Cơ quan cạnh tranh 'đặt' trong Bộ: Có chống được lợi ích nhóm, 'sân sau'?

Sáng 14/9, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị, xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh có tính độc lập để bảo đảm khả năng thực thi nhiệm vụ, khách quan, công bằng, minh bạch…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: TN

Thẩm quyền lớn có khả thi?

Dự thảo luật sửa đổi quy định, Cơ quan cạnh tranh quốc gia (trực thuộc Bộ Công thương) là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành (Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh).

Nêu câu hỏi, “đặt” cơ quan cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có bảo đảm khách quan, công bằng, thượng tôn pháp luật không?, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn thực tế, theo luật hiện hành, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, mà Bộ này cũng quản lý Petrolimex nên suốt thời gian qua chưa có cuộc điều tra nào được thực hiện.

Theo bà Nga, tình trạng cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời là cơ quan chủ quản doanh nghiệp kéo theo lợi ích nhóm, “sân sau”, ảnh hưởng đến tính độc lập của thể chế quản lý và xử lý cạnh tranh. Dự luật còn sửa đổi theo hướng Cơ quan cạnh tranh quốc gia đồng thời là cơ quan tiến hành tố tụng thì có chống được “lợi ích nhóm”, tình trạng “sân sau”, “bắt tay ngầm” không?

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phân tích, dự luật cho phép cơ quan cạnh tranh xử lý cả cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản không đúng với Luật Cạnh tranh. Như vậy, dự luật thiết kế theo hướng “ông bé” xử lý “ông to” nên rất vướng khi triển khai nếu Cơ quan Cạnh tranh quốc gia là một đơn vị thuộc Bộ Công thương.

"Cái áo này rất là chật để làm nhiệm vụ này, giao cho Cơ quan cạnh tranh quốc gia những việc lớn như thế liệu có khả thi không", ông Định nêu và đề nghị, nếu không thiết kế được cơ quan cạnh tranh là cơ quan độc lập mà vẫn nằm trong Bộ thì cần phải quy định cơ chế tiếp nối để những việc ngoài thẩm quyền của Bộ lên cơ quan cấp cao hơn xử lý.

Phải xây dựng cơ quan cạnh tranh độc lập

Tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới bất cập trong thi hành pháp luật cạnh tranh là mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh hiện hành.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

“Cơ quan cạnh tranh vừa là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý Nhà nước về cạnh tranh, vừa là cơ quan thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và kiểm soát tập trung kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Theo Ủy ban Kinh tế, ngoài quy định về nội dung, Luật Cạnh tranh còn có các quy định về tố tụng cạnh tranh mà ở đó, cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh - những thiết chế thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan cạnh tranh là nội dung không thể thiếu.

“Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết về cạnh tranh có đặt ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải thiết lập hoặc duy trì cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật về cạnh tranh và quy trình, thủ tục tiến hành tố tụng cạnh tranh phải minh bạch”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

“Ông to” sai luật thì “ông bé” vẫn có thể xử lý

Giải trình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, những bất cập trong mô hình các bộ vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa là cơ quan chủ quản doanh nghiệp. Cho nên, Chính phủ đang xây dựng đề án tách cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan quản lý vốn của doanh nghiệp Nhà nước, tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản trị và điều hành của doanh nghiệp.

“Quan trọng là chúng ta hoàn thiện thể chế, hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm tách bạch các chức năng quản lý Nhà nước với các chức năng trong điều hành, quản trị doanh nghiệp Nhà nước”, người đứng đầu ngành Công thương nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình. Ảnh: TN

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đa số các nước đều quy định cơ quan cạnh tranh trực thuộc Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ, một số ít hơn thuộc Quốc hội hoặc các cơ quan khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lưu ý, ở nước ngoài, các bộ quản lý Nhà nước không đồng thời chủ quản doanh nghiệp như ở nước ta. Do vậy, nếu để cơ quan cạnh tranh thuộc bộ chủ quản doanh nghiệp có thể khiến doanh nghiệp nước ngoài kiện ngược lại cơ quan xử lý cạnh tranh vì cho rằng như thế không bảo đảm khách quan, công bằng.

Kết luận nội dung này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự luật cần quy định theo hướng bảo đảm tính độc lập, khách quan của cơ quan cạnh tranh, không quan trọng là “ông bé” hay “ông to”, vì nếu “ông to” sai luật thì “ông bé” vẫn có thể xử lý bình thường. Ban soạn thảo cần hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Chiều 14/9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng.

Thảo Nguyên

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: TN

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: TN

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/co-quan-canh-tranh-dat-trong-bo-co-chong-duoc-loi-ich-nhom-san-sau_t238c1067n124338