Cơ sở bánh trung thu sử dụng thiết bị 'bẩn' sẽ bị phạt nặng

Gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện những cơ sở sản xuất bánh trung thu sử dụng những thiết bị sản xuất 'bẩn' ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn của bánh.

Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu 2017, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần đảm bảo vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm; tuyên truyền các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, về sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm; tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, quy định về nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, quy định công bố sản phẩm phù hợp quy định ATTP quy định về vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu 2017. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu 2017. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Trong quá trình thanh tra, các Đoàn cần kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất; kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP, quy định ghi nhãn sản phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp kinh doanh thực phẩm. Trường hợp phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm ngoài xử phạt theo quy định còn công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mới đây, cơ sở sản xuất bánh trung thu trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có nhiều thiết bị sản xuất bị rỉ sét, vi phạm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Trước đó, đoàn kiểm tra UBND quận Bình Thạnh cũng lập biên bản cở sở này về lỗi không có kệ pallet trong sản xuất chế biến bánh trung thu.

Quy định về thiết bị đối với cơ sở sản xuất bánh trung thu

Theo Luật an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất bánh trung thu cần phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất.

Tại Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với thiết bị, dụng cụ. Thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất; bảo đảm an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Thiết bị, dụng cụ sản xuất di động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và làm vệ sinh.

Phương tiện rửa và khử trùng tay: Có đủ thiết bị rửa tay, khử trùng tay, ủng, giầy, dép trước khi vào khu vực sản xuất thực phẩm; Xưởng sản xuất thực phẩm phải có bồn rửa tay cho nhân viên; nơi rửa tay phải có xà phòng hoặc nước sát trùng; khăn, giấy lau tay sử dụng một lần hoặc máy sấy khô tay.

Thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm: Có đủ và phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói thực phẩm; Được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị han gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm; Dễ làm vệ sinh, bảo dưỡng; không làm nhiễm bẩn thực phẩm do dầu mỡ bôi trơn, mảnh vụn kim loại; Có đủ quy trình vệ sinh, quy trình vận hành đối với phương tiện và thiết bị của dây chuyền sản xuất.

Phòng chống côn trùng và động vật gây hại: Thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại phải được làm bằng các vật liệu không gỉ, dễ tháo rời để làm vệ sinh, thiết kế phù hợp, bảo đảm ngăn chặn được sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; Không sử dụng thuốc, động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm.

Thiết bị dụng cụ giám sát, đo lường: Có thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm và đánh giá được chỉ tiêu cơ bản về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu không có thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm thì phải có hợp đồng kinh tế với tổ chức, cá nhân được phép kiểm nghiệm khác; Thiết bị, dụng cụ, phương tiện đo phải bảo đảm độ chính xác trong quá trình sử dụng theo quy định của pháp luật về đo lường.

Việc sử dụng chất tẩy rửa và sát trùng phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Chỉ dùng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng được phép sử dụng; Phải được đựng trong bao bì dễ nhận biết, có hướng dẫn sử dụng và không để ở nơi sản xuất thực phẩm.

Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm

Vi phạm quy định về sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Điều 9 Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mà không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hiệu lực trước khi vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đó được sản xuất, nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ 02 tháng đến 03 tháng đối với hành vi sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ 03 tháng đến 06 tháng đối vơíhành vi sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Minh Châu

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/co-so-banh-trung-thu-su-dung-thiet-bi-ban-se-bi-phat-nang-d129478.html