“Có tâm lý ngại nhập ngũ là do giáo dục nuông chiều”

LTS. Nếu ở các nước, thực hiện nghĩa vụ nhập ngũ có thời hạn là điều bình thường với mọi thanh niên (như “hoàng tử một mí” của Hàn Quốc và hoàng tử nước Anh) thì ở ta, ngày càng nhiều phụ huynh và những người đến tuổi nghĩa vụ quân sự tìm đủ cách tránh né thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng này. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết (đại biểu quốc hội khóa 11, 12; nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) để tìm hiểu nguyên do.

GS Nguyễn Minh Thuyết:

Hiện nay nhiều phụ huynh và những người đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự rất sợ việc này. Cụ thể, đợt vừa rồi có thủ khoa đại học cũng lo đến mất ăn mất ngủ vì sợ bị gọi đi nghĩa vụ quân sự sẽ trễ việc học… Sau khi dư luận lên tiếng với nhiều góc nhìn khác nhau thì thủ khoa này đã được hoãn nhập ngũ để đi học. Theo ông, tại sao bây giờ người trẻ và các bậc cha mẹ lại có tâm lý đó?

Chương trình học kỳ quân đội luôn thu hút không ít bạn trẻ.

Trước hết, cần khẳng định không phải tất cả các bạn trẻ đều ngại đi nghĩa vụ quân sự. Qua thực tế ở địa phương tôi sinh sống cũng như qua tin tức, hình ảnh trên báo chí, tôi thấy phần lớn các bạn thanh niên sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ. Vì thế, câu hỏi cần đặt ra là tại sao trong khi đa số thanh niên chấp hành nghĩa vụ quân sự một cách vui vẻ, lại có một bộ phận thanh niên ngần ngại, một số gia đình lo lắng cho con em mình như vậy?

Theo tôi, nguyên nhân trước hết là ở chính các bạn thanh niên đó. Sống trong thời bình, quen với điều kiện sống thuận lợi ở gia đình, lại chưa được giáo dục đúng mức, các bạn đó ngại đi vào một môi trường chắc chắn phải rèn luyện với nhiều khó khăn hơn, thử thách lớn hơn. Điều này rất khác với thế hệ chúng tôi.

Nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm của gia đình. Phải chăng các bậc phụ huynh không muốn con nhập ngũ nghĩ rằng nghĩa vụ xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc là của ai đó, chứ không liên quan đến con cái mình, gia đình mình? Nuông chiều con cái, ngại cho con rèn luyện vất vả thì không thể nào giáo dục được con mình nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ.

Thứ ba, phải nói đây là một bất cập trong giáo dục của nhà trường. Tuy gia đình chịu trách nhiệm chính nhưng giáo dục của nhà trường như vậy cũng chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ sâu sắc để những thanh niên này nhận ra nghĩa vụ của mình. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục của mình. Các bạn thanh niên bây giờ có rất nhiều hoạt động. Nhưng phải chăng những hoạt động ấy chưa thiết thực, sâu sắc, chưa làm cho thanh niên thấy được nghĩa vụ của mình với xã hội?

Tôi có cảm tưởng bây giờ cả gia đình lẫn nhà trường đang thực hiện một nền giáo dục nuông chiều thế hệ trẻ, và tâm lý ngại nhập ngũ là hậu quả của cách giáo dục như vậy. Học thì cái gì cũng kêu quá tải. Thi thì muốn dỡ bỏ hết cho đỡ căng thẳng. Nếu cứ tiếp tục một nền giáo dục nuông chiều thế hệ trẻ như vậy, chắc chắn con em mình sẽ không sẵn sàng để đương đầu với thử thách, khó khăn…

Cũng cần nói đến trách nhiệm chung của xã hội. Chúng ta cho rằng thanh niên là rường cột của nước nhà, là thế hệ sẽ quyết định vận mệnh quốc gia nhưng rất ít tạo điều kiện để thanh niên tham gia những việc quốc gia đại sự. Thường những việc của quốc gia đại sự thì đều cho rằng đó là việc của người lớn, của Đảng, Nhà nước, còn các cháu thanh niên cứ việc học hành. Bị đặt ra ngoài những lo lắng cho vận mệnh quốc gia, cho công việc chung của đất nước, dần dần thanh niên sẽ thiếu trách nhiệm, thậm chí trở nên vô cảm với những vấn đề chung.

Thời kỳ trước, việc đi nghĩa vụ quân sự được thanh niên đón nhận rất tích cực. Ngày nay những hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, các sự kiện do những tổ chức phi chính phủ chủ trì… vẫn được đông đảo người trẻ ủng hộ. Vậy phải chăng nghĩa vụ quân sự hiện chưa có những thay đổi phù hợp với lứa tuổi, tâm lý, lối sống và bối cảnh đất nước hiện nay?

Tôi cũng đồng ý rằng nhiều chương trình, trong đó có những chương trình của các tổ chức phi chính phủ, hấp dẫn nhiều thanh niên bởi có cách tổ chức sinh động, phù hợp với tâm lý của thanh niên. Tuy nhiên, đi nghĩa vụ quân sự là việc khác hẳn. Đây không còn là “sân chơi” mà là một nghĩa vụ thật sự, và khi thực hiện, thanh niên phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách. Đòi hỏi tổ chức cho vui hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn là không thể vì nó không phù hợp với tính chất của công việc này.

Có một nghịch lý là phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền triệu cho con tham gia học kỳ quân đội – chương trình dạy kỹ năng sống đang rất được thu hút ở Việt Nam. Trong khi đó, môi trường quân sự thật thì người ta lại e ngại?

Điều này có thể giải thích được, bởi chương trình học kỳ quân đội rất ngắn, vào đấy thanh thiếu niên được rèn luyện thiên về kỹ năng sống. Còn đi nghĩa vụ quân sự là sống xa nhà trọn vẹn 18 tháng, phải chấp nhận những thử thách lớn, có thể ra hải đảo, lên biên giới, thậm chí có khi tham gia chiến đấu thật sự và có thể vì vậy mà một số bạn trẻ và gia đình các bạn có tâm lý e ngại. Nhưng theo tôi, có thể những thanh niên đã trải qua các học kỳ quân đội sẽ hiểu quân đội hơn và không ngại nhập ngũ, gia đình các bạn cũng sẽ yên tâm hơn.

Bị đặt ra ngoài những lo lắng cho vận mệnh quốc gia, cho công việc chung của đất nước, dần dần thanh niên sẽ thiếu trách nhiệm, thậm chí trở nên vô cảm với những vấn đề chung.

Cũng là làm nghĩa vụ quốc gia, Hàn Quốc thực hiện rất thành công. Mọi thanh niên khi đến tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, dù đó là diễn viên nổi tiếng như Bi Rain... Rõ ràng ở đây là cách làm?

Tôi cho rằng gia đình, nhà trường, đoàn thể phải làm tốt công tác giáo dục hơn và dư luận xã hội cũng cần vun đắp lý tưởng cho các bạn thanh niên, chứ không nên hướng các em đến suy nghĩ “mình là biệt lệ, không phải thực hiện nghĩa vụ như mọi người”. Tôi không nghĩ thi đậu thủ khoa của một trường đã là nhân tài; thậm chí đoạt huy chương vàng trong các kỳ thi học sinh giỏi toán, lý, hóa quốc tế cũng chưa chắc đã nên gọi là nhân tài. Đó chỉ là những người có năng lực và có triển vọng trở thành nhân tài, nếu không ngừng nỗ lực vươn lên. Cần làm cho mọi người từ nhỏ đã hiểu một nguyên tắc cơ bản: mọi công dân đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện pháp luật nghiêm hơn.

Để phụ huynh và con em họ cảm nhận nghĩa vụ quân sự là điều thiêng liêng, tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ và coi đó là niềm tự hào thì phải có những điều chỉnh, cách làm gì trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Trước hết, cần phải nhận thức một điều: sống trong xã hội, mọi người đều có những quyền lợi nhất định nhưng cũng có những nghĩa vụ nhất định, từ nghĩa vụ lao động, đóng thuế, chấp hành luật, tôn trọng quy tắc của cộng đồng… Nghĩa vụ quân sự là một nghĩa vụ thiêng liêng. Từ xưa đến nay, cả khi chưa hình thành nhà nước, ở bất kỳ cộng đồng nào, việc bảo vệ đất đai, lãnh thổ, bản làng cũng là nghĩa vụ của thanh niên (đặc biệt là nam giới). Vì vậy, người nào trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng ấy, người ta rất coi thường.

Một điều nữa cần lưu ý là trong sinh hoạt ở nhà trường, đoàn thể, cần cải tiến hình thức giáo dục thanh niên, làm sao cho sinh động để họ tiếp thu những tư tưởng đúng một cách nhẹ nhàng. Ở gia đình càng cần cởi mở, thân tình để giúp con em nhận thức được vấn đề. Các cấp ủy, chính quyền cần tạo điều kiện cho thanh niên tham gia bàn bạc và thực hiện các công việc chung để giáo dục ý thức công dân qua thực tế, để thanh niên thức tỉnh hơn về nghĩa vụ của mình.

Xưa, Trần Quốc Toản nhỏ tuổi, không được bàn việc nước, căm hận quân xâm lược, nghiến răng bóp nát quả cam mới được vua ban. Chẳng lẽ đến tận bây giờ người lớn chúng ta vẫn cư xử với thanh thiếu niên y hệt câu chuyện hơn 700 năm trước?

Cám ơn ông

bài và ảnh: Trung Dũng

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/182395/%e2%80%9cco-tam-ly-ngai-nhap-ngu-la-do-giao-duc-nuong-chieu%e2%80%9d.html