'Cơn bão' CMCN 4.0 chưa chạm đến ngành dệt may Việt Nam

Cho tới nay, các doanh nghiệp trong ngành may vẫn chưa thực sự thấy được những tác động rõ nét của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) nhưng theo phân tích của các chuyên gia, ngành này sẽ bị tác động tiêu cực nếu không chuẩn bị từ bây giờ.

Cơ cấu thị trường lao động sẽ thay đổi trong thời gian tới nên người lao động cần liên tục nâng cấp và học hỏi kỹ năng mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường lao động. Ảnh: NGUYỄN NAM

Chưa thấy tác động lớn

Dọc quốc lộ 5 từ ngã tư Quán Gỏi tới thành phố Hải Dương, đập vào mắt người đi đường là những tấm bảng tuyển dụng lao động dệt may với số lượng lớn. Những công ty dệt may đưa ra mức lương từ 5-9 triệu đồng/tháng và không đòi hỏi quá cao về trình độ tay nghề. Điều này dường như trái ngược với những gì mà các chuyên gia đang nói về cuộc CMCN 4.0 với hàm ý máy móc đang dần thay thế lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết dù cuộc CMCN 4.0 đã được nói tới nhiều năm nay nhưng ông vẫn chưa thấy có sự tác động thực sự lớn nào đối với doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp trong hiệp hội, có chăng chỉ tác động tới những doanh nghiệp quanh năm suốt tháng làm một sản phẩm như chỉ làm áo sơ mi, quần âu...

“Máy móc chỉ thay đổi được một số công đoạn lặp đi lặp lại trong ngành dệt may, còn đối với ngành thời trang, không ai muốn mặc giống ai, mỗi đơn hàng mỗi kiểu dáng khác nhau thì sẽ rất khó có thể chỉ làm bằng máy móc”, ông Dương nói.

Theo tính toán của ông Dương, nhu cầu may mặc ngày càng tăng khi mức sống tăng lên. Với thu nhập thấp, người Việt Nam tiêu thụ bình quân khoảng 7-8 sản phẩm/năm nhưng người Mỹ, thu nhập của họ cao, họ tiêu thụ mỗi năm tới 120 sản phẩm may mặc với nữ và 90 sản phẩm may mặc với nam.
Như vậy, chỉ cần mỗi năm ngành may mặc tăng trưởng khoảng 10% thì số lao động bị thay thế bằng máy móc sẽ không thấm tháp gì so với nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên.

Điều mà ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lo ngại là việc các nước công nghiệp phát triển sẽ có cơ hội đưa sản xuất dệt may về lại nước mình để giảm chi phí vận chuyển và áp lực tăng giá gia công.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự kiến xuất khẩu các sản phẩm dệt may có thể cán mức 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, tức tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay. Toàn ngành dệt may hiện đang sử dụng khoảng 3 triệu lao động thì có hay không có cuộc CMCN 4.0, số lao động trong ngành dệt may ít nhất cũng phải tăng lên khoảng 50%, tức là đạt 4,5 triệu lao động.

“Do đó, tôi không nghĩ rằng cuộc CMCN 4.0 sẽ khiến lao động dệt may thất nghiệp mà nhu cầu tuyển dụng lao động dệt may sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Dương nhận định.

Lập luận của ông Dương có vẻ có lý khi dệt may thuộc lĩnh vực thời trang nên mẫu mã thay đổi, khả năng thay thế bằng máy móc sẽ khó hơn so với các sản phẩm đầu nguồn của ngành này như bông, sợi, nhuộm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông, sợi Việt Nam, đại diện cho nhóm sản xuất các sản phẩm đầu nguồn trong ngành may mặc, cho biết cuộc CMCN 4.0 vẫn chưa xảy ra nhiều trong ngành bông, sợi của ông.

Hiện nay, theo ông Sơn, cải tiến công nghệ trong lĩnh vực này mới chỉ dừng lại ở các công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường hay nâng cao công suất sản xuất mà chưa thấy có những loại máy móc nào thiết kế nhằm thay thế lao động. Hơn nữa, ngành bông, sợi có số lượng lao động ít hơn, trình độ và mức lương cao hơn khá nhiều so với ngành may nên tỷ lệ biến động và thay thế lao động diễn ra trong ngành này thấp hơn.

“Ngành bông, sợi hiện còn nhiều việc phải cải tiến, như làm thế nào để chất liệu bông, sợi tổng hợp có thể thấm hút mồ hôi hơn, chất liệu mỏng hơn nhưng lại ấm hơn vào mùa đông... Còn vấn đề máy móc thay thế lao động tôi vẫn chưa thấy trong ngành này”, ông Sơn nói.

Vẫn cần sự chuẩn bị

Theo chuyên gia kinh tế lao động Miranda Kwong thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, thay đổi công nghệ sẽ ảnh hưởng đến tất cả những lĩnh vực trên toàn nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành sản xuất công nghiệp.

Theo báo cáo của ILO, ngành sản xuất chế tạo ở Việt Nam gần đây có hai lĩnh vực chủ đạo: (i) dệt may và da giày; (ii) điện tử và các sản phẩm điện. Trong đó, ngành dệt may và da giày chiếm 36% tổng số việc làm; ngành sản xuất chế tạo và ngành điện tử chiếm 5% số việc làm.

“Một số bằng chứng đã chứng minh rằng sự thay đổi công nghệ và sáng chế đang bắt đầu xâm nhập vào những ngành này”, bà Miranda Wrong nói. Bà cho biết thêm: “Ước tính của ILO chỉ ra rằng 86% tất cả lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa do những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ trong tương lai”.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thì nguy cơ mất việc làm của người lao động trong ngành dệt may, da giày Việt Nam có thể không cao như dự báo trên và mức độ tác động đối với mỗi công đoạn sản xuất khác nhau cũng khác nhau.

Theo tính toán của ông Cẩm, trong thập niên tới, khả năng máy móc thay thế con người sẽ cao trong công đoạn sản xuất xơ, sợi hóa học, có khả năng thay thế từ 40-50% lao động. Các công đoạn sản xuất xơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, hoàn tất cũng có khả năng thay thế khá cao, từ 30-40%. Sản xuất phụ liệu may như cúc, chỉ, nhãn, khóa kéo có nguy cơ bị thay thế ở mức tương tự.

“Công đoạn may, nhìn chung khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp, dưới 30% lao động, do tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền”, ông Cẩm nhận định.
Điều mà ông Cẩm lo ngại là việc các nước công nghiệp phát triển sẽ có cơ hội đưa sản xuất dệt may về lại nước mình để giảm chi phí vận chuyển và áp lực tăng giá gia công, nhất là tại các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc. Các nước này có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.

Song, theo nhiều chuyên gia, xu hướng chuyển dịch nhà máy về nước sở tại sẽ chưa lớn khi chi phí cho lao động tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với chi phí đầu tư máy móc.

Để ứng phó với cuộc CMCN 4.0 sắp tới, theo ông Cẩm, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về cuộc cách mạng này và khả năng tác động của nó đến ngành dệt may, một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp.

Doanh nghiệp cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có thể tự động hóa theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá” để vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam.

Chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.

Còn đối với thị trường lao động, theo bà Miranda Kwong, cơ cấu thị trường lao động sẽ thay đổi trong thời gian tới nên người lao động cần liên tục nâng cấp và học hỏi kỹ năng mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường lao động.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164589/con-bao-cmcn-40-chua-cham-den-nganh-det-may-viet-nam.html