Còn đó, Trần Vũ Mai ở làng Phước Hậu

QĐND - Sinh thời, Trần Vũ Mai tuy “biên chế” ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Hội Nhà văn), “hộ khẩu” ở 65 Nguyễn Du, nhưng lại thường xuyên có mặt ở “phố nhà binh” và “nhà số 4” (Hà Nội) vì ở đó anh có rất nhiều bạn văn từ thời còn ở “khu nem” và không ít bạn thơ, bạn… rượu. Nhà thơ Duy Khán lúc còn sống thường bảo, ông có được tập truyện nổi tiếng Tuổi thơ im lặng là nhờ Trần Vũ Mai đã đến khích lệ, động viên và góp ý biên tập - khi ấy nhà thơ Trần Vũ Mai là biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới trực tiếp biên tập cuốn Tuổi thơ im lặng.

Trần Vũ Mai tên thật là Vũ Xuân Mai, sinh năm 1944 tại Thanh Hóa, mất năm 1991 tại Hà Nội. Như bao trí thức trẻ thế hệ chống Mỹ, Trần Vũ Mai ngay khi vừa tốt nghiệp khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã vào chiến trường, “đi B”, tình nguyện vào chiến trường làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Khu V, bám trụ vùng cực Nam Trung Bộ… Sau này có người đã bảo lớp trí thức ấy là những người vừa “lãng mạn”, vừa “lý tưởng”, vừa “cực đoan”! Trần Vũ Mai là một thanh niên trí thức như vậy cả khi anh đã về, đã “ở làng Phước Hậu” và rong ruổi trên các nẻo đường ở một chiến trường nổi tiếng là gian khổ và ác liệt, chiến trường Khu V. Bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng làm vào cuối những năm 1960 anh viết: …Suốt một ngày bầu trời thăm thẳm/ Suốt một ngày tôi nhớ Paul ÊLuard/ Tôi nhớ/ Những gì tôi chưa có được/ Thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ/ Mầu cẩm thạch nghiêng nghiêng chào giã biệt… Trần Vũ Mai chỉ để lại cho chúng ta khoảng 75 bài thơ, 3 trường ca là Bài ca chính thức về E. Hemingway, Ở làng Phước Hậu, Nàng chim Lạc và một số trang văn xuôi… với rất nhiều chữ “gió”, tiếng “gió” (như trong thơ Trần Mai Ninh). Vũ Xuân Mai mê Trần Mai Ninh mà lấy bút danh là Trần Vũ Mai, thích sống mãnh liệt hết mình mà mê văn E. Hemingway (nhà văn Mỹ) và thích thơ P. Êluard (nhà thơ Pháp). Theo chí, mê văn các bậc thầy văn chương ấy, Trần Vũ Mai luôn có thần tượng trong đời. Thơ và đời các ông, với anh, là một sự thức tỉnh:

Cực Nam người có nhớ chăng

Chàng thi sĩ ấy chết năm mặt trời

Hóa thành năm sáng trong tôi

Niềm tin yêu tựa mặt người anh em

(Nỗi nhớ Trần Mai Ninh - Trần Vũ Mai)

Anh đã theo chính con đường của Trần Mai Ninh đã đi, con đường xuyên Việt. Anh từ biệt mẹ già cô đơn yếu đuối của mình, từ biệt thảm cỏ sông Hồng để đến với chiến trường Khu V ác liệt. Vũ Xuân Mai, trước lúc lên đường đã gửi lại miền Bắc yêu thương những câu thơ thật đẹp:

Chúng tôi đi về miền Nam

Lòng nghĩ thương cây mạ

Chạy lên đê ngắm lại sông Hồng…

Vừa vào đến khu ủy Khu Năm ở Trà My - Quảng Nam được ít ngày, anh đã xin đi ngay về chiến trường cực Nam. Hồi ấy, cực Nam là chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của Khu Năm vốn đã vô cùng ác liệt. Về Khánh Hòa, anh không ở trên căn cứ, mà lặn lội về với anh em Tiểu đoàn đặc công nước 407, về với Thành ủy Nha Trang cùng nằm hầm ở Phú Nam An …

Với trường ca Ở làng Phước Hậu, Trần Vũ Mai đã góp phần tạo nên một thể loại thơ mới - thể loại tráng ca mà bắt đầu từ Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đèo Cả của Hữu Loan...

Phước Hậu, một ngôi làng nhỏ bé hiền lành và khuất lấp của Phú Yên bỗng thành nơi nguyện thề, nơi cân đong cho những được và mất của một đời người, một đời thơ:

Còn nhớ chăng mùa khô năm trước

Chúng ta đi, đi mãi không ngừng

Hết trận này lại sang trận khác

Người bạn ta nằm lại một nguồn sông.

Trường ca Ở làng Phước Hậu được Trần Vũ Mai viết ngay trong căn hầm bí mật ở cái làng nhỏ bé của Phú Yên, nhưng phải đến khi chiến tranh kết thúc tác giả mới hoàn thiện.

Năm 2007, một tuyển thơ, trường ca, văn xuôi, ghi chép của Trần Vũ Mai được thân sinh nhà thơ - cụ Vũ Ngân cùng nhóm Nguyễn Công Khế, Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh, Đỗ Nam Cao, Nguyễn Thế Khoa (chủ biên) thực hiện đã ra mắt bạn đọc (NXB Hội Nhà văn).

Văn phẩm mà nhà thơ để lại cho đời có vậy, trong nhật ký bằng thơ của mình có những dòng anh viết: Anh đã góp được gì cho đất nước/ Nếu ngày mai anh phải chết/ Anh sẽ nói gì đây/ Anh bỏ lại cuộc đời/ Những gì anh chưa làm được/ Để sau đó có những người đã hát/ Một khúc ca cảm tạ nhân gian/ Cảm tạ bầu trời Cực Nam lồng lộng…

Chưa thể biết rõ, biết hết giá trị của những gì mà Trần Vũ Mai đã góp cho văn học, cho đất nước, nhưng tấm lòng và thái độ dấn thân của anh thì bạn đọc, bạn viết đã tường và ghi nhận.

KIẾN VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/33/33/167067/Default.aspx