Con gái nhà thơ Nguyễn Bính luôn day dứt khôn nguôi về di sản của cha

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu-con gái của cố nhà thơ Nguyễn Bính vừa cho ra mắt tập thơ Nguyễn Bính toàn tập đến với độc giả cả nước. Đây là một trong ba ước nguyện lớn của bà và và gia đình về di sản người cha quá cố-thi sĩ Nguyễn Bình vừa hoàn thành.

Nguyễn Bính Hồng Cầu là kết quả của mối tình tuyệt đẹp của chàng thi sĩ lãng tử Nguyễn Bính và cô gái người miền Nam có tên Nguyễn Hồng Châu. Họ quen, yêu nhau và kết hôn khoảng năm 1950 của thế kỷ trước giữa mênh mang sông nước miền Tây. Hai năm sau đó bà Nguyễn Bính Hồng Cầu ra đời, nhà thơ lấy tên mình cùng tên vợ đặt cho con. Năm 1954, nhà thơ Nguyễn Bính tập kết ra Bắc. Trong hoàn cảnh đất nước chia hai, bà Hồng Cầu lớn lên mà chưa một lần thấy mặt cha. Năm 1966 nhà thơ Nguyễn Bính đột ngột qua đời nhưng phải chờ đến khi đất nước thống nhất, hai mẹ con mới bà Hồng Cầu mới có dịp ra Bắc viếng mộ và thắp hương cho chồng, cho cha.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách Nguyễn Bính toàn tập, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu-con gái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính đã dành riêng cho phóng viên báo điện tử Một Thế Giới cuộc trò chuyện về tác phẩm của cha, về những ước ước nguyện của bà đối với di sản vô giá thân phụ.

Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966)

Thưa bà, là con gái của nhà thơ nổi tiếng, bản thân bà cũng là một thi sĩ, bà có những trăn trở gì về cha về những di sản tinh thần vô giá của cha?

- Chúng tôi cũng như bao người khác, được sinh ra và lớn lên giữa thời ly loạn. Cha tôi lên tàu tập kết ra Bắc, khi tôi mới tròn hai tuổi, em gái tôi mới vừa đôi tháng tuổi. Từ đó, cha tôi luôn sống trong tâm trạng khắc khoải ngày Bắc đêm Nam những mong ngày thống nhất đất nước được gặp lại vợ con. Nhưng khi chúng tôi lớn lên thì cha tôi đã đi vào cõi vĩnh hằng, ông không đợi được đến ngày sum họp. Và mãi mãi chúng tôi không bao giờ được sống trong vòng tay yêu thương của người.

Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi, những đứa con của ông, của miền Nam, tìm về cội nguồn quê cha đất tổ, những tưởng ông có một miền quê yên tĩnh, một mái nhà gìn giữ di sản của một đời nghệ sĩ. Nào ngờ, cũng như đất nước đầy biến động, phải ba lần bốn lượt phần mộ ông mới được đưa về vườn quê. Còn tác phẩm của ông, cái phần hồn của nhà thơ thì nằm tản mác khắp nơi. Bản in trong các sách báo qua các thời kỳ tìm lại đã khó, nhưng còn khó hơn là bao nhiêu bài thơ, giai thoại còn lưu giữ trong lòng bạn bè tứ xứ còn lưu lạc khắp nơi chưa được đoàn tụ về với gia đình...

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu bên tác phẩm của cha

Từ những day dứt như vừa nói, đến nay bà đã hoàn thành được bao nhiêu ước nguyện của mình?

- Bổn phận làm con, chúng tôi luôn day dứt, muốn làm một điều gì đó để phần nào an ủi anh linh cha tôi, một đời người một đời thơ có quá nhiều gian nan khốn khó. Và chúng tôi có 3 điều nguyện ước đó là: Tôn tạo lại phần mộ cha tôi; Xây dựng "Nhà lưu niệm Nguyễn Bính, nơi thờ phụng, cất giữ di sản của người. Hai điều ước trên chúng tôi đã hoàn thành cách đây nhiều năm với sự giúp đỡ tận tình của bạn bè, quyến thuộc. Điều ước thứ ba của chúng tôi, sưu tầm toàn bộ các sáng tác của cha tôi. Điều này cũng được hoàn thành bằng những tấm lòng ưu ái của bao nhiêu bạn hữu khắp mọi vùng đất nước, trong nhiều nghề nghiệp thuộc nhiều thế hệ, từ các NXB, nhà nghiên cứu, cùng rộng rãi công chúng yêu thơ.

Thưa bà, thơ của nhà thơ Nguyễn Bính hiện tại đang rải rác khắp nơi và có rất nhiều dị bản, vậy bà đã dành bao nhiêu thời gian để có cuốn sách một cách đầy đủ nhất?

- Sinh thời cha tôi làm thơ rất nhiều và in ở khắp nơi từ báo chí cho đến những tuyển tập thơ khác nhau nhau đến mức ngày nay không còn chắc chắn được đâu là nguyên mẫu. Chính vì thế trong sách tôi cố gắng sử dụng bản in lâu nhất, gần với khi tác giả còn sống nhất có thể. Tôi đã bỏ ra gần 20 năm để sưu tầm biên soạn tổng hợp tất cả tác phẩm của ông để đưa vào bộ sách. Tuy nhiên trong tập sách này tôi cũng đưa vào nhiều dị bản kèm theo để bạn đọc đối chiếu, so sánh và tự thẩm định theo cách hiểu của riêng mình. Tập sách này dẫu ao ước là toàn tập, vẫn có thể chưa tập hợp đầy đủ những sáng tác của cha tôi.

Đất nước ta đã trải qua nhiều biến động, cuộc đời thi sĩ bình dân như cha tôi cũng có biết bao là thăng trầm bởi lẽ ông là "thi sĩ". Nguyễn Bính Toàn tập là tấm lòng của chúng tôi đối với người cha mà chúng tôi chưa một lần gặp mặt, được chăm sóc yêu thương đúng nghĩa. Điều đó day dứt chúng tôi suốt bao nhiêu năm qua. Tôi đã lặng lẽ làm hết sức mình ròng rã hai mươi năm để hoàn thành Nguyễn Bính toàn tập ra mắt bạn đọc.

Để có được công trình như hôm nay, chúng tôi xin được cảm ơn các đơn vị xuất bản, cố nhà thơ Hoàng Tấn, cố nhà văn Mai Văn Tạo, cố nữ sĩ Mộng Tuyết, cố nhà nghiên cứu Hoài Việt, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, cùng đông đảo bạn hữu mà ở đây chúng tôi đành thất lễ không thể kể hết tên được.

Trong quá trình hoàn thành cuốn Nguyễn Bính toàn tập bà đã gặp những trở ngại gì?

- Trở ngại lớn nhất trong việc hoàn thành bộ sách này là do cha tôi có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tác phẩm được đăng tải trong trên báo, in trong sách và rải rác trong dân gian nên rất khó để tổng hợp trọn vẹn. Chính vì thế tuy gọi là “toàn tập” nhưng cũng chỉ là cố gắng hết sức trong khả năng có thể sưu tầm mà thôi.

Bà có muốn gửi gắm điều gì đến với những người yêu thơ Nguyễn Bính?

- Cuộc đời cha tôi không biết trọn vẹn hay không trọn vẹn, tôi luôn mong ước tác phẩm của ông không chỉ được lưu giữ qua những trang sách, mà còn lưu truyền trong lòng bạn đọc qua các thế hệ. Cha tôi-thi sĩ của hương đồng gió nội mà cuộc đời luôn những thăng trầm thì một đứa con như tôi dẫu có cố gắng thế nào cũng không bao giờ dám mong được sự toàn vẹn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Tiểu Vũ (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/con-gai-nha-tho-nguyen-binh-luon-day-dut-khon-nguoi-ve-di-san-cua-cha-71165.html