Có thể tránh xâm hại tình dục cho trẻ em được không?

Ngoài việc cung cấp cho trẻ các kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ, trẻ còn được sinh hoạt trong các câu lạc bộ, được đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp... để tránh các nguy cơ xâm hại tình dục.

Đó là thông tin được Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision Vietnam) đưa ra tại lễ khởi động dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em tổ chức ngày 6.1

Bà Thân Thị Hà – Giám đốc điều hành các chương trình của Tầm nhìn thế giới dẫn chứng từ số liệu được Bộ Công an công bố trước đó tại tọa đàm Chính sách bảo vệ trẻ em (tổ chức tháng 3.2016), chỉ tính từ năm 2011 – 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Gần 74% số trẻ em từ 2 – 14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.

Chỉ tính từ năm 2011 – 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em (minh họa: nguồn IT)

Nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại tình dục ngày càng nhiều theo bà Hà phần lớn là do nhận thức của gia đình và chính trẻ em về vấn đề này con hạn chế. “Rất nhiều gia đình của trẻ từng là nạn nhân chúng tôi tiếp xúc có bố mẹ đi làm xa khỏi địa phương hoặc bố mẹ nhờ gửi con cho người thân là ông, bà, cô, dì, chú bác. Bản thân bố mẹ không thể lường được chính những người thân quen lại là một trong những nguy cơ gây bạo lực, xâm hại đối con cái mình” – bà Hà nói.

Để bảo vệ trẻ em tránh các nguy cơ bị buôn bán, xâm hại, bóc lột và các hình thức bạo lực khác, bà Trần Thu Huyền – Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” sẽ cung cấp cho trẻ các kiến thức và kỹ năng để bảo vệ mình và phòng chống mua bán người thông qua các hoạt động câu lạc bộ, đào tạo nghề, khởi nghiệp nhỏ, trợ giúp cá nhân và các hoạt động khác…

Dự án này sẽ được thực hiện đến năm 2020 tại bàn 17 xã thuộc các huyện Lục Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và các huyện Mường Chà, Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Tổng kinh phí dự kiến của dự án là 1,56 triệu USD.

“Trẻ em sau khi được đào tạo sẽ có khả năng tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ mua bán và các hình thức bạo lực khác. Nạn nhân bạo lực là trẻ em sẽ được trang bị kỹ năng để trở thành những phát ngôn viên, lên tiếng trong các cuộc đối thoại với các đối tác liên quan” – bà Huyền nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/co-the-tranh-xam-hai-tinh-duc-cho-tre-em-duoc-khong-736491.html