Cơn bĩ cực chưa qua

(TBKTSG) - Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp là một trong những điểm nhấn của Chương trình triển khai các giải pháp mới đối với thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính công bố ngày 16-11-2011. Dự kiến đề án được trình Chính phủ vào quí 4 năm nay. Tháng 11 đã gần kết thúc, tháng 12 đang cận kề, liệu đề án có kịp hoàn tất? Tuy vậy, sự ra đời của đề án dường như không còn mang nhiều ý nghĩa khi mà dòng vốn gián tiếp đang dần rời bỏ thị trường. Cơ hội vàng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào chứng khoán có lẽ còn lâu nữa mới xuất hiện.

Lưu Hảo

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch của SSI ở thời điểm thị trường còn sôi động. Ảnh: Thanh Tao.

Ba tháng trở lại đây, đặc biệt từ đầu tháng 11, bất chấp VN-Index dao động ở vùng điểm thấp nhất kể từ cuối năm 2009, khối ngoại vẫn bán tháo chứng khoán, khiến giá nhiều cổ phiếu lập kỷ lục về mức thấp kể từ khi chào sàn. Áp lực thoái vốn vào năm 2012 của nhiều quỹ (thành lập năm 2006-2007) đang ngày một nặng hơn bởi khả năng không thể thanh lý quỹ đúng hạn nếu thanh khoản thị trường tiếp tục èo uột. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thâm niên cũng đã rời bỏ thị trường và chưa biết thời điểm nào sẽ quay lại.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 25-30% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán. Điều đáng quan tâm là một khi phải rút vốn, họ bán ra rất dứt khoát. Thị trường hồi phục phiên nào, họ bán mạnh hơn phiên đó. Giá những cổ phiếu như thế, nếu không có lực cầu hấp thụ, thường giảm sâu và tạo khoảng cách lớn so với những chứng khoán cùng ngành nghề hoặc cùng các chỉ số cơ bản về doanh thu, lợi nhuận, quy mô doanh nghiệp. Sự chênh lệch về giá trị giữa những cổ phiếu như vậy, thường dẫn tới tình trạng nhà đầu tư bán những cổ phiếu giá còn cao và “đắt” để chuyển sang những cổ phiếu giá thấp và được định giá “rẻ”. Quá trình cứ thế tiếp tục, và vòng xoáy giảm giá chưa thể ngừng.

Không chỉ quỹ đầu tư ngoại, một số quỹ nội địa cũng bị đặt trong tình trạng phải chấm dứt hoạt động do hết hạn vào năm sau và nhà đầu tư không muốn gia hạn cho quỹ. Đại diện một quỹ nội cho biết từ năm 2008, nhà đầu tư hầu như không được chia cổ tức do quỹ bị lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Trong bối cảnh tín dụng vẫn bị thắt chặt cho cả năm 2012, việc thu hồi lại vốn là phương thức tỏ ra hợp lý.

Song cơn bĩ cực của chứng khoán không chỉ dừng lại ở đấy.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết chuẩn bị ban hành quy chế về quỹ mở. Thực ra quy chế quỹ mở đã được dự thảo, lấy ý kiến đóng góp, chỉnh sửa từ lâu rồi. Ủy ban đã từng dự định ban hành nó trong quí 2, nay dời lên quí 4. Câu chuyện là khi quỹ mở được phép chính thức hoạt động, năm quỹ đóng đang niêm yết và nhiều quỹ khác sẽ chuyển thành quỹ mở. Với mô hình mở, các quỹ này có thể mua lại chứng chỉ quỹ và hủy để giảm vốn điều lệ tương ứng, nâng giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ lên, từ đây tạo điều kiện để đưa giá chứng chỉ quỹ về gần với NAV.

Muốn mua lại chứng chỉ quỹ phải có tiền mặt. Hầu hết các quỹ đã giải ngân 100% vốn, trong danh mục toàn cổ phiếu. Nay để có tiền, trước hết phải thanh lý một phần danh mục. Nếu danh mục có trái phiếu, có thể trái phiếu sẽ bị bán hoặc mang ra repo. Việc thanh lý danh mục cổ phiếu, cho dù ở mức độ nhất định, cũng gây sức ép lên chứng khoán. Chỉ tính riêng năm quỹ niêm yết, danh mục cổ phiếu đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Hiệu ứng quỹ đóng chuyển thành quỹ mở, do đó, có thể mang tính tiêu cực nhiều hơn tích cực cho thị trường thời điểm này.

Bên cạnh đó, đang nổi lên vấn đề tái cấu trúc công ty chứng khoán, mà bản chất là sàng lọc để những công ty mạnh có thể tồn tại, loại trừ công ty yếu kém. Đã có thể nhìn thấy những công ty có xác suất tồn tại và vươn lên tốp đầu là HSC, Kim Eng, SSI. Kim Eng không có hoạt động tự doanh, chỉ tập trung vào môi giới và tư vấn, chưa kể công ty mẹ là Maybank có tiềm lực tài chính mạnh và đang có ý định mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Kim Eng chuẩn bị phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp mà người mua có khả năng không ai khác ngoài Maybank. HSC trong bốn quí vừa qua đã lấn lướt ở mảng môi giới, vẫn tiếp tục tuyển thêm nhân sự, mở rộng mạng lưới. Công ty có nguồn tài chính hỗ trợ khách hàng khá dồi dào từ vốn chủ sở hữu và nguồn trái phiếu doanh nghiệp phát hành cho Dragon Capital - cổ đông lớn nhất.

SSI bỏ qua đối thủ cạnh tranh thứ nhì trong nghiệp vụ môi giới một khoảng cách xa. Ưu thế trong dịch vụ khách hàng tổ chức nước ngoài đảm bảo cho SSI vị trí dẫn đầu môi giới. Hơn nữa công ty còn lượng tiền mặt hơn 2.000 tỉ đồng và danh mục tự doanh khá thận trọng.

Ở chiều ngược lại, hàng chục công ty chứng khoán đang đối mặt nguy cơ giải thể. UBCKNN đã có trong tay danh sách khoảng 40 công ty chứng khoán chưa đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Trong khi một số công ty chứng khoán vẫn đang giải chấp để thu hồi nợ cho vay của chính mình hoặc theo yêu cầu của ngân hàng, các công ty yếu kém phần nhiều ở tình trạng mất vốn. Cơ quan quản lý cho biết sẽ thu hẹp, thậm chí ngừng hoạt động môi giới của họ nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Không ít trong số 40 công ty đó không tự doanh, nhưng sử dụng vốn tự có hỗ trợ đòn bẩy khách hàng. Nay nhiều tài khoản khách hàng bị “cháy”, họ phải giải chấp thu được đồng nào hay đồng đấy. Hậu quả của các đợt giải chấp kéo dài là thị trường giảm sâu. Giải chấp là bóng ma ám ảnh thị trường dai dẳng hiện nay.

Chúng tôi đã từng kỳ vọng tháng 11 thị trường sẽ không giảm thêm và giảm sâu, nhưng kỳ vọng khiêm tốn đó đã không xảy ra. Cơn bĩ cực chứng khoán vẫn đang tiếp diễn.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/taichinh/chungkhoan/66419/