Cơm cân

(GD&TĐ) - Các cụ xưa có câu “no bụng đói con mắt”. Tôi không chắc có phải là tình trạng của người ta bây giờ không? Tôi chắc là còn nguyên nhân sâu xa. Đó là do cái thời người ta bị đói triền miên ngày này qua tháng khác, vì thế dẫu có no rồi vẫn sợ bị đói. Cái đói ăn vào tiềm thức.

Thực ra tôi cũng không chắc lắm. Vì tôi đã từng quan sát rất kỹ nết ăn của một số người. Họ có cách ăn thế này, nếu ăn mà phải bỏ tiền ra mua thì họ ăn ít còn nếu ăn không phải bỏ tiền ra mua thì họ ăn rất nhiều. Đặc biệt là khi ăn tự chọn.

Họ lấy nhiều đồ ăn, chất đầy một đĩa lớn rồi họ không thể ăn hết được đành phải đổ đi. Tôi đã nghe rất nhiều người phàn nàn rằng trong những bữa tiệc chiêu đãi thì đĩa ăn của người Ta (người nước ta) thường thừa nhiều thức ăn nhất.

Đặc biệt là với những người đi du lịch nước ngoài những bữa ăn tự chọn có đoàn người Ta thì thức ăn trong khay thường hết rất nhanh, còn thức ăn thừa lại còn nhiều. Mà thức ăn thừa đó sẽ bị đổ đi, người khác không ăn được nữa. Điều này gây khó chịu cho người bản xứ. Họ không quen với cách ứng xử với thức ăn như vậy.

Vào chuyện. Chuyện này xảy ra trên đất Mỹ hẳn hoi. Có một ông khách ưu tú (thì cũng đồng nghĩa là không nghèo đâu) của ta được mời sang thăm nước Mỹ theo cách khách mời và nước Mỹ cùng làm. Có nghĩa là nước Mỹ không bao từ A đến Z. Nhà ở thì được trả tiền, đi lại thì được trả tiền, còn ăn thì khách ưu tú phải tự bỏ tiền. Vậy là có chuyện. Ông khách phải bóp mồm bóp miệng.

Có nghĩa là ông phải ăn rất ít. Ừ thì ăn ít cũng rất tốt, đỡ phải mỡ trong máu. Rồi một hôm ông được đưa đến một nơi rất sang trọng tham quan. Sau đó đưa đến nơi ăn uống. Ở chỗ ăn uống bày nhiều khay thức ăn tự chọn. Ông khách ưu tú sáng mắt. Sáng mắt không phải vì nhiều loại thức ăn. Sáng mắt vì chắc mẩm sẽ được ăn mà không phải trả tiền.

Mấy hôm bị bóp mồm bóp miệng rồi, giờ được ăn thoải mái. Thế là hai tay hai đĩa, mải mê gắp (xúc) vào đĩa. Rồi chọn chỗ để ngồi ăn. Nhưng... Cân đã. Cân toàn bộ thức ăn lên rồi tính tiền. Chết chết chết 118 USD. Trời ạ, có hai đĩa ăn mà mất hơn hai triệu VND. Làm thế nào đây hở giời. Nuốt sao nổi hở giời. Rồi giời cũng sai mắt đến cứu. Có một cháu sinh viên nhìn thấy mặt chú tái quá mới nhắc nhỏ vào tai: Chú trả bớt lại thức ăn đi, chuối, trứng, bánh tráng miệng... còn cơm với thức ăn trộn với nhau thì không trả được. Cuối cùng cũng còn hơn 20 USD.

Nuốt miếng cơm vào miệng mà như nuốt rơm. Ông khách ưu tú ngồi nghĩ ngợi, ở đất nước ông cũng có cơm cân, nhưng là “ăn cơm cân mặc áo số”. Nhưng ở nước Mỹ mà cũng có cơm cân. Cơm cân ở nước ông là đi kèm với áo số, không biết cảm giác của người mặc áo số khi nuốt cơm cân thế nào. Chứ còn ông đang cố nuốt cho hết chỗ cơm cân. Chết chết chết những 20 đô đấy. Cháu sinh viên đã ăn cơm xong qua chỗ ông khách ưu tú hỏi:

- Chú ăn có ngon không ạ?

Ông nhủng nhẳng trả lời:

- Không mất tiền thì ăn cũng ngon đấy.

- Chú không biết nên lấy nhiều quá, tiền mình bỏ ra nên không ăn hết thì bỏ lại cũng được chú ạ. Cháu sinh viên vô tư nói với ông khách.

Ông khách ưu tú hơi nổi nóng:

- Bỏ là bỏ thế nào, đã mất tiền thì phải ăn hết chứ.

Cháu sinh viên vội vã đứng lên.

Có lẽ chính vì vụ cơm cân này mà khi ông khách ưu tú trở về đất nước mình ông đã không đừng được mà phải thổ lộ với tay lái taxi, mới chưa học xong lớp 7:

- Này tớ vừa trở về từ nước Mỹ đấy, tưởng nước Mỹ thế nào, hóa ra vớ vẩn. Vớ vẩn lắm chả bằng nước mình.

Tái bút: Tôi xin tặng câu chuyện này cho những nhà hàng có khách du lịch. Hãy để một cái cân cạnh bàn ăn tự chọn thì sẽ không phải để cái bảng viết dòng chữ: Chỉ lấy thức ăn vừa đủ.n

THẢO MỘC

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/201310/com-can-1974487/