Cơ thể con người có 50% nguyên tử từ hành tinh khác

Theo một nghiên cứu mới, rất có thể gần một nửa số nguyên tử cấu tạo nên cơ thể chúng ta hình thành ở bên ngoài dải Ngân hà.

Gần một nửa cơ thể chúng ta được cấu tạo từ các nguyên tử đến từ bên ngoài dải Ngân hà

Gần một nửa cơ thể chúng ta được cấu tạo từ các nguyên tử đến từ bên ngoài dải Ngân hà

Theo các nhà khoa học thì có đến phân nửa vật liệu cấu thành thiên hà của chúng ta có thể đến từ những thiên hà "hàng xóm" sau những vụ nổ siêu tân tinh.

Kết quả của nghiên cứu này được các nhà thiên văn học rút ra sau khi họ mô phỏng trên máy tính cách mà thiên hà chúng ta phát triển trong hàng tỉ năm qua bằng cách hấp thụ một lượng lớn nguyên tử đến từ các thiên hà lân cận sau các vụ nổ siêu tân tinh.

Với kết quả này, các nhà khoa học cho rằng gần một nửa cơ thể con người được cấu tạo từ các nguyên tử không có nguồn gốc bản địa, được gió mặt trời và những luồng gió giữa các thiên hà mang đến Trái đất hàng tỉ năm trước. Những vụ nổ siêu tân tinh đẩy đi hàng tỉ tấn nguyên tử vào không gian, lực đẩy mạnh đến nỗi chúng thoát khỏi lực hấp dẫn của thiên hà của chúng và bắn phá thiên hà hàng xóm có kích thước lớn hơn.

Từ lâu các nhà thiên văn học đã biết rằng các nguyên tử từ thiên hà này có thể bay sang thiên hà khác, nhưng với mô hình mới được chạy thử nghiệm thì có tới khoảng 1 nửa số vật chất tạo nên dải Ngân hà là đến từ những thiên hàng nhỏ hơn.

Phần lớn khí Hydro và Heli sẽ dần chuyển hóa thành các ngôi sao mới, trong khi những nguyên tố nặng hơn lại trở thành các sao chổi, tiểu hành tinh và sự sống.

"Khoa học là rất hữu ích cho việc tìm kiếm vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Theo ý nghĩa nào đó, chúng ta là những du khách hay sinh vật nhập cư ngoài ý muốn của thiên hà chúng ta", nhà thiên văn học Daniel Anglés-Alcázar thuộc Đại học Northwestern ở Evanston, Illinois cho biết.

Các nhà khoa học đã cố tạo ra mô hình mô phỏng trên máy tính cách mà các thiên hà tiến hóa qua hàng tỉ năm. Họ nhận thấy rằng khi các vì sao phát nổ trong các thiên hà nhỏ hơn, các vụ nổ này tạo ra một đám mây bụi khổng lồ và bay sang các thiên hà gần đó có kích thước lớn hơn. Dải Ngân hà của chúng ta mỗi năm hấp thụ rất nhiều lượng vật chất phi thiên văn này.

"Điều đáng ngạc nhiên là gió thiên hà đóng góp số lượng lớn vật liệu hơn chúng tôi nghĩ. Về nghiên cứu sự tiến hóa của thiên hà, chúng tôi rất vui mừng với kết quả này. Nó cho thấy hình thức phát triển thiên hà mới mà chúng tôi chưa xem xét được trước đây", ông Anglés-Alcázar cho biết thêm.

Theo Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh, mô hình mới cho thấy các luồng gió liên hành tinh có thể di chuyển đưa vật liệu đi xa tới 1 triệu năm ánh sáng sang một thiên hà khác.

Claude-André Faucher-Gigùere, một nhà thiên văn học tham gia nghiên cứu mới này cho hay là trước đây các nhà thiên văn học tin rằng các thiên hà phát triển chủ yếu bằng cách hấp thụ những vật liệu còn sót lại sau vụ nổ Big Bang.

"Những gì chúng tôi không lường trước là khoảng một nửa số nguyên tử trong dải Ngân hà của chúng ta có nguồn gốc từ những thiên hà khác. Điều này làm chúng ta cảm thấy như mình có thể có nguồn gốc từ nơi nào đó rất xa xôi trong vũ trụ", ông Faucher-Gigùere cho biết.

"Rõ ràng nguồn gốc của chúng ta ít bản địa hơn chúng ta nghĩ", ông Faucher-Gigùere kết luận.

Ái Vi

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/co-the-con-nguoi-co-50-nguyen-tu-tu-hanh-tinh-khac-68100.html