Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần 'bắt tay' với doanh nghiệp trong đào tạo

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới. Để nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực, buộc cơ sở đào tạo nghề phải liên kết và đưa doanh nghiệp (DN) tham gia đào tạo.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần "bắt tay" với doanh nghiệp trong đào tạo

Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của cuộc CMCN 4.0 khiến người lao động mất việc làm hay nảy sinh nhiều cơ hội việc làm mới vẫn còn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, trải qua lịch sử của các cuộc CMCN trước đây, đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Đón đầu cuộc CMCN 4.0, các trường nghề buộc phải thay đổi linh hoạt chương trình đào tạo để bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng nghề, học sinh, sinh viên phải trang bị kiến thức sáng tạo, kỹ năng mềm và khởi nghiệp… đặc biệt vấn đề sáng tạo ra giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này.

Theo các chuyên gia, để đáp ứng được nhu cầu của cuộc CMCN 4.0, bên cạnh tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng mô hình đào tạo mở, các cơ sở GDNN gia tăng sự kết nối, tăng cường trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và DN sử dụng lao động.

Theo TS. Horst Sommer, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam, CMCN 4.0 đòi hỏi tăng cường hoạt động giữa các DN và cơ sở GDNN. Trong quá trình đào tạo, cơ sở này cần có sự liên kết chặt chẽ với DN. Lúc này, DN trực tiếp đào tạo học sinh tại công xưởng. Hơn nữa, quá trình thi và cấp chứng chỉ cần sự tham gia và kiểm tra của các DN.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết thêm, nhiều quốc gia đã áp dụng việc cơ sở dạy nghề liên kết với doanh nghiệp như thực tập với dây chuyền máy móc của công ty và được chính công ty tạo cơ hội việc làm. Trong khi các trường chưa có đủ điều kiện để trang bị máy móc hiện đại, giải pháp hữu hiệu là liên kết với DN để học sinh được thực hành trên chính công nghệ hiện đại mà DN đang áp dụng. Từ thành công của nhiều quốc gia, Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng điều này vào đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước sự tác động của CMCN 4.0, chuyên gia đưa ra lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Thứ nhất, học sinh lựa chọn ngành nghề được chú trọng phát triển như ngành nghề liên quan đến con người, ý tế rồi dịch vụ, làm đẹp.... Thứ hai, ngành nghề thuộc dạng phổ quát, như liên quan đến cơ khí, sữa chữa máy móc.... Thứ ba, tận dụng lợi thế của Việt Nam là nền nông nghiệp, những ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ tư, những ngành nghề sẵn sàng áp dụng được cái đặc điểm của nền công nghiệp 4.0, ví dụ như cơ điện tử, các ngành nghề về tin học…Tuy nhiên, lựa chọn ngành nghề phụ thuộc vào sự yêu thích và bám chặt nhu cầu thị trường đang cần.

L.HOA

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/co-so-giao-duc-nghe-nghiep-can-bat-tay-voi-doanh-nghiep-trong-dao-tao-564669.ldo