Con đường chính trị của bà Merkel sẽ ra sao sau vụ tấn công ở Berlin?

Các chuyên gia cũng lo ngại, vụ thảm sát bằng xe tải ở Berlin có thể là "giọt nước tràn ly" khiến cho con đường chính trị của bà Merkel chấm dứt.

Vụ tấn công xảy ra vào tối 19/2 khi một chiếc xe tải bất ngờ lao vào đám đông tại khu chợ Giáng sinh đông đúc. Cảnh sát Đức cho biết, vụ việc đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và khoảng 50 người khác bị thương. Cảnh sát cũng không loại trừ đây là một vụ tấn công khủng bố nhưng hiện chưa có lời khẳng định chính thức nào về điều này.

Chiếc xe tải gây ra vụ tấn công đêm 19/12 ở Berlin, Đức. (ảnh: AFP).

Vụ việc đã khiến nhiều người dân lo ngại, mùa Giáng sinh sắp tới có lẽ sẽ không còn êm đềm trôi qua như họ mong muốn nữa. Một người dân Berlin chia sẻ: “Tôi cảm thấy dường như không có nơi nào là an toàn cho mình và gia đình tôi”.

Những nguy cơ rình rập

Trước khi vụ tấn công bằng xe tải xảy ra, nước Đức đã phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công và âm mưu tấn công khác trên khắp nước Đức trong suốt một năm qua.

Vào tuần trước, cảnh sát Đức vừa bắt giữ một cậu bé 12 tuổi vì đã lên kịch bản một vụ đánh bom vào khu chợ Giáng sinh ở thành phố Ludwigshafen.

Cuối tháng trước, vào ngày 30/11, một nhân viên tình báo Đức đã bị cáo buộc là phần tử “Hồi giáo cực đoan” đang có âm mưu tấn công vào trụ sở Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Đức Bundesverfassungsschutz (BfV).

Trước đó nữa, ngày 9/10, âm mưu đánh bom sân bay Berlin của một người tị nạn Syria tên là Jaber Albakr đã bị phá vỡ sau khi lực lượng chống khủng bố đột kích vào căn hộ của người này và phát hiện đến 1,5kg thuốc nổ.

Đặc biệt, trong tháng 7, nước Đức hứng chịu 3 vụ tấn công gây xôn xao dư luận. Ngày 24/7, một vụ đánh bom liều chết gần một lễ hội âm nhạc ngoài trời tại thành phố Ansbach đã làm bị thương 15 người. Thủ phạm gây ra vụ đánh bom là một người tị nạn tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

MDavid Ali Sonboly, một thanh niên 18 tuổi người Đức gốc Iran đã nổ súng liên tiếp vào trung tâm thương mại Olympia ở Munich vào ngày 22/7. Vụ việc đã khiến 9 người thiệt mạng. Sau đó, tên này đã tự dùng súng kết liễu đời mình ngay tại chỗ.

Cách vụ xả súng ở Munich chỉ vài ngày, hôm 18/7, một người tị nạn 17 tuổi đã tấn công loạn xạ vào các hành khách trên chuyến tàu lửa ở bang Bavaria bằng dao vào rìu khiến 5 người bị thương nghiêm trọng.

Việc xảy ra hàng loạt vụ tấn công trong năm 2016 đã khiến nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng với chính sách mở cửa đối với người nhập cư của bà liên tục bị chỉ trích.

Được biết, ngày 6/12, bà Merkel đã tái khởi động lại chiến dịch tranh cử vào vị trí Thủ tướng Đức. Các chuyên gia cho rằng, chiến dịch tranh cử này chắc chắn sẽ vấp phải nhiều rào cản và khó khăn.

Các chuyên gia cũng lo ngại, vụ thảm sát (nghi là khủng bố) bằng xe tải nhằm vào một khu chợ Giáng sinh đông đúc ở Berlin có thể sẽ là “giọt nước làm tràn ly” khiến con đường chính trị của bà Merkel chấm dứt.

Chỉ trích đổ dồn vào bà Merkel

Còn nhớ cách đây một năm, giữa một châu Âu đầy nghi ngại, bà Merkel đã có một “quyết định ngược dòng”, đó là mở rộng cánh cửa chào đón người tị nạn vào nước Đức. Cho đến nay, nhờ vào chính sách cởi mở này, đã có hơn 1,1 triệu người tị nạn có nơi ăn, chốn ở tại một đất nước yên bình hơn, giàu có hơn.

Lúc đấy, người ta gọi bà là “người cầm lái châu Âu”, và cho rằng bà chính là người nắm giữ giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn mà cả châu Âu đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, một năm qua, hàng loạt vụ tấn công xảy ra ở châu Âu nói chung và ở nước Đức nói riêng, người ta đã bắt đầu e ngại về chính sách của bà Merkel.

Sau khi vụ tấn công bằng xe tải xảy ra, một người tên là Marcus Pretzell là thành viên thuộc đảng AfD- đảng có tư tưởng phản đối người nhập cư, đã gọi chính sách của bà Merkel là “đạo đức giả”. Anh ta cũng gay gắt cáo buộc bà đã gây ra cái chết của những người dân Đức.

Giáo sư Anthony Glees của Đại học Buckingham cho biết, nếu đây là một vụ tấn công khủng bố, và nếu kẻ tấn công là một người “nhập cư” thì bà Merkel sẽ phải gánh hậu quả rất lớn.

Giáo sư Anthony Glees nhấn mạnh thêm rằng, Thủ tướng Đức sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân vì chính sách mở cửa đối với người di cư của bà.

Frauke Petry, một nhà lãnh đạo của đảng AfD thất vọng cho rằng nước Đức giờ đây đã không còn an toàn và đáng lẽ bà Merkel phải chịu trách nhiệm nói ra điều này với nhân dân.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Infratest Dimap thực hiện vào giữa năm 2016, có 47% số người được hỏi hài lòng với công việc của Thủ tướng Merkel, và số người ủng hộ chính sách tị nạn của bà giảm chỉ còn 34%.

Mạnh mẽ ứng phó với dư luận

Giữa những lời chỉ trích và lời kêu gọi từ chức xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội, nữ Thủ tướng 62 tuổi của nước Đức cho biết, ngày hôm nay là một ngày khó khăn đối với bà.

Thủ tướng 62 tuổi của nước Đức cho biết, ngày hôm nay là một ngày khó khăn đối với bà. (ảnh: EPA).

Bà Merkel đã hủy chuyến vận động bầu cử Mecklenburg-Vorpommern và xuất hiện trên truyền hình vào sáng 20/12 để trấn an dư luận.

Bà Angela Merkel nói, bà đã rất sốc và buồn khi nghe thông tin về vụ việc. Bà cho hay: “Nhiều người đã mất cuộc sống của họ, nhiều người bị thương và đang phải chiến đấu để giành lấy cuộc sống, và trong giờ phút này tôi hướng suy nghĩ về những người đã khuất, người bị thương, gia đình họ, bạn bè họ và người thân của họ”.

Bà Merkel nói thêm, giả sử như vụ việc là “khủng bố” thì sẽ thật khó khăn để chấp nhận rằng người gây ra vụ việc là người đã được nước Đức cho tị nạn. Vụ việc sẽ gây ra ảnh hưởng tâm lý với tất cả những người dân Đức đang cố gắng từng ngày để giúp đỡ những người tị nạn. Vụ việc cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những người tị nạn khác.

“Chúng tôi không muốn để cho mình bị tê liệt bởi khủng bố. Mọi thứ khá là khó khăn trong những giờ phút này, những chúng tôi sẽ tìm thấy sức mạnh để tiếp tục sống cuộc sống như chúng tôi muốn ở Đức, một cuộc sống trong tự do và cởi mở”, bà Merkel nhấn mạnh.

Vẫn là ứng cử viên sáng giá

Trước khi vụ tấn công ở Berlin xảy ra, bà Merkel hồi tháng 9 năm nay đã thừa nhận sự thất bại của mình trong chính sách người nhập cư.

Nữ Thủ tướng Đức cho biết bà đã cố gắng để đảm bảo biên giới nước Đức không lặp lại tình trạng hỗn loạn như mùa hè năm 2015 nhưng đôi khi bà cũng không thể kiểm soát được hết tình hình.

Dẫu cho những lời chỉ trích gay gắt về chính sách nhập cư của bà Merkel, các nhà quan sát nhận định, bà vẫn là một ứng cử viên sáng giá cho nhiệm kỳ Thủ tướng tiếp theo. Bà đã nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu 11 năm liên tiếp và đã chèo lái đưa nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Dưới sự chèo lái của bà, uy tín của nước Đức cũng gia tăng trên trường quốc tế, với những nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột như cuộc chiến Ukraine, nợ công của Hy Lạp. Tạp chí Forbes đã bình chọn bà là người quyền lực thứ 3 trên thế giới trong năm 2016.

Với vấn đề khủng bố và người tị nạn, con đường chính trị của bà Merkel sẽ có nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu bà Merkel có thể giải quyết được ổn thỏa những bất ổn về người tị nạn trong thời gian tới, nước Đức sẽ tiếp tục có một nữ lãnh đạo tài năng trên bàn cờ chính trị thế giới./.

Phương Chi/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/con-duong-chinh-tri-cua-ba-merkel-se-ra-sao-sau-vu-tan-cong-o-berlin-579436.vov