Cỏ

Bỏ công tìm kiếm cuối cùng chỉ thấy cỏ là có loài biết xấu hổ, các loại cây thân gỗ, đại thụ hay họ tre nứa, rồi các 'con' chẳng thấy giống nào có tên 'Xấu hổ'.

Bài viết này được viết từ giữa tháng 7, gần cuối tháng gia đình vào Tiền Giang tìm mộ chú em liệt sĩ hy sinh năm 1972, tính tổng cộng đã có 4 lượt gia đình đi tìm nhưng chưa thấy.

Nghĩa trang một xã mà có tới 48 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, đa số là bộ đội miền Bắc hy sinh trên địa bàn xã. Chú em kết nghĩa tên là Trọng quê ở xã Bình Phục Nhứt huyện Chợ gạo nhìn hoài hộp vàng mã mang từ Bắc vào rồi bảo:

“Trong này không ai làm giày mũ cúng liệt sĩ đẹp như ngoài Bắc, sang năm đến dịp 27/7 anh chị gửi một ít vào để chúng em mang ra nghĩa trang cúng các liệt sĩ”.

Khi gia đình quay ra bắc thì ngày 27/7 đã trôi qua, đọc bài của tác giả Trần Hoài đăng trên báo điện tử Qdnd.vn [1] có đoạn:

“Tôi cùng thương binh Nguyễn Tứ Quý đi vào bãi cỏ xanh Thành cổ Quảng Trị, cố tìm đúng vị trí ông đã bị thương - nơi ông đã để lại đó một cánh tay.

Đây này. Chỗ này là nơi tôi đã dùng B40 tiêu diệt một ổ hỏa lực thủy quân lục chiến địch! Còn chỗ nào quả pháo 105mm rơi xuống nổ làm tôi bị thương... Chỗ nào nhỉ?

Lá cỏ xanh, sắc, cứa vào da ram ráp. Trong mắt tôi, dường như cỏ xanh hơn, cứng hơn rất nhiều. Bởi chúng được mọc lên từ máu xương của biết bao liệt sĩ, của những người mà tôi đang được vinh dự đứng cạnh đây”.

Lại nhớ đến bài hát “Cỏ non thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền, lời bài hát có đoạn:

“Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ
Bình minh thành cổ cỏ mềm theo gió đưa.
….
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ
Cỏ xanh non tơ - cỏ xanh non tơ
Xin chớ vô tình với người hy sinh
Trên mảnh đất quê mình”.

Hai tác giả, người bảo “Lá cỏ xanh, sắc, cứa vào da ram ráp”, người lại bảo “cỏ mềm theo gió đưa” thế mà ai cũng đúng. Thế là ngồi viết một mạch về "cỏ", nếu có lộn xộn xin bạn đọc được thông cảm.

Trong số các loài thực vật hiện hữu trên trái đất “bộ Cỏ” hay “bộ Lúa” - các nhà khoa học gọi chung là bộ Hòa thảo (danh pháp khoa học: Poales) là loại phổ biến nhất.

Đây là loại thực vật thân mềm (thân thảo) khác với các loại thân gỗ hoặc thực vật cấp thấp như tảo, địa y… Dân gian có cách phân loại cỏ rất đơn giản: cỏ dại và cỏ … không dại.

Có hẳn một định nghĩa về “cỏ dại” trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Cỏ dại là một loại cây được coi là không mong muốn trong một tình huống cụ thể, một loài thực vật ở sai vị trí".

Đều là một giống cỏ có khi được chăm bẵm, được bảo vệ, được đặt tại những nơi trang trọng nhưng cũng có lúc bị con người ghét bỏ, bị tận diệt.

Những bông hoa cỏ lau được cắm trong bình, được trang trí trong phòng khách, trở thành một thứ gọi là “nghệ thuật”. Trên cánh đồng chúng bị nhổ tận gốc, bị đốt trụi để cây trồng phát triển.

Các nhà thơ lấy cỏ may làm hình tượng nghệ thuật để nói về nỗi vương vấn với người đi xa; người làm đồng về nhà không khỏi bực mình vì cỏ may bám đầy ống quần, dùng lưỡi dao gạt một cái, tất cả cỏ may rơi vung vãi.

Cỏ gà là ngọn cỏ bị sâu ký sinh, ấu trùng sâu xâm nhập khiến các lá ở ngọn cỏ cuộn lại to cỡ hạt lạc, lũ trẻ chăn trâu ngày xưa đứa nào cũng có một nắm cỏ gà để chọi nhau.

“Chọi” cỏ gà là cầm cuống cỏ đập mạnh vào “cỏ” của đứa khác, nếu phần đầu to của ngọn cỏ bị rơi là thua. Đứa khôn chìa cuộng cỏ thật dài, khi bị “chọi” cuống cỏ cong đi chẳng mấy khi rụng đầu.

Chọi cỏ gà chẳng có gì ghê gớm, chẳng mang lại lợi lộc gì thế mà cũng có khi nổi cáu đánh nhau bầm tím, xem ra chẳng mấy khi “chọi” mà không hiếu thắng dẫu chỉ là chọi cỏ với cỏ.

Trên thảo nguyên, trong các đồng cỏ châu Phi, đa phần cỏ chỉ bò lan sát mặt đất, dù là nguồn thức ăn nuôi sống lũ ngựa vằn, linh dương đầu bò, voi, hà mã,… song bọn thú hoang luôn dẫm nát cỏ, luôn xem cỏ nằm dưới chân mình như là lẽ tự nhiên trời đất sinh ra đã như vậy.

Lũ thú hoang đương nhiên chẳng biết gì là lý lẽ, chúng chỉ biết một điều, đã là cỏ thì phải nằm sát đất, phải trở thành thức ăn để chúng tích đầy dạ dày, còn việc cỏ mọc hay tàn là việc của trời.

Những bộ phim về thiên nhiên hoang dã quay cảnh đồng cỏ cháy ngùn ngụt sau khi bị sét đánh, tất cả đều thành tro bụi, những con thú không kịp chạy trở thành món nướng cho thổ dân. Vài tháng sau, chỉ có cỏ là tươi tốt trở lại, những bụi cây hoặc cây to phải mất nhiều năm mới xuất hiện trên đồng cỏ.

Có loại cỏ được đặt tên là “cỏ vua”, tuy là cỏ nhưng vì là “cỏ vua” nên có tên khoa học hẳn hoi, người ta gọi chúng là cỏ “VA06”. Đây là loại cỏ mọc cao ngang đầu người, dễ trồng, hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên được sử dụng đại trà trong chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa...

Cỏ vua đặc biệt thích hợp trong chăn nuôi bò sữa, mấy bác nông dân ngoại thành nuôi nhỏ lẻ mỗi hộ chừng chục con bò, chất thải trong chuồng chỉ một số gia đình cho xuống hầm làm biogas, hầu hết mang đổ xuống ruộng cỏ, chẳng cần ủ iếc gì cho tốn công.

Tuy mất vệ sinh tí nhưng đã là “vua cỏ” thì sợ gì bẩn, cứ gọi là tốt bời bời, chỉ tội những người đi qua phải bịt mũi chạy “mất dép”.

Có một loại cỏ dân gian gọi nhầm thành cây, đó là cây “Xấu hổ”, các nhà thơ khoác cho cái tên mỹ miều là cây “Trinh nữ”.

Các nhà nghiên cứu viết về “Trinh nữ” như sau: “Trinh nữ (từ tiếng Latinh: pudica) hay còn gọi là cây xấu hổ, mắc cỡ, cây thẹn, hàm tu thảo; (danh pháp khoa học:Mimosa pudica L).

Đây là loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ, nhưng giờ là một loài cỏ dại ở vùng nhiệt đới. Nó có thể được tìm thấy ở các quốc gia châu Á như: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Jamaica”.

Loài cỏ dại ở vùng nhiệt đới này có đặc điểm lá kép có thể gập vào trong và cụp xuống mỗi khi bị chạm vào hoặc bị rung lắc, sau vài phút lại xòe ra như cũ.

Bỏ công tìm kiếm khá lâu cuối cùng chỉ thấy mỗi cỏ là có loài biết xấu hổ, các loại cây thân gỗ, đại thụ hay họ tre nứa, hay các “con” chẳng thấy giống nào có tên “Xấu hổ”!

Sao chỉ “cỏ” là biết xấu hổ còn không có “con” nào biết xấu hổ thì không sao giải thích được. Nói vậy phải mở ngoặc ngay, kẻo lại bị cho là vơ đũa cả nắm.

Trong các loại “con”, có “con người” là biết xấu hổ, biết “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, nhưng liệu đó có phải là đặc tính phổ biến? Thực ra trong một cộng đồng, một quốc gia hay toàn nhân loại, không thiếu những “con” người không biết xấu hổ.

Trong bài viết “8 loại cây dù nhà chật cũng nhất định phải trồng để cải thiện sức khỏe” [2] cây đầu tiên được giới thiệu là một loại cỏ có tên là “Cỏ mẫu tử” hay còn gọi là “Lục thảo trổ”.

Loại cỏ này còn có nhiều tên gọi khác như cỏ Điếu lan (danh pháp khoa học: Chlorophytum comosum), “cỏ Nhền nhện”, “cỏ Nhện”, cỏ mệnh môn, điếu lan, lan móc, cỏ lan, chiết hạc lan…

Hình ảnh Cỏ Lục thảo trổ (Ảnh: tác giả cung cấp)

Hình ảnh Cỏ Lục thảo trổ (Ảnh: tác giả cung cấp)

Gọi là “Cỏ mẫu tử” vì từ cuống hoa màu vàng mọc ra từ giữa mỗi cụm cỏ, khi dài chừng vài gang sẽ sinh ra các cụm cỏ non, có cả rễ, ngắt xuống trồng sang chậu khác rất dễ dàng.

Loại cỏ này có thể hấp thu những khí có hại trong nhà sau một thời gian ngắn nên được gọi vui là "máy lọc không khí".

Một vài tài liệu nói: Cỏ mẫu tử hấp thu tới 80% formaldehyde (một chất khí có mùi hăng mạnh); 95% khí CO2; phenylethylene, benzen (một chất lỏng không màu, mùi dịu ngọt dễ chịu, dễ cháy) do máy photocopy, máy in thải ra; hấp thu chất độc trong khói thuốc lá nên rất thích hợp trang trí trong nhà, văn phòng.

Hơn chục năm trước, khi trồng mấy chậu cỏ này, những thông tin trên chưa có trên mạng, người viết thấy lá nó có hai màu xanh, trắng, hoa nhỏ li ti màu trắng nên tự đặt cho nó cái tên là cỏ “Thanh bạch”, “thanh” là xanh, “bạch” là trắng vừa dựa vào màu lá cỏ cũng có ý là nói về vẻ thanh cao chứ không thiên về khả năng hút khí độc của nó.

Những người xin giống về trồng đều gật gù tin sái cổ cái tên cỏ “Thanh bạch”, chẳng thấy ai vặn rằng tên nó là Lục thảo trổ!

Trong bức ảnh minh họa chụp tại vườn nhà, tình cờ lọt vào khuôn hình phía sau là mấy quả ớt đỏ, còn mấy quả mướp đắng trên giàn cao không thấy. Thế cũng hay, chả lẽ thanh bạch lại cứ phải đi kèm cay, với đắng?

Lại nhớ các phim Tàu cổ trang, dân đen xưng hô với quan lại là “thảo dân” nghĩa là “dân cỏ”, chẳng biết ngày nay bên ấy “dân cỏ” gọi quan nào là “quan cỏ” khiến dân mình bắt chước? Có một điều chắc chắn dẫu có là “quan cỏ” thì cũng hơn đứt “dân cỏ” mấy bậc, không biết quý vị nghĩ sao?

Nhiều Tây ba lô sang Việt Nam mình lại rất thích “bia cỏ”, thích ngồi quán cóc vỉa hè. Gọi là “quán cóc” vì hễ thấy mấy anh trật tự đi tới là ù té sang chỗ khác, lúc sau lại nhảy về chỗ cũ.

Các loài khác cây cỏ, dẫu có là chúa sơn lâm, hổ mang chúa, ong chúa hay các loại “chúa” khác, dẫu yên hùng nhất khoảnh, thiên hạ vô địch hay các anh hùng thì cuối cùng cũng như lời bài hát, cũng nằm dưới cỏ. Khác chăng là hậu thế đến nơi đây:“Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”.

Thế mới biết, cỏ mới là đại diện cho sức sống của hành tinh xanh này chứ không phải cây, càng không phải người. Chính cỏ mới là hành trang vĩnh cửu cho những người nằm xuống chứ không phải những vòng hoa chỉ tươi được vài ngày.

Tài liệu tham khảo:

[1]//www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-si/den-on-dap-nghia/co-rat-xanh-va-sac-513743

[2]//ngoisao.vn/nha-dep/noi-that-ngoai-that/8-loai-cay-du-nha-chat-cung-nhat-dinh-phai-trong-de-cai-thien-suc-khoe-200508.htm

Xuân Dương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/goc-nhin/co-post178752.gd