“Cờ” trong tay Cty chứng khoán

Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng thị trường cũng đã đón nhận những thông tin rõ ràng hơn về khả năng triển khai giao dịch T+2. Hiện các khung pháp lý đã có hoặc sẵn sàng ban hành để chính thức hóa hoạt động này.

Vấn đề còn lại là sự chuẩn bị của CTCK đến đâu sẽ quyết định tiến độ triển khai thực tế. PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN). - Được giao dịch CK sớm hơn T+4 là nhu cầu bức thiết của thị trường. Vậy tại sao tiến độ triển khai giao dịch T+2 lại chậm trễ như vậy? - Để triển khai giao dịch T+2 cần phải xử lý hai vấn đề. Thứ nhất là khung pháp lý. Theo quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán CK ban hành kèm quyết định 87.2007, trung tâm lưu ký chưa được phép quản lý đến từng tài khoản của NĐT và NĐT chỉ được bán khi CK đã có trên tài khoản. Vấn đề này đã được xử lý: Ngày 25.3, Bộ Tài chính đã ký thông tư sửa đổi, bổ sung quyết định 87. Thông tư này cũng cho phép UBCK ra hướng dẫn về giao dịch T+2. Thông tư này sẽ có hiệu lực sau 45 ngày nữa. Như vậy, UBCKNN có thể ra quyết định cho phép giao dịch T+2 và có hiệu lực ngay lập tức. Thứ hai là khả năng đáp ứng công nghệ của CTCK, trung tâm lưu ký và ngân hàng lưu ký. Mong muốn áp dụng sớm là một chuyện, nhưng vấn đề quan trọng là công nghệ có đáp ứng được không. Việc chỉnh sửa phần mềm cần một thời gian nhất định. Tiến độ nhanh hay chậm lúc này phụ thuộc vào các thành viên thị trường. UBCK không muốn kéo dài thời gian cho áp dụng T+2, mà là muốn thời điểm hợp lý để đảm bảo hệ thống an toàn và đủ khả năng đáp ứng. - Vậy dự kiến thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài bao lâu và khả năng thực hiện của CTCK như thế nào, thưa ông? - Hiện tại, trung tâm lưu ký đã hoàn thành hệ thống của mình để có thể giám sát đến từng tài khoản. Vừa qua, UBCKNN đã mời 3 CTCK tham gia thí điểm và các CTCK này đều khẳng định hệ thống có thể chỉnh sửa nhanh trong vòng 1-2 tháng. Ngoài điều chỉnh phần mềm, hệ thống cần bổ sung một số tài khoản hạch toán CK trên đường về để đảm bảo quản lý giám sát của TTLK, xử lý một số vấn đề hoàn tất đối chiếu giao dịch trong ngày T+1, giao dịch sửa lỗi cũng như thực hiện quyền... Tại cuộc gặp gỡ với gần 100 CTCK ngày 24.3, nhìn chung các Cty đều nhất trí kế hoạch triển khai. - Một số CTCK cho rằng, không cần thiết phải đặt ra các tài khoản phụ để kiểm soát số dư và nên để cho CTCK tự làm, như vậy sẽ không cần chỉnh sửa hệ thống? - Nếu CTCK tự quản lý số dư thì không khác gì hiện tại. Vừa qua, một số CTCK tự vượt rào cho phép bán T+ mà TTLK không biết được do CTCK chỉ chuyển kết quả lên mà thôi và TTLK chỉ quản lý số dư tổng, còn CTCK tự bù đắp cân đối số dư bằng các nguồn khác nhau. Điều này rất rủi ro, vì thực tế đã có nhiều tranh chấp. CTCK có thể vì lợi ích cá nhân và nói họ tự làm được, không cần điều chỉnh hệ thống gì. UB muốn đảm bảo một cơ sở pháp lý, quy trình thống nhất. - Vậy có khả năng dù cho phép T+2 thì các dịch vụ dành cho khách VIP như T+0, T+1 vẫn tồn tại? - Khi giao dịch T+2 được áp dụng thì tất cả các giao dịch bán trước T+2 đều sai luật. Với phần mềm hệ thống hoàn chỉnh, có khung pháp lý cho giám sát tới từng tài khoản thì UBCKNN sẽ theo dõi và có cơ sở xử lý nghiêm khắc các giao dịch vượt quy định, ví dụ cho bán trước T+2. Hiện TTLK đã hoàn chỉnh xong phần mềm cho phép theo dõi đến từng tài khoản. Cơ sở pháp lý đã có. Đây là công cụ giúp thị trường minh bạch hơn. Với hệ thống giám sát mới, hoàn toàn có thể theo dõi được ngay và có bằng chứng để xử lý. - Thời gian chuẩn bị của các thành viên thị trường tối thiểu là 2 tháng, vậy nếu sau thời hạn này vẫn có CTCK chậm trễ thì xử lý như thế nào? - UBCK sẽ căn cứ vào tiến độ thực tế để ra quyết định. Rõ ràng không thể chờ đợi cả 100 CTCK đều đáp ứng yêu cầu mới áp dụng. Chẳng hạn nhận thấy số lượng CTCK đủ điều kiện triển khai có một lượng thị phần đủ lớn, ví dụ 50-75% là có thể cho áp dụng ngay. Rõ ràng không thể chỉ vì một số ít các Cty không chịu hiện đại hóa công nghệ hay chậm trễ vì lý do nào đó mà để cả thị trường phải chờ đợi, cũng giống như áp dụng giao dịch trực tuyến vậy. Hiện tại có 7 nhà cung cấp phần mềm. Nếu 7 Cty này tập trung thì khả năng chỉnh sửa không lâu. Một số Cty cho biết, hệ thống của họ thiết kế đã sẵn sàng cho giao dịch T+ và chỉ cần chỉnh sửa một chút là thực hiện được ngay. Nếu các Cty nỗ lực hợp tác thì chỉ khoảng 2 tháng là làm xong.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/co-trong-tay-cty-chung-khoan/20103/178735.laodong