Còn đâu bóng đá tổng lực?

Mỗi khi đội tuyển Hà Lan bước vào đấu trường World Cup, người ta lại có những cảm xúc trái ngược về thứ “đặc sản” mà nền bóng đá nổi tiếng này giới thiệu cách đây gần nửa thế kỷ: bóng đá tổng lực.

Thời Ajax Amsterdam vươn lên thống trị cúp C1 châu Âu hoặc đội tuyển Hà Lan làm cả thế giới ngưỡng mộ vì những gì họ đã thể hiện ở World Cup 1974, bóng đá còn rất cổ điển. Trường phái Bắc Âu, Latin, Nam Mỹ, đâu ra đấy. Các sơ đồ 4-3-3, 4-4-2 luôn rõ ràng. Người ta đá bằng kỹ thuật, bằng chiến thuật, bằng thể lực, nói chung là phân biệt với nhau bằng các đặc điểm không lẫn vào đâu được. Chiến thuật bóng đá phát triển qua từng thời kỳ, từng con người, từng đội bóng. Bây giờ, toàn cầu hóa rồi, những gì nêu trên đều là vô nghĩa. Kỹ thuật cá nhân cơ bản của cầu thủ năng khiếu ở Nhật Bản, Brazil, Hà Lan hay Pháp cũng đều giống nhau, vì tất cả đều vươn lên đỉnh cao qua các hệ thống năng khiếu hiện đại, hoàn chỉnh. Cầu thủ năng khiếu ở Anh bây giờ không chỉ biết chạy và sút, cầu thủ năng khiếu ở Brazil bây giờ cũng được trang bị tư duy chiến thuật đầy đủ, chứ chẳng còn cái gọi là bóng đá đường phố như xưa nữa. Bây giờ, cầu thủ 16 tuổi đã biết di chuyển không bóng để chiếm lĩnh khoảng trống hoặc lôi kéo hậu vệ, biết hoán chuyển vị trí, biết bọc lót cho nhau. Và bây giờ, cầu thủ bóng đá hiện đại chạy như những cỗ máy không biết mệt mỏi, thi đấu khoảng 60 trận khốc liệt mỗi năm. Thế nên, kể lại những gì bóng đá Hà Lan giới thiệu trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, không khéo chỉ làm cho bọn trẻ ôm bụng cười ầm. Những thứ ấy, ai chẳng làm được? Thoạt nghe thì cũng có lý. Chỉ có điều, cũng phải có lý do để loại cầu thủ như Johan Cruyff hoặc Johan Neeskens mãi mãi là những tượng đài. Lý do ấy: bóng đá hiện đại có phát triển đến đâu đi nữa, vẫn không có gì xô ngã được thứ bóng đá tổng lực của người Hà Lan cách đây gần nửa thế kỷ. Bây giờ, những gì gọi là “tổng lực” trong lối chơi hiện đại chỉ là hình ảnh bên ngoài, là phần xác mà thôi. Phần hồn của “bóng đá tổng lực” chính hiệu bây giờ mãi mãi chỉ là hương xưa. Bây giờ mà các cầu thủ hoán chuyển vị trí cho nhau thì đấy chỉ là công thức, là cách vận hành bắt buộc chứ chẳng còn ý nghĩa sáng tạo nữa. Tại giải lớn gần đây nhất, Euro 2008, Hà Lan làm mưa làm gió, được cả thế giới ca ngợi là họ đã tái hiện lối chơi tổng lực tuyệt vời. Thật ra, các ngôi sao Hà Lan do Marco Van Basten huấn luyện chỉ lấy sức đè người. Họ chạy rất nhanh, tấn công từ mọi vị trí trên sân, pressing đến chóng mặt. Khi Hà Lan bất ngờ thua Nga, báo chí lại quay sang ca ngợi đoàn quân của Hiddink: chính người Nga dạy lại cho người Hà Lan cách chơi tổng lực. Thật ra, tất cả đều chỉ là sự mỹ miều của ngòi bút, chứ thực chất chẳng có chút giá trị nào, chẳng có chỗ nào sánh được với lối chơi tổng lực đầy sáng tạo của Rinus Michels ngày xưa. Một ví dụ nhỏ: trong thời kỳ cực thịnh của bóng đá tổng lực hồi đầu những năm 1970, Johan Cruyff nghĩ ra kiểu lừa mà người Anh gọi là “Cruyff turn”. Cũng chẳng có gì phức tạp: ông dừng bóng trên đà chạy, xoay người và đổi chân trụ, đổi luôn hướng di chuyển tiếp theo. Thế là Cruyff loại bỏ được đối thủ đang bám theo ông ở tốc độ cao. Cách đây vài năm, Ronaldinho (trong màu áo Barcelona) bỗng đứng yên như hóa đá. Nhưng chỉ một động tác lắc hông của anh lại làm cho cả hàng thủ đối phương di chuyển, và khoảng trống lập tức lộ ra để Ronaldinho ghi bàn vào lưới Chelsea ở Champions League. Đấy chính là đỉnh cao của sự sáng tạo, của nghệ thuật khai thác khoảng trống. Khi mọi cầu thủ xung quanh đều đang vận hành đồng bộ ở tốc độ cao, thì tất cả đều ở tư thế “tĩnh”, chỉ có người dừng lại là người “động” nhất, hiểu theo nghĩa tương đối. Và khi không gian tấn công đã hết dần thì giải pháp đột ngột dừng lại lập tức mở rộng khoảng không gian mới. Bóng đá tổng lực “kinh điển” là thứ bóng đá trước tiên phải dựa vào khả năng sáng tạo. Bây giờ, ngay cả các đội Hà Lan cũng không còn lối đá tổng lực đúng thực chất nữa. Lối chơi huyền thoại của Hà Lan thời Cruyff đã… thất truyền rồi. Chợt nhớ đến Cửu âm chân kinh trong truyện của Kim Dung. Thứ võ công đầy âm độc, hung hiểm mà Mai Siêu Phong hoặc Chu Chỉ Nhược thể hiện tuy cũng đáng sợ, nhưng chẳng còn bao nhiêu giá trị của Cửu âm chân kinh “chính hiệu” do Hoàng Thường viết ra và Vương Trùng Dương sở hữu trọn bộ nữa. Bộ võ công ấy lấy nội công của đạo gia làm căn bản, còn chiêu thức tinh diệu chỉ là phần ngọn, là hình ảnh dễ thấy bên ngoài. Vì Cửu âm chân kinh đã thất truyền, vì những gì Mai Siêu Phong hoặc Chu Chỉ Nhược luyện được chỉ là một phần ngọn chứ không có nền tảng, nên nó mới trở thành thứ võ công tàn độc, hẹp hòi và nhỏ mọn. Đấy không thật sự là Cửu âm chân kinh, cũng như những thứ bóng đá ào ạt ngày nay chẳng hề là thứ bóng đá tổng lực đáng tôn kính nữa. Ngũ Viên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/thethao/pages/201022/20100528083457.aspx