Có thể thu tiền tỉ từ cây khóm

Cây khóm (còn gọi là thơm, dứa) không mấy xa lạ với nhiều người trồng. Cây khóm có thể sống tốt ở đất phèn, đất đồi núi. Gần đây nhiều nông hộ làm giàu từ loại cây này, điển hình như ông Dương Văn Thanh, ở Hậu Giang mỗi năm thu trên 80 tỉ đồng từ trồng khóm. Tiền Giang cũng quy hoạch gần 10.000 ha diện tích trồng khóm tại huyện Tân Phước. Nhiều nông hộ giàu lên từ cây khóm dù đất phèn mặn.

Bón phân là quan trọng nhất

Kinh nghiệm của nhiều người trồng loại cây này là kỹ thuật bón phân. Bởi cây khóm thích hợp với đất phèn, nhưng cũng ở mức vừa phải, không quá nhiều phèn, và dĩ nhiên cần nhiều loại phân bón hỗn hợp khác để vừa không bị úng, vừa cho năng xuất cao và trái ngọt, thơm.

Bón phân là khâu quan trọng. Kinh nghiệm của nhiều người trồng cho thấy, khi trồng cần lót, bón trước khi trồng 3 - 4 ngày. Loại phân bón dùng để bón lót: phân chuồng hoai: 10 tấn/ha (500kg/500m2; 360kg/360m2); hỗn hợp trung, vi lượng chuyên dùng cho cây khóm; Urea: 120 - 140kg/ha (6 - 7kg/500m2; 4 - 5,5kg/360m2); Lân nung chảy (Hoặc Supe lân): 180 - 220 kg/ha (9 - 11kg/500m2; 7 - 9kg/360m2); Kali Sunphat (hoặc Kali Clorua): 170 - 190kg/ha (8,5 - 9kg/500m2; 6 - 7kg/360m2).

Cách bón: Trộn đều các loại phân NPK và phân trung, vi lượng trước khi bón; bón NPK và phân chồng hoai sau đó rải một lớp đất mỏng trước khi đặt chồi dứa. Bón thúc lần 1: 2 - 3 tháng sau khi trồng (khi dứa (thơm) bén rễ) - lưu ý: không dùng Kali Clorua

+ Đạm Urea: 130 - 150kg/ha (6,5 - 7,5kg/500m2; 4,5 - 5,5kg/360m2).

+ Kali sunphat: 60 - 100kg/ha (3 - 5kg/500m2; 2 - 4kg/360m2)

Bón (tưới) thúc lần 2: 5 - 6 tháng sau khi trồng,

+ Đạm Urea: 200 - 250kg/ha (10 - 12,5kg/500m2; 7 - 9kg/360m2).

+ Kali sunphat: 60 - 100kg/ha (3 - 5kg/500m2; 2 - 4kg/360m2)

Bón (tưới) lần 3: trước khi xử lý ra hoa 2 tháng bón như lần 1.

+ Đạm Urea: 130 - 150kg/ha (6,5 - 7,5kg/500m2; 4,5 - 5,5kg/360m2).

+ Kali sunphat: 120 - 160kg/ha (6 - 8kg/500m2; 4 - 6kg/360m2).

- Không nên bón đạm (N) sau khi cây đã có quả.

Có thể phun bổ sung công thức 50gr hỗn hợp N-P-K-MgO theo tỷ lệ 10 - 0 - 0 - 16 MgO + 10gr NaCaB5O9 + 10gr Ca(NO3)2 trong bình phun 8 lít nước, 1 tháng phun một lần. Ngừng phun cho cây trước khi hoa nở.

Chăm sóc thường xuyên

Dùng thuốc hóa học: sử dụng Diuron 2 - 3kg/ha, lượng nước phun thuốc thường 1000 - 3000 lít. Dung dịch thuốc phun trải đều trên bề mặt đất để diệt cỏ. Cũng có thể dùng máy cắt cỏ

Quá trình canh tác cần tuân thủ một số kỹ thuật như: cần cày xới chôn vùi gốc cỏ, đất được phơi nắng ít nhất 1 - 2 tháng. Trước khi trồng bề mặt líp được phủ kín bằng rơm, xác bã thực vật, hoặc mũ bạt nilon. Đối với vùng dứa miền Trung và các tỉnh phía Nam, bức xạ mặt trời tốt nên trồng đúng mật độ để hạn chế cỏ dại mọc chen vào giữa.

Tỉa chồi cuống và chồi ngọn. Chồi cuống hình thành tồn tại cùng với quả có thể dùng tay hoặc dao tách nhẹ vào giai đoạn các mắt dứa ở đáy quả bắt đầu phát triển. Đối với chồi ngọn, tỉa 2 tháng trước khi thu hoạch (lúc kích thước đạt 1/4 đến 1/2 kích thước quả) dùng phương pháp phá hủy đỉnh sinh trưởng bằng móc sắt hay nhỏ 2 giọt axit HCl hoặc 2 giọt dầu hỏa vào chồi non.

Gần đây, nhiều người trồng cũng chọn cách cho hoa trái vụ vì bán được giá. Kỹ thuật này đòi hỏi phải có kinh nghiệm và nắm chặt quy luật cũng như thời gian sinh trưởng của khóm.

Cây khóm đòi hỏi có nhiều loại hóa chất để xử lý khác nhau vừa chống dịch bệnh vừa cho trái thơm ngon lại không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, khi sử dụng cần tuân thủ kỹ thuật. Kinh nghiệm của nhiều người trồng cho thấy: có thể sử dụng đất đèn (CaC2) ở 2 dạng: hòa vào nước, nồng độ 1,0 - 1,5% phun trực tiếp vào nõn (khoảng 40 - 50ml dung dịch cho 1 cây) hoặc đập nhỏ thành viên (khoảng 1,0 - 1,5gr/viên) bỏ trực tiếp vào nõn dứa sau khi đã tưới nước. Xử lý vào ban đêm cho tỷ lệ ra hoa đạt cao nhất.

Đối với ethrel (còn gọi là ethephon) chỉ sử dụng dạng dung dịch, pha ở nồng độ 0,5% trộn thêm 1,5% urê phun đều cho toàn cây, lượng phun khoảng 2000 lít/ha. Xử lý khi trời dâm mát hoặc xử lý vào ban đêm.

Còn một lưu ý nữa là chống cháy nắng trên quả. Giai đoạn quả phát triển gặp ánh sáng có bức xạ quá cao, vỏ quả sẽ bị cháy vàng trước khi quả chín, nên bố trí trong lô dứa hàng cây phân xanh thân gỗ che bóng kết hợp sử dụng cỏ khô, rơm, năng... đậy trên chồi ngọn đối với nhóm dứa Queen. Lá của dứa Cayenne khá dài nên có thể kéo nhiều lá lên trên đỉnh quả dùng dây buộc túm lại.

Hoàng Huy

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/co-the-thu-tien-ti-tu-cay-khom-563210.ldo