Cờ tị nạn, người giả tưởng, mũ len hồng… đoạt giải thưởng thiết kế thế giới?

Những thiết kế mang đậm hơi thở chính trị vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong Giải thưởng thiết kế của năm Beazley 2017.

Hôm 16/8, những tác phẩm tham gia tranh tài trong cuộc thi Giải thưởng Thiết kế của năm Beazley 2017, vừa được công bố tại Bảo tàng Thiết Kế London. Trong mùa thứ 10 của mình, Giải thưởng Beazley, một trong những danh hiệu uy tín trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế, bao gồm 6 hạng mục: sản phẩm, giao thông, đồ họa, thời trang, kỹ thuật số và kiến trúc.

Những tác phẩm giành chiến thắng trong các kỳ Beazley trước có thế kể đến tấm poster chân dung ông Barack Obama với dòng chữ “Hope”, đài đốt đuốc tại Olympics London 2012…

CNN dẫn lời Glenn Adamson, một giám tuyển tại Bảo tàng Thiết kế cho biết, mặc dù giải Beazley thường phản ánh các vấn đề đương đại, các tác phẩm tranh tài năm nay lại xoay quanh các chủ đề đặc biệt nặng nề.

“Có rất nhiều tác phẩm khó hiểu tại đây. Cảm giác như triển lãm năm nay mang một sức mạnh đặc biệt,” Adamson nói. “Nhưng thật tuyệt khi thấy rằng thiết kế có thể tạo ra được sự khác biệt.”

Người xem có thể cảm nhận được một năm đầy biến động của chính trị thế giới thông qua một số đề cử như tấm poster ủng hộ chiến dịch chống lại Brexit, thư viện cho phép người sử dụng tự thiết kế các biển hiệu phản đối, chiếc mũ hồng sử dụng trong cuộc biểu tình của phụ nữ chống lại Tổng thống Trump trên khắp thế giới…

Một thư viện tại Chicago cho cung cấp không gian và thiết bị để người dùng có thể tự tao ra các banner, poster thể hiện chính kiến của mình

Hàng trăm nghìn người phụ nữ trên khắp thế giới đã đội mũ len hồng và xuống đường biểu tình để chống lại những lời bình luận của Tổng thống Trump về phụ nữ

Sau khi giải thưởng cao nhất của năm ngoái được trao cho một căn phòng tháo ra lặp vào được dành cho người tị nạn của hãng Ikea, năm nay, cuộc khủng hoảng nhập cư tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế. Lọt vào danh sách tranh tài cuối cùng còn có một dự án nhà tạm thời, máy bay không người lái cứu hộ và một lá cờ được sử dụng bởi đội tuyển tị nạn Olympic.

“Lá cờ là một hình ảnh rất có sức hút bởi vì bản thân (nhà thiết kế người Syria) Yara Said đã phải rời bỏ quê hương và chạy đến châu Âu bằng thuyền,” ông Adamson nói. “Giờ đây lá cờ đang được sản xuất bởi chính những người tị nạn, góp phần tạo công ăn việc làm cho họ. Vì vậy, nó là một thiết kế mang tính thời đại.”

Lá cờ được đội tuyển các vận động viên tị nạn sử dụng tại Olympics Rio 2016. Màu da cam lấy cảm hứng từ chính những chiếc phao cứu nạn trên biển

Các poster phản đối quyết định Anh rời khỏi EU

Danh sách tham gia tranh giải thưởng lớn năm nay cũng bao gồm một số tác phẩm không mang nhiều màu sắc chính trị, nhưng lại không kém phần ấn tượng như: Pokemon Go, mũ trùm đầu cho phụ nữ theo đạo Hồi của Nike và xe tự lái in 3D đầu tiên trên thế giới…

Bộ đồ thể thao kèm khăn trùm đầu dành cho nữ vận động viên theo đạo Hồi của Nike

Xe bus tự lái Olli

Dụng cụ bếp có thiết kế 3D

Căn nhà siêu nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi tại một góc phố giữa thủ đô Bắc Kinh

Trò chơi gây sốt Pokemon Go

Danh sách tác phẩm đoạt giải sẽ chính thức được công bố vào ngày 25/1 năm sau.

(Theo CNN)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/co-ti-nan-nguoi-gia-tuong-mu-len-hong-doat-giai-thuong-thiet-ke-the-gioi-250423.html