Con đường đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 diễn ra từ 15-21/10/2007 trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên là một cường quốc lớn toàn diện với thế và lực mới.

small_4940.jpg Với tốc độ tăng trưởng cao trên 9%/năm liên tục trong hơn 2 thập kỷ, sức mạnh toàn diện của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trên nhiều phương diện. Về dự trữ ngoại tệ, đến cuối tháng 12/2006, Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại tế đứng đầu thế giới, đạt 1.066,3 tỷ USD. Về ngoại thương, Trung Quốc đã vượt Anh trở thành cường quốc thương mại lớn thứ 3 thế giới. Nhiều dự báo cho rằng đến 2020 Trung Quốc sẽ vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Về quân sự, đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực hiện đại hóa quân sự liên tục tăng trong nhiều năm qua. Đến nay, Trung Quốc có số quân lớn nhất thế giới. Trên trường quốc tế, sự nổi lên của Trung Quốc được nhìn nhân là một trong những sự kiện lớn nhất trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này. Tuy vậy, đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn những cái giá của sự tăng trưởng cao luôn nằm trong tâm trí. Hai hậu quả lớn rõ nhất của sự tăng trưởng kinh tế nóng trong thời gian qua là tình trạng ô nhiễm môi trường và sự bất bình đẳng xã hội gia tăng. Về vấn đề môi trường, từ một nước xuất khẩu năng lượng, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới và cũng là những nước thải khí CO2 bậc nhất trên thế giới do hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp. Về vấn đề xã hội, mặc dù tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc gắn liền với việc giảm tỷ lệ đói nghèo tuyệt đối, nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa khu vực nội địa Trung Quốc và khu vực ven biển ngày càng gioãng ra. Trong tình hình như vậy, mặc dù Trung Quốc đưa ra mục tiêu tăng gấp 4 GDP vào năm 2020 so với năm 2000 nhưng cách tiếp cận trong các giải pháp kinh tế của Trung Quốc có khác trước. Trước hết, Trung Quốc đã từ bỏ cách tiếp cận coi tăng trưởng là trên hết từ những thập kỷ 90. Tại Đại hội lần thứ 17 lần này, Trung Quốc đã chính thức theo đuổi ’quan điểm phát triển khoa học’ của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố bền vững của phát triển dựa trên việc sử dụng năng lượng hiệu quả và các công nghệ thân thiện với môi trường. Để giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tầng lớp dân cư, Trung Quốc chủ trương xây dựng ’xã hội hài hòa’ với hạt nhân là lấy con người làm trọng tâm của sự phát triển. Theo đó, phát triển không phải mục tiêu tự thân mà phát triển nhằm cải thiện đời sống dân sinh, trong đó nhấn mạnh 5 nhân tố: (i) ưu tiên phát triển giáo dục để nâng cao tố chất dân sinh; (ii) lấy sáng nghiệp để thúc đẩy việc làm; (iii) cải cách chế độ phân phối, đặc biệt nhấn mạnh tập trung tăng thu nhập cho người có thu nhập thấp; (iv) đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho cư dân thành thị và nông thôn và (v) xây dựng chế độ y tế chữa bệnh để nâng cao sức khỏe toàn dân. Năm nội dung này được coi là nhân tố hết sức quan trọng nhằm xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Điểm đáng lưu ý là 5 nội dung trên không chỉ góp phần xây dựng một xã hội hài hóa theo nghĩa làm thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư mà nó còn là một cách để tăng cường hơn nữa khả năng tự lực và tự chủ của người dân Trung Quốc. Đây là một cách tiếp cận phát triển biện chứng và nhìn xa trông rộng. Mặc dù trên 30% GDP Trung Quốc dựa vào nguồn thu xuất khẩu, nhưng Trung Quốc thừa nhận tính bất ổn định của môi trường bên ngoài và chủ trương tăng cường nội nhu để kích thích sự phát triển kinh tế thay và giảm phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường bên ngoài ở mức tối đa có thể. Quan điểm xã hội hài hòa do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề xướng cũng được mở rộng sang lĩnh vực đối ngoại, theo đó Trung Quốc chủ trương ủng hộ một thế giới hài hòa, thực chất là sự ủng hộ đối với một trật tự thế giới đa cực và không chấp nhận thế giới đơn cựu chịu sự thống trị của bất kỳ cường quốc nào. Hơn nữa sự ủng hộ việc xây dựng một thế giới hài hòa còn là cách mà Trung Quốc thể hiện mục tiêu phát triển hòa bình. Nói cách khác, sự lớn mạnh của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với thế giới mà góp phần tạo ra một cực trong một thế giới hài hòa. Trong khi nhấn mạnh tính hài hòa của thế giới, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nhấn mạnh quan điểm thế giới hài hòa nhưng không có nghĩa là đồng nhất. Điều đó có thể hiểu là một sự thừa nhận sự đa dạng trên thế giới và không chấp nhận sự áp đặt đơn cực trong quan hệ quốc tế. Những định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và quan hệ đối ngoại kể trên sẽ đóng vai trò then chốt làm kim chỉ nan cho quá trình lãnh đạo đất nước Trung Quốc tiến đến mục tiêu xã hội khá giả toàn diện trong thời gian tới.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29241-con-duong-dua-trung-quoc-tro-thanh-cuong-quoc-hang-dau-the-gioi