Con đường Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân

(VnMedia) - Ngày 16/10/1964, Trung Quốc đã tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của nước này được đặt tên là “Thí nghiệm 596." Từ năm 1964 đến năm 1996, Trung Quốc đã thực hiện tất cả là 47 vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, trong đó có 23 vụ thử trên không (cho đến năm 1980) và 24 vụ thử dưới mặt đất (từ năm 1976-1996).

Trung Quốc đã trở thành nước cuối cùng tham gia vào “câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân”. Câu lạc bộ này hiện giờ bao gồm 5 cường quốc đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ II và đồng thời cũng trở thành các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây hoàn toàn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân là một thứ xa xỉ mà chỉ các quốc gia hàng đầu mới có đủ khả năng thực hiện. Cũng không phải ngẫu nhiên khi Mỹ, cường quốc giàu có nhất và thịnh vượng nhất thế giới thời điểm đó, là nước đầu tiên tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân. Sau đó lần lượt đến Liên Xô (1949), Anh (1952) và Pháp (1960). Trung Quốc trở thành nước cuối cùng gia nhập vào câu lạc bộ đặc biệt này. Liên Xô đóng một vai trò đáng kể trong việc biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân bằng việc cung cấp nguồn viện trợ lớn cho nước này tăng cường năng lực khoa học (trong đó có lĩnh vực vật lý) và phát triển ngành công nghiệp phức tạp như việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Có nhiều tin đồn khác nhau về việc Liên Xô tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Người thì cho rằng Liên Xô không hề tham gia vào việc này trong khi có người lại cho rằng Liên Xô cung cấp toàn bộ thông tin và thiết bị để Trung Quốc sản xuất vũ khí hạt nhân. Sự thật là Liên Xô có giúp nhưng ở mức độ vừa phải. Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện một chương trình vũ khí hạt nhân thậm chí trước khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức được thành lập ngày 1/10/1949. Vào mùa xuân năm 1949, nhà vật lý Trung Quốc Tsien San-Tsiang đã đến thăm Pháp với mục đích lấy được những nguyên liệu và thiết bị để thành lập một phòng thí nghiệm hạt nhân và một viện vật lý. Ông này cuối cùng đã thành công với sự giúp đỡ của ông Frederic Joliot-Curie. Nhà khoa học người Pháp nghĩ rằng Trung Quốc nên có vũ khí hạt nhân và ủng hộ các kế hoạch của Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc đó. Mặc dù Chủ tịch Mao Trạch Đông gọi vũ khí hạt nhân là một “con hổ giấy” nhưng ông này không từ bỏ kế hoạch có được nó. Vào mùa xuân năm 1953, Trung Quốc quay ra nhờ Liên Xô giúp đỡ trong chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, với bức thư giới thiệu của lãnh đạo Viện Khoa học Liên Xô - Nikita Khrushchev, Trung Quốc chỉ được cung cấp những tài liệu khoa học chung chung, thiếu sự nghiên cứu sâu về đề tài này. Hơn nữa, ông Khrushchev cũng khuyến cáo Trung Quốc nên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân với lý do cơ sở công nghiệp và khoa học yếu kém của nước này. Mặc dù vậy, ông Khrushchev cũng đã giúp đỡ Trung Quốc trong các nghiên cứu hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi năm 1957, Bắc Kinh đã tiếp cận được với công nghệ vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Năm 1958, Trung Quốc phát triển lò phản ứng hạt nhân và máy gia tốc đầu tiên. Dường như Trung Quốc sẽ sản xuất được quả bom hạt nhân đầu tiên trong vòng vài tháng nữa. Tuy nhiên, chính trị đã làm thay đổi tiến trình này. Các cuộc tranh chấp đầu tiên giữa Liên Xô và Trung Quốc về một số vấn đề chính trị cơ bản đã nảy sinh. Năm 1959, việc chuyển giao nguyên liệu hạt nhân từ Liên Xô sang cho Trung Quốc đã giảm đột ngột và năm 1960, Liên Xô rút các chuyên gia hạt nhân đang làm việc tại Trung Quốc về nước. Trung Quốc đã phải một mình đi nốt con đường còn lại. Đến thời điểm này, Bắc Kinh đã có trong tay những kiến thức lý thuyết nhất định về sản xuất bom nguyên tử của người Liên Xô. Thêm vào đó, do những mối quan hệ đã được thiết lập ở Châu Âu – nơi có rất nhiều nhà khoa học như ông Joliot-Curie thông cảm với Trung Quốc, Bắc Kinh đã có thể có được đầy đủ thông tin từ Pháp và các nước khác. Rất khó có thể đánh giá được thông tin nào đóng vai trò chính, thông tin nào quan trọng nhất nhưng bằng cách này hay cách khác, vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc đã được cho phát nổ để thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 16/10/1964 tại khu thử Lop Nur. Lần thử hạt nhân thứ hai của Trung Quốc được tiến hành vào năm 1965 khi một quả bom hạt nhân được thả từ máy bay Tupolev Tu-4. Sau đó, Trung Quốc đã chính thức trở thành nước cuối cùng gia nhập vào câu lạc bộ hạt nhân của thế giới. Củng cố vị thế cường quốc hạt nhân Tuy nhiên, những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân không đủ để giúp Trung Quốc duy trì và củng cố vị thế cường quốc hạt nhân của nước này. Vấn đề của Trung Quốc là ở các thiết bị phóng tên lửa. Thời điểm đó, Trung Quốc chỉ sở hữu những tên lửa đơn sơ và các máy bay ném bom. Trung Quốc đã có được công nghệ sản xuất tên lửa tầm ngắn từ Liên Xô cũng như các máy bay ném bom Tupolev Tu-4, Ilyushin Il-28 và Tupolev Tu-16. Nhưng tất cả những thứ này đều không đủ để giúp Trung Quốc có thể sánh ngang với các cường quốc hạt nhân khác như Nga, Mỹ. Chính vì thế, trong 30 năm qua, song song với việc tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc đã theo chân Mỹ và Liên Xô tập trung vào phát triển bộ ba hạt nhân gồm các tên lửa triển khai trên đất liền, trên biển và các máy bay ném bom tầm xa. Trung Quốc liên tục hoàn thiện và tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình với mục tiêu trước năm 2020, tiềm lực hạt nhân của nước này phải đạt đến mức họ không còn phải e dè trước Nga hay Mỹ. Theo những ước tính khác nhau, Trung Quốc hiện đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới với khoảng 150 đầu đạt hạt nhân chiến lược và 600 đến 700 đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Nga hiện có khoảng 3.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong khi Mỹ có hơn 4.500 vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó, Nga và Mỹ còn sở hữu các kho vũ khí hạt nhân chiến thuật đáng sợ. Trung Quốc là thành viên cuối cùng của “câu lạc bộ hạt nhân lớn” có được vũ khí hạt nhân trước ngày 12/7/1968 khi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân chính thức được ký kết. Tuy vậy, hiệp ước này cũng chẳng ngăn cản được sự phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Các nước khác hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Israel (nước này không chính thức cũng chẳng xác nhận vị thế hạt nhân của mình), Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Nam Phi, nước được cho là đã cùng phát triển vũ khí hạt nhân chung với Israel, trước đây đã có một kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình vũ khí hạt nhân của Nam Phi đã bị hủy bỏ vào đầu những năm 1990 và những vũ khí hạt nhân của nước này đã bị tiêu hủy. Có một số quốc gia như Argentina, Brazil và Iran hiện chưa có vũ khí hạt nhân nhưng đã và đang nỗ lực phát triển loại vũ khí hủy diệt này. Chưa hết, còn có một số nước có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng nếu muốn. Đó là những nước như Đức, Nhật Bản và một số nước phát triển khác. Vũ khí hạt nhân mới được sử dụng 2 lần nhưng được xem là cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất thế giới loài người. Vì thế, chẳng ai mong muốn loại vũ khí hủy diệt tàn bạo này sẽ lại được sử dụng lần nữa. Tuy nhiên, trong khi nhiều người đang kêu gọi một thế giới phi hạt nhân thì nhiều nước vẫn tìm mọi cách để có được nó. Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=11&newsid=177544