Có thực sự 'chữa lành' được không?

'Chữa lành' là cụm từ quen mắt trên mạng xã hội, quen tai ở vỉa hè, và cả trong công sở gần đây. Chẳng lẽ cuộc sống lại đang trở nên khắc nghiệt đến thế sao khi mà rất nhiều người thấy mình đang có những 'vết rách' cần phải 'chữa lành'?

Khi mà chúng ta đang chủ trương xây dựng những con người mới trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH, có kiến thức cao, chiều sâu văn hóa, bản lĩnh và trách nhiệm, mà lại có nhiều người đòi đi “chữa lành”, chả hóa ra chúng ta đang vô tình trở thành một “thế hệ bệnh nhân” hay sao? Với một số cá nhân lạm dụng điều đó, nó không chỉ dừng lại ở bệnh lý nữa, mà trở thành căn bệnh tâm lý.

Trước đây, thế hệ ông bà chúng ta, và ngay cả những người ở lứa tuổi U40, 50 hiện nay cơ bản đều là những người dám chấp nhận khó khăn, thử thách. Nhiều người trong số họ luôn biết đấu tranh để chiến thắng hoàn cảnh, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp tích cực vào ổn định xã hội. Dĩ nhiên là không phải không có những cá nhân bi lụy, mặc cảm, đổ vấy cho cuộc sống, và bị những điều tầm thường trong cuộc sống cuốn đi. Nhưng kể cả có như thế, thì nó cũng chẳng trở thành một trào lưu, xu hướng, đổ xô đòi hỏi phải thế này, phải thế kia, dù rằng chỉ là nói đùa.

“Chữa lành” có thể chỉ là cách nói phản ánh một yêu cầu thực tế nhằm tái tạo sức khỏe, tâm hồn của con người. Nhưng phần lớn cụm từ này thể hiện trong những ngày qua được xem là sự “đu” theo nhau để gây sự chú ý trên mạng xã hội, và trước đám đông. Một số chuyên gia cho rằng, căn nguyên của những bệnh tâm lý ấy là do con người quá lệ thuộc vào thế giới ảo. Trong một thế giới được kết nối với internet, cuộc sống cá nhân bị phơi bày càng có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý khi phải chứng kiến những lời chỉ trích, tấn công, bắt nạt người khác hay với chính mình.

Thay vì phấn đấu, vượt lên những điều đó, thì nhiều người trẻ lại tự dằn vặt, bi kịch hóa hiện thực. Đôi khi chỉ là những việc rất nhỏ không ứng ý, hoặc không được như ý cũng có biểu cảm rất khó hiểu, rồi đòi được “chữa lành”. Hình ảnh băng đen bỗng nhiên xuất hiện trên trang cá nhân của ai đó cốt chỉ để thỏa mãn trạng thái tâm lý không vui của chủ nhân thay cho lẽ ra đó là thông báo trạng thái gia đình có tang sự để mọi người chia buồn.

Những thứ biểu cảm dễ dãi tương tự như thế có lẽ cần phải được chủ nhân của nó tự “chữa lành” thay cho việc phải đi “chữa lành” ở một nơi nào đó, với ai đó.

Tất nhiên cũng có những hoàn cảnh bi kịch thật sự, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn sức khỏe. Họ có nhu cầu hàn gắn để tái tạo tâm hồn, tăng cường sức khỏe. Nhưng liệu rằng chỉ lên mạng xã hội để... đi “chữa lành” như thế có giúp ích được gì không? Ở một thế giới đầy ảo tưởng và “quyền lực rơm” các thành viên tham gia có thể giúp cân bằng tâm lý, gợi ý những liệu pháp lấy lại sức khỏe, nhưng cũng có thể là tác nhân đưa bạn đến tình trang “rách nát” hơn.

Còn nữa, có những người chọn các hoạt động xã hội hay lên chùa để hy vọng vào việc “chữa lành” tâm hồn. Đó đều là những liệu pháp không tồi. Sống trong thế giới từ bi, hỉ xả, tắm mình trong câu kinh, tiếng kệ, giúp lòng người bớt ưu tư, gột trôi uẩn khúc lòng người, nhưng cũng chỉ là cảm giác nhất thời...

Trước nhu cầu “chữa lành” cả trong cuộc sống thực và trên thế giới ảo, đã sinh ra những dịch vụ “chữa lành” ở khắp nơi, mà tính pháp lý, sự nghiêm túc, thì lại chưa được kiểm chứng. Có lẽ, để “chữa lành”, hơn tất cả, phải là sự tự giác ngộ thông qua ý chí, sự nghiêm túc với bản thân. Vậy nên, hãy nghiêm túc với việc “chữa lành” để không tạo ra một miền đất béo bở cho những kẻ cơ hội trục lợi, còn mình lại có nguy cơ trở nên “rách” hơn.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-thuc-su-chua-lanh-duoc-khong-213892.htm