ trình, Bộ Công Thương sẽ giảm cổ phần tại PLX xuống 65% sau niêm yết. Tuy nhiên thời gian và kế hoạch cụ thể cho việc thoái vốn chưa được công bố.

Ngoài việc kết quả kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng lớn và cơ cấu cổ đông cô đặc thì Petrolimex còn hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi vì khi lên sàn doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng quản trị công ty, hiệu quả hoạt động được nâng cao, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí,…

Trả lời Reuters, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết: "Petrolimex niêm yết sẽ thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư, nhờ tiềm năng tăng trưởng lớn của doanh nghiệp cũng như khả năng quản trị tốt".

Phương Diệp - Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-phieu-petrolimex-hap-dan-nha-dau-tu-truoc-them-len-san-post727439.html