Còn đó lời nhắc của Thủ tướng

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” - lời nhắc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn đó, vẫn còn mang tính thời sự.

Không gian yên bình này ở rừng dừa nước Cà Ninh sẽ bị khai tử lấy đất cho hồ chứa nước thải nhà máy giấy. Ảnh: Trần Hóa

Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi 50ha rừng dừa nước có độ tuổi cả trăm năm để làm nơi chứa nước thải nhà máy giấy. Rừng dừa nước Cà Ninh được xem là lá phổi xanh của Khu kinh tế Dung Quất, người dân ở đây vẫn tự hào ví von rằng đây là một vùng sông nước miền Tây thu nhỏ ở Quảng Ngãi, với khí hậu và cảnh quan hoang sơ, đẹp đẽ. Thế nhưng, điều đẹp đẽ ấy có còn tồn tại lâu dài để người dân và du khách khám phá hay không khi nơi đây đang chuẩn bị khai tử!

Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc chính quyền địa phương là không được đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân. Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh với chính quyền rằng "đừng để mất bò mới lo làm chuồng". Lời nhắc nhở của Thủ tướng vẫn còn đó, thế nhưng, mới đây chính quyền địa phương nơi đây lại ra quyết định thu hồi rừng dừa nước để làm hồ chứa nước thải.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường do đích thân Thủ tướng chủ trì vào cuối tháng 8.2016, một lần nữa người đứng đầu Chính phủ nhắc đi nhắc lại với chính quyền địa phương, rằng không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cho cuộc sống.

Trong lúc Quảng Ngãi thu hồi 50ha rừng dừa nước làm hồ chứa nước thải cho nhà máy giấy thì Thái Bình lại xin phá rừng để làm khu công nghiệp. Điều ái ngại, khiến nhiều người lo lắng là khu rừng chính quyền xin phá để làm khu công nghiệp lại là rừng phòng hộ. Dĩ nhiên, chính quyền địa phương nơi đây không làm chui mà đã có bản báo cáo trình Bộ TN-MT đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xóa bỏ 150ha rừng ngập mặn. Nhưng theo báo Tuổi Trẻ, ĐTM của dự án được trình lên có nhiều sai lệch, khi số hộ nuôi thủy sản có đất bị thu hồi lên tới 354 hộ, nhưng ĐTM chỉ nêu 80 hộ.

Một điều nghịch lý mà chính quyền Thái Bình đang làm, đó là đầu tháng 2.2017, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đích thân về trồng thêm cây cho rừng ngập mặn tại khu vực này. Và khi những cây con trồng xuống chưa kịp bén rễ thì thì chính nơi đây đang xin để phá bỏ 150ha rừng để làm khu công nghiệp. Một điều đáng chú ý khác, đó là chính ĐTM của dự án dù chưa cụ thể, chi tiết nhưng đã nhấn mạnh rằng, việc phá bỏ 150ha rừng ngập mặn, khi hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh kết hợp triều cường, nước biển sẽ tràn qua đê xâm nhập sâu trong nội đồng tàn phá hệ thống đê biển, các đầm nuôi trồng thủy sản. Dù biết và hiểu rõ điều đó, nhưng chính quyền nơi đây vẫn tỏ ra làm ngơ.

Dẫu biết rằng kinh tế là rất quan trọng, sẽ giúp địa phương đó tiến lên, tạo công ăn việc làm cho dân cư địa phương. Nhưng, môi trường sống và không khí trong lành mới là điều quan trọng hơn cả. Bài học về Fomosa Hà Tĩnh vẫn còn đó, nền kinh tế Hà Tĩnh trỗi dậy mạnh cũng nhờ vào Formosa, nhưng môi trường biển và người dân lao đao một thời cũng từ Formosa. Những hệ lụy vì tàn phá môi trường sẽ kéo dài dai dẳng, như một căn bệnh nan y. Điều đó thể hiện rõ khi mới đây Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các tỉnh bị ảnh hưởng tiếp tục ngưng khai thác cá tầng đáy.

Khi chuyện tồi tệ nhất chưa đến với môi trường, chính quyền các địa phương nên xem xét lại, đừng để mọi chuyện diễn ra một cách quá tồi tệ rồi mới quan ngại.

Nguyễn Đắc Thành

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/con-do-loi-nhac-cua-thu-tuong-667059.bld