Con của nhà nông

Trần Mạnh Báo là một kỹ sư nông nghiệp đi tiên phong đưa nền nông nghiệp Việt Nam đi lên, đánh bật đói nghèo cho dân bằng những công trình khoa học về giống lúa. Ông cũng là người mở vạt đường cày đổi mới từ trại giống lúa Đông Cơ, Thái Bình. Sau gần 10 năm, với sự cố gắng không ngừng, Tổng Giám đốc, kỹ sư Trần Mạnh Báo cùng nhân viên của mình đưa Công ty Giống cây trồng Thái Bình từ một trại giống nhỏ bé vươn lên thành công ty giống cây trồng hàng đầu cả nước.

Ông Trần Mạnh Báo

1. Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, năm 1968, theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, Trần Mạnh Báo xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ. Anh là lính Sư đoàn 320 sống mái với quân thù trên chiến trường máu lửa Quảng Trị, rồi cùng đồng đội vượt Trường Sơn thành lính Sư đoàn 1 Quân giải phóng miền Nam chiến đấu giải phóng 6 tỉnh phía Nam Campuchia, 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hai lần bị thương nặng, lần bị "bay” mắt phải chính là ngày B52 Mỹ trút bom "trải thảm” Thủ đô. Xuất ngũ, là một thương binh, học hành dang dở, Mạnh Báo chỉ được nhận vào làm công nhân chăn nuôi lợn, sau chuyển về Công ty Giống cây trồng Thái Bình làm tạp vụ. Nhưng từ ngày đó, ông đã quyết tâm ngày làm, đêm học, tốt nghiệp cấp III, rồi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và luôn ước mơ làm một cái gì đó để giúp nông dân đỡ vất vả. Ông nghĩ mình cần phải học để có kiến thức. Cố gắng nhiều ngày tháng, cuối cùng ông cũng tốt nghiệp đại học. Năm 1987, ông được điều xuống làm Trại phó Trại giống lúa Đông Cơ, huyện Tiền Hải. Thấy cơ sở vật chất dột nát, công nhân không nhiệt tình, ông Báo thấy xót xa vô cùng.

Sau nhiều đêm ông mới lý giải được một điều: sự mâu thuẩn giữa quyền lợi của họ và cơ chế kinh tế bao cấp và đi đến quyết định tạo ra cơ chế mới "Khoán sản phẩm tới người lao động trong nông nghiệp quốc doanh” (trước Nhà nước) và nghiên cứu giống lúa.

Vụ xuân 1988, vụ khoán đầu tiên, năng suất đạt cao nhất với 33 tạ/ha. Ai cũng mừng, đời sống người nông dân Thái Bình khá lên trông thấy. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Báo cho biết: "Tôi phải viết trong rất nhiều tháng, nghiên cứu nhiều tài liệu, cơ chế, chính sách của Nhà nước và phải làm thử 6 tháng trời. Sau đó, tôi đã đưa ra công nhân và họ đã đồng ý. Thời điểm năm 1988 - 1991, trong khi nhiều công ty giống cây trồng bị giải thể thì Công ty Giống cây trồng Thái Bình vẫn phát triển tốt”.

Ông tiếp tục mạnh dạn đổi mới, từ thuê chuyển sang mua máy kéo, tiết kiệm 30% chi phí làm đất, cứng hóa hệ thống tưới tiêu, làm giống chất lượng cao và chọn giống siêu nguyên chủng, xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ, xây dựng thương hiệu, lôgô. Từ điểm Đông Cơ, Công ty đã mở tung cánh cửa bao cấp sang hạch toán kinh doanh. Đông Cơ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nông nghiệp tỉnh và được tặng thưởng Huân chương Lao động. Khoán ở Công ty Giống cây trồng Thái Bình thành mô hình để nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước nghiên cứu đổi mới.

Ông Trần Mạnh Báo kiểm tra lúa giống

Ảnh: TL

2. Chiếc ghế Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình (TSC) làm ông Báo bận bịu thêm, nhưng ông vẫn không rời bỏ tư cách của người làm công tác khoa học. Nói đến khoa học là nói đến tri thức. Người tri thức như ông theo tôi biết luôn coi trọng việc nghiên cứu, học và làm, lại luôn lăn vào thực tế. Ông vừa làm khoa học, vừa kinh doanh, luôn sáng tạo, có chủ kiến để thể hiện được ý định, ý tưởng xuất sắc của mình, quyết tâm bứt phá tự khẳng định mình trong ngành giống ở Việt Nam. Ông có tri thức độc lập và tôn trọng tri thức độc lập của người khác, thích những người chịu suy nghĩ, dám phản biện, vì muốn phản biện phải có trí tuệ và năng lực. Ông không thích ngồi lên ghế cao vì "Làm quan bổng lộc đi kèm, dễ quên con đường tri thức”. Ông ra sức tu thân để làm được người tri thức. Ông thường nói với các kỹ sư trẻ: "Tri thức học ở trường lớp, sách vở chưa được bao nhiêu, so tới thực tế thì một trời một vực. Vì vậy mở mang học vấn là việc của đời người. Đừng biến mình thành "tiến sĩ giấy”.

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Báo luôn nghĩ sức mạnh hạt giống trong mỗi vùng đất phải biết khơi gợi nó lên. Đó là ánh sáng, độ ẩm, độ phì nhiêu của đất giúp cho hạt giống phát triển qua mỗi quy trình khoa học. Tìm những giống cây có nhiều ưu thế hợp cho từng vùng như cây ngô, lạc, vừng, đỗ, cây khoai, đặt nó xuống đâu cho năng suất cao. Hạt giống Thái Bình đưa tên tuổi ông Báo đi Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và vùng cực Nam Trung Bộ. TBR-1 giống lúa lý tưởng của nhà nông Việt Nam là sản phẩm độc quyền của TSC. Ông Báo mang hạt giống đi cả nước, cùng đồng bào tra xuống vùng đất khô cằn. Hiện ông đang đưa hạt giống vào đồng bằng Sông Cửu Long.

Không chỉ đổi mới cách làm, mà cách tổ chức, đào tạo cán bộ, nhân viên cũng được ông Báo chú ý, nhằm tạo nên sự hoàn thiện về yếu tố con người trong công ty. Nên từ những năm 90 của thập kỷ trước, ông đã "chỉ thị” cho cán bộ, công nhân trong công ty tổ chức những lớp học tiếng Anh, tin học. Từ đó, đội ngũ cán bộ công ty đã sớm ứng dụng tin học vào quản lý, nghiên cứu, chủ động về ngoại ngữ trong giao dịch, tham dự các hội thảo quốc tế. Công ty liên tục cử cán bộ đi học tại các trung tâm, trường đại học, các lớp sau đại học trong và ngoài nước, các lớp học về lai tạo, sản xuất giống cây trồng, quản lý kinh tế ở Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… Niềm say mê của Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo đã lan truyền, ngấm vào đội ngũ cán bộ khoa học và công nhân lao động. Bản thân ông vừa là chủ nhiệm nhiều đề tài, vừa tham gia nhiều đề tài khoa học khác. Hiếm vị Tổng Giám đốc nào mà có hai bằng Lao động sáng tạo như ông.

3. Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đã được công nhận 8 loại giống tiêu chuẩn Quốc gia. Năm 2004, ông được chỉ định làm thành viên Hội đồng tư vấn Giống cây trồng Việt Nam. Hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Giống quốc gia. Trong tay ông Báo có cơ sở vật chất nghiên cứu, chọn tạo khảo nghiệm, sản xuất, chế biến hạt giống hiện đại nhất Việt Nam, trong đó có nhà máy chế biến hạt giống theo công nghệ tiên tiến châu Âu, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông Báo cũng từng đi hơn 20 nước trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật, Pháp, Ý…

Để có nhiều thành công, ông Báo phải đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Ông cũng được tặng nhiều danh hiệu, nhưng với ông những thứ đó người nông dân dễ quên, cái mà họ nhớ ở ông là những gì ông đã làm được cho ngành giống, cho những vụ mùa bội thu của người nông dân.

Nói về những bí quyết thành công, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo tâm sự: "Mỗi khi gặp khó khăn, ý chí bị chùng xuống, tôi luôn nghĩ rằng mình đã từng vượt qua được bao khó khăn, nguy hiểm hơn rất nhiều khi ở chiến trường mà bây giờ mới có một chút đã lùi bước. Tôi đã làm nhiều việc và ở nhiều vị trí khác nhau. Dù ở vị trí nào cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần của người lính, người đảng viên. Nông dân, nông nghiệp nước mình đang rất cần những loại giống mới, nhất là giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. Tạo ra những giống năng suất cao, chất lượng tốt đem về những mùa màng bội thu cho bà con nông dân là khao khát cháy bỏng suốt đời của tôi”.

Võ Bá Cường

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51649&menu=1434&style=1