Cổ tích của chàng khờ

(NLĐO)- Làm giỗ 8 năm thì gia đình phát hiện anh chưa chết, họ tức tốc lên đường đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng xác minh. Niềm vui vỡ òa cùng tiếng hét “Nó còn sống” khi trước mặt họ là người em cùng cha khác mẹ thất lạc 10 năm trời.

Trời thương chàng khờ Đấy là câu chuyện xúc động của gia đình anh Đỗ Minh Can (41 tuổi, ngụ xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), từng là bệnh nhân tâm thần được nuôi dưỡng tại Khu tâm thần của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Nhớ lại những ngày tìm kiếm thân nhân cho anh Can, cô Trần Thị Nguyệt Thanh, cán bộ quản lý Khu người già, không khỏi xúc động: “Gần một tháng gọi điện hỏi thăm khắp các cơ quan chức năng huyện Núi Thành nhưng không có tin tức gì. Còn may trời thương chàng khờ, chị Trần Thị Lanh, cán bộ xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, chợt nhớ lại có một chàng khờ tên Can thường gánh chuối ngồi trước nhà chị bỗng bặt vô âm tín từ năm 2000. Chị tức tốc chạy đến nhà chàng khờ báo tin. Trong đêm 3-4-2010, gia đình anh đón xe từ Quảng Nam lên Lâm Đồng. Họ mừng mừng tủi tủi nhận nhau. Can đứng chết lặng gần 10 giây rồi nước mắt tuôn như mưa”. "Chàng khờ" Đỗ Minh Can đã "được" cúng giỗ 8 năm Cả gia đình bốn người ôm nhau khóc, khóc xong lại nhìn nhau không nói nên lời. Họ nhìn cho kỹ từng đường mi khóe mắt của anh Can. “Thằng Can mập hơn, rứa mà chị cứ lo”, chị Đỗ Thị Sương, chị thứ bảy của anh Can xúc động nói. Còn người anh thứ sáu Đỗ Sen trách yêu: “Mi ở đây mà sao không báo tin về nhà, làm cả nhà tưởng mi chết, thờ cúng 8 năm trời. Mi hư lắm Can à!”. 8 năm giỗ và một hy vọng mong manh Cô Nguyễn Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, cho biết anh Can được công an TP Đà Lạt đưa vào đây ngày 2-3-2003 theo diện người lang thang được thu gom. Hồ sơ khi nhận vào ghi rõ: bệnh nhân tâm thần, bị câm. “Mới đưa vào, anh này ốm lắm. Do không có giấy tờ tùy thân nên mọi người gọi anh là chàng Câm. Là bệnh nhân tâm thần nhưng anh hiền lành, ít quậy phá, không bao giờ nói chuyện, được cách ly khỏi khu tâm thần 2 năm nay”, cô Trang kể. Điều kỳ lạ xảy ra vào ngày 20-3-2010, anh Câm đột nhiên đến gặp cô Trang và xin về nhà. Dù thấy ít hay vọng, trung tâm vẫn cho anh viết đơn. Anh khai rõ tên Đỗ Minh Can, xin về quê ở thôn 3 huyện Núi Thành, Quảng Nam – Đà Nẵng để thăm người thân. Thậm chí anh còn xuất trình CMND mang tên mình, trong đó có ghi quê anh ở thôn 4, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam- Đà Nẵng. Lần theo những thông tin này, toàn thể cán bộ trung tâm gọi điện tìm kiếm thông tin từ tỉnh Quảng Nam xuống đến huyện Núi Thành và xã Tam Hiệp. Anh Can (ngồi giữa) đoàn tụ cùng gia đình ở trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng “Thế nhưng, cán bộ xã Tâm Hiệp nói thôn 4 đã hai lần chuyển thành thôn 9 và bây giờ là thôn Vân Thạch nên các trưởng thôn không tìm ra. Hy vọng rồi thất vọng, nhưng nhìn ánh mắt khao khát gia đình của Can, chúng tôi kiên trì tìm kiếm. Cuối cùng nhờ cô Trần Thị Lanh, cán bộ xã Tam Hiệp, mà chàng khờ Can đoàn tụ người thân”, cô Trang vui mừng kể. Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, ông Đỗ Sen run run nói: “Hơn 70 tuổi nhưng chưa bao giờ tôi hồi hộp như phút giây chờ gặp em mình. Thằng em theo tôi gánh chuối, gánh củi trên rẫy từ khi mới lớn đến lúc chuẩn bị lập gia đình. Trong nhà hắn là người ít nói, hơi cộc tính nhưng hiền lành. Gia đình mai mối lấy vợ, đám hỏi xong nhưng duyên không thành nên hắn buồn bỏ nhà đi vào cuối năm 1999. Tôi đốt đuốc hai ngày ròng mới tìm thấy hắn tá túc ở rẫy khác. Sau hắn bỏ đi luôn rồi nghe tin hắn đi đãi vàng ở huyện, hầm vàng sập đè hai người chết mất xác. Từ đó tôi cúng giỗ cho hắn, đến nay đã 8 năm rồi”. Gia đình rất mong mỏi được đưa anh Can về đoàn tụ, nhưng sợ anh về nhà nhớ đến chuyện buồn lại tái phát bệnh cũ nên tạm thời vẫn để anh tá túc tại trung tâm. "Chờ hắn tỉnh trí hẳn cả nhà sẽ đón hắn về. Ai cũng mong chờ đến ngày đó", ông Sen nói.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100903025436644p0c1002/co-tich-cua-chang-kho.htm