Cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm trong việc tàu vỏ thép hỏng

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho hay đang xem xét trách nhiệm những người trực tiếp liên quan đến 18 tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 6/9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, 13/18 tàu cá bị hư hỏng tại Bình Định sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 9. Với 5 tàu còn lại, ông Oai hy vọng các bên liên quan sẽ tìm được tiếng nói chung vào cuộc làm việc sáng 7/9 tại Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: Võ Hải.

Theo Phó tổng cục trưởng Thủy sản, đến giữa tháng 8, số tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản là 767 chiếc, trong đó 301 chiếc vỏ thép. “Rất tiếc có 18 tàu vỏ thép của Bình Định đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị hỏng”, ông Oai nói.

Trong 18 tàu hư hỏng, có 13 chiếc đóng tại Nam Triệu và công ty này đã thỏa thuận được với ngư dân phương án sửa chữa. Hiện 6 tàu được sửa, thay máy mới, dự kiến trước 15/9 hạ thủy đi khai thác; số còn lại cuối tháng 9 sẽ được sửa xong.

Với 5 tàu đóng tại Đại Nguyên Dương, không bị hỏng máy, chủ yếu rỉ sét, công ty đã thỏa thuận, chuẩn bị sửa chữa. Tuy nhiên, theo ông Oai, quá trình lấy mẫu thép 5 tàu để kiểm nghiệm, có phát hiện một chỉ số thấp hơn quy định. Bộ Nông nghiệp đã thống nhất với tỉnh Bình Định giao Sở Nông nghiệp phối hợp với Tổng cục Thủy sản mời chuyên gia vật liệu đến cho ý kiến.

“Sáng mai, tại Sở Nông nghiệp Bình Đình có cuộc họp giữa công ty đóng tàu và ngư dân để bàn việc sửa tàu, hy vọng các bên sẽ thống nhất được”, ông Oai nói.

Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin công ty Đại Nguyên Dương định kiện cơ quan đăng kiểm (Bộ Nông nghiệp), Phó tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, đó chỉ là ý kiến lãnh đạo công ty Đại Nguyên Dương đưa ra tại buổi làm việc với ngư dân. Công ty cho rằng nếu bắt buộc thay vỏ tàu họ sẽ kiện vì trước đây cơ quan đăng kiểm đã chấp thuân cho họ sử dụng vật liệu đó đóng tàu.

18 tàu vỏ thép của tỉnh Bình Định bị hư hỏng gây thiệt hại cho ngư dân. Ảnh: Đắc Thành.

Về trách nhiệm cơ quan đăng kiểm trước việc 18 tàu cá hư hỏng, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, tại buổi họp tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định 67, lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến trách nhiệm chính là công ty đóng tàu chứ không phải cơ quan đăng kiểm.

“Bây giờ chúng ta đi đăng kiểm ôtô, nếu lốp đó rách chưa kịp thay, mượn lốp của người khác, đăng kiểm xong họ lại về thay lốp khác, đi ra đường vỡ lốp ôtô thì cơ quan đăng kiểm chịu à?”, ông Oai so sánh.

Tuy nhiên theo ông Oai, Bộ trưởng Nông nghiệp đã giao Tổng cục thủy sản xem xét toàn bộ trách nhiệm liên đới của cơ quan đăng kiểm, của từng đăng kiểm viên và Tổng cục đang thực hiện ý kiến của Bộ trưởng.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Thường trực Nông nghiệp Hà Công Tuấn khẳng định, cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm đối với 18 tàu cá hư hỏng. “Trách nhiệm đến đâu, xử lý thế nào thì Bộ đang cùng cơ quan xem xét toàn diện, kể cả ý kiến các bộ khác, của doanh nghiệp và địa phương”, ông Tuấn nói.

Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Tại Bình Định có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 tàu composite đóng theo Nghị định 67. Tuy nhiên 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trước sự việc này, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp làm rõ thông tin liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá, đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng.

Theo Vietnamnet

Nguồn ANTT: http://antt.vn/co-quan-dang-kiem-co-trach-nhiem-trong-viec-tau-vo-thep-hong-208226.htm