Cổ phiếu thép sẽ khó tăng mạnh, dù kinh doanh khởi sắc

Phỏng vấn nhanh đại diện các doanh nghiệp thép cho thấy, kết quả kinh doanh quý IV/2016 của khối này sẽ khởi sắc.

Hầu hết doanh nghiệp ngành thép sẽ có kết quả tích cực năm nay

Theo các doanh nghiệp, dù không tốt như quý II, khi giá thép trong nước tăng và giá thép thế giới phục hồi nhanh, nhưng kết quả kinh doanh quý IV vẫn sẽ tích cực hơn quý III.

Lý do, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã SMC), giá thép trong kỳ đã tăng khoảng 50 USD/tấn thép cán nóng. Do các doanh nghiệp đều có hàng tồn kho nên đều có lời. SMC dự kiến cả năm đạt lợi nhuận 340 tỷ đồng. Xu thế dài hạn là giá thép thế giới ổn định ở mức cao, nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép được dự báo sẽ tiếp tục ổn định.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT SMC cho hay, giá thép trong nước sẽ khó tăng cao do tính chất mùa vụ. Thực tế cho thấy, vì là thời điểm cuối năm, các hoạt động xây dựng giảm bớt, nên sản lượng tiêu thụ thép trong tháng 11 đã giảm 20-30% so với các tháng trước đó.

Cũng bày tỏ sự lạc quan, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (mã DTL) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp thép sẽ có một năm thuận lợi. Tính đến hết quý III/2016, DTL lãi ròng hơn 140 tỷ đồng, kỳ vọng cả năm có thể đạt 200 tỷ đồng.

“Giá thép đầu vào tăng cao, trong khi Công ty có lượng hàng tồn kho lớn, đồng thời cũng chưa mua nguyên liệu ở mức giá cao. Nếu có nhập nguyên liệu mới, Công ty cũng sẽ nhập từ từ, chờ giá thép thế giới ổn định hơn”, ông Nghĩa cho hay.

Ngoài ra, Tổng giám đốc DTL cũng cho biết, mặc dù giá thép thế giới đang tăng cao, nhưng mặt bằng giá bán tôn trong nước lại không tăng tương ứng.

Nguyên nhân là do lượng sản xuất trong nước đang dư thừa, trong khi vẫn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhập khẩu. Với mặt hàng tôn mạ, tôn màu, giá không thể tăng do các doanh nghiệp gặp rào cản ký quỹ khi xuất khẩu sang Mỹ.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu Trung Quốc về bán trong nước, dẫn đến áp lực cạnh tranh lớn. Mặt hàng tôn mạ lạn và tôn mạ kẽm dù đã có thuế chống bán phá giá ở trong nước, nhưng vì mức thuế thấp, nên hàng Trung Quốc vào vẫn nhiều. Còn tôn mạ màu vì không có thuế chống bán phá giá, nên hàng Trung Quốc đã chiếm đến hơn 50% thị phần, đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trong lĩnh vực thép xây dựng, giá thép nguyên liệu đầu vào tăng là chỉ báo tốt đối với các doanh nghiệp có thị phần cao như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HGP) hay CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG).

Mới đây, HPG cho biết, tiêu thụ thép trong tháng 11 của Công ty đạt kỷ lục với 203.000 tấn, đều tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2015 và tháng trước đó. Với sản lượng toàn thị trường ước đạt gần 800.000 tấn, thép Hòa Phát chiếm 26,5% thị phần tiêu thụ trong tháng. HSG là một trong những doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu thị trường nội địa, nên khi giá thép tăng, sẽ phản ánh ngay vào lợi nhuận trong kỳ.

Về phía HSG, doanh nghiệp này đang chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên niên độ tài chính 2016-2017 trong tháng 1/2017. Theo thông tin ban đầu, HSG sẽ tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận, cũng như trả cổ tức ở mức cao, tương đương với mức thực hiện của năm tài chính vừa qua.

Đặc biệt, khi giá thép cán nóng trong xu hướng tăng như hiện nay, cùng với kết quả lợi nhuận quý IV/2016 khả quan, thì việc tổ chức ĐHCĐ đúng thời điểm sẽ giúp HSG có được sự khởi đầu thuận lợi hơn cho năm tài chính 2016-2017.

Được biết, kết thúc niên độ tài chính 2015-2016, HSG đạt 17.892 tỷ đồng doanh thu và 1.501 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt tương ứng 21% và 127% kế hoạch kinh doanh cả niên độ. Với kết quả đó, HSG chia cổ tức niên độ tài chính 2014-2015 cho các cổ đông theo tỷ lệ 50%.

Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế chung khiến các công ty chứng khoán nhận định rằng, cổ phiếu ngành thép là rất đáng quan tâm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thép đã tăng mạnh trong thời gian qua, nên dòng tiền vào cổ phiếu thép hiện vẫn khá cẩn trọng.

Nhà đầu tư có xu hướng chốt lời tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu rủi ro cao khi đối mặt với những biến động đến từ bên ngoài như: khả năng tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND; thị trường Mỹ hút nguồn vốn, dẫn đến áp lực rút vốn ở các thị trường mới nổi và cận biên...

Chính vì thế, mặc dù được định giá tốt, nhưng cổ phiếu thép sẽ khó tăng giá mạnh, chưa kể trong quá khứ, cổ phiếu thép luôn có mức P/E thấp hơn các ngành khác.

Thu Hương

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/co-phieu-thep-se-kho-tang-manh-du-kinh-doanh-khoi-sac-172214.html