Có tận dụng được cú hích "Kong: Đảo đầu lâu"?

Câu chuyện với người Việt, đặc biệt là các cơ quan quản lý về du lịch không chỉ dừng lại ở mức độ yêu thích hay trầm trồ về bộ phim Kong: Đảo đầu lâu. Mà sau khi phim trình chiếu, chúng ta có thể làm được gì để lôi kéo khách du lịch quốc tế, kể cả khách trong nước đến với các địa danh này.

Cuối cùng thì sau rất nhiều thời gian chờ đợi, một bộ phim bom tấn của Hollywood được quay hầu hết bối cảnh tại Việt Nam cũng đã được trình chiếu chính thức tại các nước trên thế giới…

Ngay từ cảnh mở đầu phim Kong: Đảo đầu lâu, khán giả đã "mãn nhãn" hậu cảnh một Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp với cú máy ở tầm thấp trên một bãi cát trắng chạy dài. Và rồi sau khoảng hơn 20 phút mào đầu cho câu chuyện của một nhóm thám hiểm cùng quân đội đi khảo sát vẽ bản đồ ở một hòn đảo huyền bí ở Nam Thái Bình Dương, khán giả bắt đầu chính thức nhập cuộc với những hình ảnh lung linh đến mức “ngạt thở”, mà đoàn phim đã quay trong suốt một thời gian dài tại Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình.

Có thể nói, với bất kỳ ai xem bộ phim có yếu tố kỳ ảo như Kong: Đảo đầu lâu cũng sẽ có một cảm giác choáng ngợp với những hình ảnh chân thực mà ống kính ghi lại. Đặc biệt với khán giả Việt Nam, đó còn là một cảm giác tự hào, khi nhìn thấy hình ảnh đất nước mình xuất hiện trong một bộ phim được đầu tư đến 185 triệu USD.

Ngôi làng trong phim "Kong" trong phim trường ở Ninh Bình. Đoàn phim đã dỡ bỏ sau khi quay xong. Ảnh: CGV.

Cho dù câu chuyện của bộ phim chưa thật sự hấp dẫn vì đặt nặng yếu tố kỹ xảo và hành động, cũng như đất diễn không quá nhiều cho những tên tuổi Hollywood như diễn viên: Samuel L. Jackson, John Goodman, Tom Hiddleston, Brie Larson… thì Kong: Đảo đầu lâu vẫn là một bộ phim đáng nhớ về mặt cảm xúc với người Việt.

Tuy nhiên, câu chuyện với người Việt và đặc biệt là với các cơ quan quản lý về du lịch thì không chỉ dừng lại ở mức độ yêu thích hay trầm trồ về bộ phim. Mà sau khi phim trình chiếu, chúng ta có thể làm được gì để lôi kéo khách du lịch quốc tế và kể cả khách trong nước đến với các địa danh này.

Một trong những điều đáng tiếc nhất cho đến thời điểm bộ phim ra mắt là chúng ta không có được những TVC thật sự do chính các thành viên của đoàn làm phim Kong: Đảo đầu lâu thực hiện.

Cơ bản họ chỉ cần sử dụng một vài thước phim sẵn có trong bộ phim, cộng thêm một vài chia sẻ của chính các diễn viên ngay trên phim trường về việc đến Việt Nam thưởng ngoạn phong cảnh thì đã là một thông điệp quảng bá du lịch hoàn hảo.

Cũng may, ekip đoàn làm phim đã thực hiện vài clip ngắn nói về du lịch Việt Nam mà người viết có dịp xem ngay trong buổi ra mắt phim. Tuy nhiên, những clip này chỉ có thể phát sóng ở mức độ nào đó tại Việt Nam chứ không thể nào xuất hiện trên các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới được.

Chia sẻ với báo giới gần đây, bà Trần Thị Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: “Trước đây, khi đoàn phim quay tại Ninh Bình, tỉnh dự kiến khi đoàn rời đi sẽ để lại phim trường, để khai thác phục vụ thu hút du lịch, quảng bá hình ảnh. Nhưng đoàn phim dỡ luôn toàn bộ phim trường. Vì thế, tỉnh cũng khó khăn trong việc khai thác phim trường, cho khách đến tham quan trực tiếp”.

Và bà tâm sự về việc khai thác tiềm năng du lịch từ các địa danh của Ninh Bình xuất hiện trong phim: “Để khai thác được cũng phải là doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm hỗ trợ, chứ sở ngành địa phương không có khả năng”.

Trong khi đó, xuất phát từ nỗ lực cá nhân là Giám đốc một Công ty du lịch, các địa danh nổi tiếng của Quảng Bình, đặc biệt là hệ thống hang động Sơn Đoòng… đã được “tiếp cận” với thế giới thông qua rất nhiều sự kiện đặc biệt: Chương trình phát sóng trực tiếp Good Morning America từ Sơn Đoòng của kênh ABC đến 6 triệu thuê bao trên toàn nước Mỹ, tour Sơn Đoòng dành cho đại sứ các nước… Và vị này cũng là người “lôi kéo” đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của bộ phim Kong: Đảo đầu lâu chọn Quảng Bình là một trong những bối cảnh cho phim.

Nói như thế để thấy, nếu làm việc vì đam mê và tận hiến với mục tiêu lâu dài cho cộng đồng thì không gì là không thể.

Thậm chí, chỉ mới đây thôi, ngày 9.3.207 Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch mới thành lập Hội đồng để bỏ phiếu bầu cho đạo diễn Jordan Vogt-Roberts trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020. Đến chiều ngày 10.3 đã có quyết định chính thức từ lãnh đạo cao nhất của Bộ này. Và nghe nói dự kiến đến ngày 13.3 mới trao quyết định.

Lẽ ra, việc này có thể làm từ rất sớm để có sự chuẩn bị kỹ càng từ cả hai phía cho các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, chứ không phải làm cập rập vội vàng vì bộ phim vừa mới khởi chiếu. Chưa kể, đến thời điểm này, gần như người Việt Nam nào cũng mập mờ về kế hoạch quảng bá cho du lịch Việt nam của đạo diễn bộ phim, đặc biệt là trong “thời gian vàng” này.

Nói như vậy là vì, chỉ một ngày sau khi phim khởi chiếu trên toàn thế giới, rất nhiều công ty du lịch nổi tiếng thế giới mà điển hình là Exotic Voyages đã chào tour cho du khách quốc tế đến các địa danh Việt Nam xuất hiện trong phim. Rõ ràng, các công ty này đã đón đầu và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, họ “ăn theo” bộ phim một cách khoa học và bài bản chứ không làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.

Người viết cũng như rất nhiều người Việt Nam khác rất hy vọng rằng, cú hích lần này của bộ phim Kong: Đảo đầu lâu sẽ làm được nhiều hơn những gì có thể mong đợi với du lịch của 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Đặc biệt là với mảng du khách quốc tế.

Và để làm được điều đó thì từ cơ quan quản lý du lịch của địa phương cho đến Bộ chủ quản phải phối hợp với nhau tốt nhất có thể, với những kế hoạch chi tiết để chăm sóc từng du khách một.

Hãy xắn tay áo lên ngay từ bây giờ, như cách mà ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình - tiết lộ Quảng Bình đã đàm phán thành công với hãng phim để dựng 3 mô hình tượng tay quái vật Kong tại 3 địa điểm vốn là phim trường. Hay mở đường bay Đồng Hới - Chiang Mai, để đưa khách Thái Lan và quốc tế đến đây nhanh chóng.

Nguyễn Phong Việt

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/co-tan-dung-duoc-cu-hich-kong-dao-dau-lau-c8a506956.html