Cơn hỗn loạn chứng khoán Trung Quốc: Bị động hay mưu sâu?

Chưa có dấu hiệu rõ ràng nhưng sự suy thoái TTCK Trung Quốc không nằm ngoài khả năng đã được tính toán trước.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sự lao dốc của cổ phiếu Trung Quốc là vấn đề thuộc về niềm tin và hiện trên thị trường chẳng có chút niềm tin nào. Rất nhiều động thái cho thấy sự bị động, lúng túng của Chính phủ nước này, tuy nhiên ông cũng đặc biệt lưu ý tới khả năng tạo bất ổn giả để thâu tóm nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa

Nếu chỉ nhìn vào diễn biến thông thường, vị chuyên gia cho rằng rõ ràng có rất nhiều cú va đập đang chứng tỏ nền kinh tế nước này thật sự có vấn đề. Chính phủ Trung Quốc cũng đang cho thấy họ cũng bị động sau mỗi lần đưa ra giải pháp giải cứu thị trường chứng khoán.

“Đầu tiên từ đà giảm giá của nhân dân tệ và đến nay vẫn tiếp tục mất giá là nguyên nhân thứ nhất. Từ 6,2 nhân dân tệ đổi 1 USD thì nay đã là 6,6 nhân dân tệ đổi 1 USD đã khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế nước này. Cùng với nền kinh tế giảm tốc, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đang khiến thị trường hoảng loạn.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm 26/1, chỉ số Shanghai Composite giảm 6,4%, xuống 2.749,79 điểm. Tất cả các nhóm ngành từ các công ty hàng hóa đến những ngành mới như công nghệ đều giảm điểm.

Bên cạnh số liệu cho thấy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc năm 2015 lên đến 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, giới đầu tư còn lo ngại về khả năng cạn kiệt thanh khoản dù cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ồ ạt bơm thêm tiền nhằm đảm bảo đủ tiền mặt trước dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Một số các nhà dự báo chính xác nhất cho biết, chỉ số chứng khoán Trung Quốc có thể chưa chạm đáy cho đến khi giảm xuống 2.500 điểm.

Theo số liệu của Bloomberg, chỉ trong tháng 12 đã có 158,7 tỷ USD chảy khỏi Trung Quốc, cao hơn cả mức tổng 134,4 tỷ USD của năm 2014.

Cú va đập về giá dầu cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Bản thân các công ty dầu hỏa của Trung Quốc rất mạnh, nhưng giá dầu giảm kéo theo nhu cầu về nguyên liệu, khoáng sản không còn được như trước khiến cho nền kinh tế Trung Quốc suy giảm theo”.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đó là tất cả những nguyên nhân đẩy thị trường chứng khoản Trung Quốc rơi vào khó khăn. Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, thị trường sẽ đóng cửa nghỉ Tết nguyên đán và hầu hết nhà đầu tư không còn tâm trạng nào để chơi chứng khoán.

Những lý do trên buộc Chính phủ Trung Quốc phải thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cứu thị trường chứng khoán nước này. Kể từ tháng 8/2015 tới nay, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều biện pháp giải cứu được sử dụng theo một cách rất đặc trưng như: bơm tiền vào thị trường, mua cổ phiếu, cho vay mua cổ phiếu, không cho bán cổ phần…

Trong đợt giải cứu mới đây vào khoảng tháng 1/2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã bất ngờ bơm khoảng 130 tỷ nhân dân tệ (19,94 tỷ USD) vào thị trường để giữ lãi suất cho vay xuống và trấn an các nhà đầu tư, độc lập với động thái khác từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng đẩy ra 20 tỷ USD.

“Cứ mỗi lần thị trường chứng khoán rơi xuống, Chính phủ mới tung tiền ra mua. Chứng khoán cũng giống như hàng hóa, ế phải mua vào. Vì thế, nếu nhìn từ trên phương diện này có vẻ như Chính phủ Trung Quốc cũng đang bị động và cho tới nay vẫn chưa thấy được một kế hoạch rõ ràng nào để giải cứu thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ. Dường như họ đang thả nổi”, ông Hiếu cho biết.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/con-hon-loan-chung-khoan-trung-quoc-bi-dong-hay-muu-sau-3299503/