Con đường nghệ thuật của nữ danh ca Thanh Hằng

Mùa hè năm 1953, công chúng Hà Nội chứng kiến một sự kiện âm nhạc lớn, đó là vòng chung khảo cuộc thi hát do Đài Phát thanh Hà Nội tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau khi nghe phần trình diễn của nữ thí sinh Thanh Hằng với chất giọng soprano đặc sắc, thể hiện thành công bài Đêm xuân dạ khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, Ban giám khảo đã quyết định thí sinh Thanh Hằng đạt giải nhất.

Thí sinh Thanh Hằng tên thật là Lê Lệ Hào, sinh ngày 22-10-1935, tại làng Giáp Nhị, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 11 tuổi, chị đã phải vừa đi học vừa lao động kiếm sống. Sự gian khó trong cuộc sống không làm chị mất đi những khát vọng và niềm tin của tuổi trẻ vào tình yêu ca hát, chị vừa tự rèn luyện giọng hát vừa tìm thầy học hỏi. Khi phát hiện tài năng, nguyện vọng và ý chí của Thanh Hằng, chính nhạc sĩ Tu My đã vận động gia đình cho phép chị tham dự cuộc thi này.

Danh ca Thanh Hằng.

Sau khi đoạt giải, chị được mời biểu diễn ở nhiều sự kiện, tụ điểm ca nhạc, đài phát thanh… Chương trình nào chị cũng được công chúng hoan nghênh, cổ vũ. Lần đầu tiên bước ra sân khấu rạp Olympia trong chương trình của Tráng đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam ngày 13-6-1953, chị đã được tôn vinh như một đỉnh cao của tài năng ca hát. Thời đó, các rạp chiếu bóng lớn ở Hà Nội thường có chương trình ca nhạc 30 phút trước giờ chiếu để khuyến khích người đến mua vé xem phim, nên các nghệ sĩ, nhất là các danh ca, thường xuyên được mời tham gia những chương trình này. Thanh Hằng đã được mời biểu diễn ở nhiều rạp như Majestic (nay là rạp Tháng Tám), Eden (nay là rạp Công Nhân), Olympia (nay là rạp Hồng Hà), Ciro’s (nay là rạp Kim Đồng), về sau chủ yếu là biểu diễn ở rạp Long Biên (phố Hàng Chiếu).

Nội dung chương trình biểu diễn của chị hầu hết là những bản tình ca như: Khúc nhạc chiều mơ (Ngọc Bích), Tình xuân (Phạm Duy), Hương lúa đồng quê (Hoàng Giác), Quê hương (Hoàng Giác), Khúc ly ca (Châu Kỳ), Tan tác (Tu My) Đêm xuân dạ khúc (Phạm Duy), Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Thu tàn (Đặng Văn An - Vũ Nhân), Chiều đợi chờ (Đặng Văn An), Tình mơ (Đặng Văn An – Thanh Hằng),

Đặc biệt, chị còn là đồng tác giả với nhạc sĩ Đặng Văn An bài Tình mơ xuất bản 1953 và là thành viên của ban nhạc Thanh Bình.

Danh ca Thanh Hằng đang thể hiện một tiết mục ca nhạc.

Hoạt động nghệ thuật khoảng một năm cùng với các đàn chị và các bạn cùng trang lứa như các danh ca: Tâm Vấn, Thanh Huyền, Thanh Huê, Thu Tâm, Thục Hiền, Kim Nga, Diễm Tuyết và các danh ca của đài phát thanh Sài Gòn như: Kim Tước, Mai Hương, Tuyết Hằng… chị đã cùng đồng nghiệp để lại ấn tượng tốt đẹp và sự mến mộ trong lòng công chúng.

Tháng 12-1955, Thanh Hằng được tuyển vào Đội văn công Sư đoàn 312 và chính thức đổi nghệ danh là Lê Hằng. Ngay từ những ngày đầu gia nhập đoàn nghệ thuật của quân đội, danh ca 20 tuổi của Hà Nội đã hăng hái thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đội văn công sư đoàn 312 với nhiệm vụ đem nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân, chị đã cùng đồng đội đi biểu diễn phục vụ các đơn vị trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc và nhân dân trên các địa bàn sư đoàn đóng quân. Lời ca tiếng hát, vở kịch của đội đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Thống kê tên các bài hát tiêu biểu chị đã biểu diễn nhiều lần để thấy một điều: Phải là một nghệ sĩ tha thiết yêu nghề, có trách nhiệm cùng sự tôn trọng tác phẩm, tác giả và công chúng mới có thể nhớ đầy đủ lời và giai điệu, nghiên cứu tìm tòi nghệ thuật thể hiện với riêng từng bài để trực tiếp biểu diễn thành công trên sân khấu hàng chục bài hát của hai giai đoạn đó không những là bản lĩnh mà còn là lòng tự trọng của người nghệ sĩ chân chính.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi cho nghệ thuật, tại Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1961, chị đã được nhận Huy chương vàng với 3 tác phẩm: Xuân về hoa nở, Ru con (dân ca H’Mông), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý); Huy chương bạc bài Trăng sáng đôi miền (An Chung) tại hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1965.

Thanh Hằng là nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, sinh ra để ca hát, và chính sự thành công mỹ mãn trong nghệ thuật đã đưa chị trở thành một trong những danh ca nổi tiếng nửa cuối thế kỷ 20.

PHAN PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/con-duong-nghe-thuat-cua-nu-danh-ca-thanh-hang-506339